Tràn ngập biển hiệu tiếng nước ngoài ở TP Nha Trang - Ảnh: THÁI THỊNH
Công văn do Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương ký cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra nội dung biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng tiếng nước ngoài không có chữ tiếng Việt tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa gây bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hoá, thể thao tỉnh Khánh Hòa tuyên truyền, phổ biến dưới mọi hình thức nội dung quy định về biển hiệu tại Điều 34, Luật Quảng cáo. Đặc biệt là quy định về việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu theo quy định tại Điều 18, Luật Quảng cáo.
Theo đó, Điều 18 Luật quảng cáo quy định, trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt (trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt).
Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Điều 34 Luật quảng cáo quy định biển hiệu phải có các nội dung sau: tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18.
Đồng thời, Sở Văn hoá, thể thao Khánh Hòa cần tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương chấn chỉnh hoạt động biển hiệu trên địa bàn thành phố Nha Trang.
Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý nghiêm các biển hiệu vi phạm theo quy định của Luật Quảng cáo.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị tỉnh Khánh Hòa báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 10-4.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online phản ánh tình trạng ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang... xảy ra tình trạng các nhà hàng, cửa hiệu treo biển hiệu, biển quảng cáo có tiếng nước ngoài "đè" tiếng Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận