05/01/2018 15:31 GMT+7

Chặn buôn lậu trên vùng biển Đông Bắc

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Nhiều năm nay, vùng biển Đông Bắc luôn là vùng nóng của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là mặt hàng than đá.

Giờ đây, thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi. Những đối tượng này không còn đi lén lút ban đêm, mà đi hiên ngang bởi trong tay đầy đủ hóa đơn, giấy tờ

Đại úy NGUYỄN XUÂN LÂM

Nắm được quy luật hoạt động của các nhóm tội phạm, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 (Vùng CSB 1) đã nhiều lần "giăng lưới", tóm gọn những chuyến tàu tuồn than đem bán.

Chủ công trong hoạt động phòng chống buôn lậu tài nguyên quốc gia này là đội nghiệp vụ số 1 phòng pháp luật Bộ tư lệnh Vùng CSB 1, với hơn 1,6 triệu tấn than lậu đã bị phát hiện, bắt giữ trong những năm qua.

Địa bàn phức tạp

Bộ tư lệnh Vùng CSB 1 được giao nhiệm vụ quản lý một vùng biển trải dài hơn 760km, đi qua 10 tỉnh thành ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Vùng biển này có hàng trăm đảo ven bờ, nhiều cảng biển lớn nhỏ, là cửa ngõ giao thương không chỉ trong nước mà còn với khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Thuận lợi nhiều, nhưng đi kèm với đó là không ít vấn đề an ninh, trật tự, buôn lậu, gian lận thương mại... Đặc biệt, với địa thế nằm cạnh đất mỏ Quảng Ninh, vùng biển Đông Bắc luôn là điểm nóng trong việc gian lận thương mại mặt hàng than, khoáng sản.

Đại tá Nguyễn Văn Thiếu, phó tư lệnh pháp luật Bộ tư lệnh Vùng CSB 1, đánh giá: "Đối với mặt hàng than hiện nay, chủ yếu là vận chuyển nội địa, việc xuất lậu đi Trung Quốc là không còn. Nguyên do phía Trung Quốc giảm giá nhập, thắt chặt bảo vệ môi trường và lực lượng chấp pháp của Trung Quốc hoạt động xử lý mạnh đối với những hành vi vi phạm. 

Ở trong nước, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chủ yếu tập trung trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh...".

Chặn buôn lậu trên vùng biển Đông Bắc - Ảnh 3.

BTL Vùng CSB 1 bắt giữ tàu hàng NB-2005 chở 1.200 tấn than ngày 15-6-2017 - Ảnh: Mạnh Thường

Trong vòng 5 năm qua, đội nghiệp vụ số 1 phòng pháp luật Bộ tư lệnh Vùng CSB 1 đã thực hiện gần 140 chuyến tàu tuần tra, kiểm soát, bắt giữ và tiếp nhận xử lý hơn 70 vụ việc. Trong đó phần lớn là xử lý các tàu than có dấu hiệu vi phạm.

Đơn cử như năm 2014, đơn vị này đã bắt giữ hơn 430.000 tấn than lậu, năm 2015 là gần 870.000 tấn than. Tính ra đã có hơn 1,6 triệu tấn than lậu bị lực lượng phát hiện và bắt giữ.

Chặn buôn lậu trên vùng biển Đông Bắc - Ảnh 4.

Lực lượng cảnh sát biển bắt giữ tàu chở 500m3 than không nguồn gốc trên vùng biển Quảng Ninh - Ảnh: Đ.H.

Thủ đoạn tinh vi, đa dạng

Trong đội nghiệp vụ số 1, thượng úy Đặng Thế Chung (31 tuổi, quê Nam Định) là một trong những chiến sĩ trẻ tham gia nhiều vụ việc xử lý vi phạm. 

Khác với ấn tượng vẻ bề ngoài hiền lành ít nói, thượng úy Chung được đánh giá là người có nhãn quan công việc sắc sảo, tinh nhanh. Nhắc đến vụ việc nào, anh nghĩ vài giây rồi nói chính xác thông tin vụ việc.

Anh Chung cho biết: "Cách thức truyền thống trước đây để vận chuyển than lậu là lợi dụng thời tiết đêm tối, sóng gió to; lợi dụng thời gian lực lượng chức năng ăn, nghỉ để tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Nhưng gần đây, những đối tượng này đã chuyển sang dạng mới: quay vòng, làm giả hóa đơn, gian lận chất lượng hàng...".

Chặn buôn lậu trên vùng biển Đông Bắc - Ảnh 5.

Bắt giữ tàu chở 3.000 tấn than trên vùng biển Quảng Ninh ngày 5-1-2017 - Ảnh: Đ.Hiếu

Thượng úy Chung cũng tiết lộ với phương thức vận chuyển hàng truyền thống, các tàu than lớn luôn có một tàu nhỏ đi kèm phía trước làm nhiệm vụ cảnh giới. Vì vậy, phải phối hợp tốt giữa đội nghiệp vụ và lực lượng trinh sát để nhận diện, sàng lọc những tàu nghi vấn.

"Chúng tôi cũng có nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác định tàu vi phạm hay không. Bằng quan sát mắt thường mớn nước của tàu, bằng cách đối chứng giữa lời khai và hóa đơn để tìm điểm mâu thuẫn... 

Mới đây, chúng tôi đã xử lý một vụ việc tương tự là tàu chở than HD-1604 chở cả nghìn tấn than đi trong đêm. Qua kiểm tra, xác định hóa đơn có vấn đề nên lập biên bản, tạm giữ tàu" - anh Chung kể.

Chặn buôn lậu trên vùng biển Đông Bắc - Ảnh 6.

BTL Vùng CSB 1 bắt giữ tàu hàng Tân Phát 36 số hiệu HP- 3829 chở 3.000 tấn than cám trên vùng biển giáp ranh Quảng Ninh – Hải Phòng ngày 21-11-2016 - Ảnh: Mạnh Thường

Một khó khăn không nhỏ của lực lượng CSB thực thi pháp luật là điều kiện neo giữ phương tiện có dấu hiệu vi phạm rất hạn chế. Thậm chí những người đó sẵn sàng lu loa, gây phiền hà cho lực lượng chức năng.

Nhưng người được cho là khắc tinh của những đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại than trên vùng biển Đông Bắc không ai khác chính là đại úy Nguyễn Xuân Lâm, đội trưởng đội nghiệp vụ số 1 phòng pháp luật Bộ tư lệnh Vùng CSB 1.

Theo anh Lâm: "Giờ đây, thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi. Những đối tượng này không còn đi lén lút, mà đi hiên ngang bởi hóa đơn đầy đủ. Chính vì vậy, phải có lực lượng trinh sát giỏi để nắm được quy luật hoạt động của đối tượng. Nhiều vụ việc anh em trinh sát phải theo dõi vài tháng trời mới "cất vó" được".

Mật phục "cất vó"

Dù các đối tượng đầy mưu mô nhưng bằng nghiệp vụ của mình, thời gian gần đây đội nghiệp vụ đã phát hiện một hình thức mới trong vận chuyển than khá tinh vi.

Tối 20-6-2017, nhận được mật báo, tổ công tác gồm phòng pháp luật Bộ tư lệnh Vùng CSB 1 phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng chờ sẵn tại vùng biển Cát Hải, TP Hải Phòng đón lõng tàu hàng NĐ-2388. 

Khi kiểm tra, trong khoang chứa hàng không có than, chỉ có 36 container loại 20 feet của Công ty CP đầu tư Hải Thành Phát (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Giám đốc công ty là ông Phùng Văn Thành cũng có mặt trên tàu, xuất trình hồ sơ, hóa đơn chứng từ của số container trên tàu. 

Tuy vậy, qua kiểm chứng lời khai của các thuyền viên, đối chiếu với giấy tờ hàng hóa, tổ công tác đã phát hiện nhiều điểm nghi vấn và xác định số hàng trong các container chính là than lậu. Tàu NĐ-2388 ngay lập tức bị tạm giữ và dẫn giải về khu vực Bến Gót tiếp tục điều tra.

Ba tuần tiếp theo, bộ đôi này tiếp tục tổ chức lực lượng, chia các mũi đến các địa phương Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, TP.HCM xác minh vụ việc. Tổ công tác đã làm việc với trên 50 tổ chức, cá nhân để làm rõ các tình tiết có liên quan. 

Quá trình xác minh đã tạm giữ thêm 3 container than cũng của công ty trên đang được tập kết tại cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh, cho thấy toàn bộ số than chứa trong 39 container là hơn 1.100 tấn than đều không có nguồn gốc hợp pháp. Chuyên án kết thúc trong niềm vui của toàn lực lượng.

Phối hợp, hiệp đồng chống buôn lậu than

Đại tá Nguyễn Văn Thiếu, phó tư lệnh pháp luật Bộ tư lệnh Vùng CSB 1, cho biết: toàn đơn vị đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại than trên biển.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung bám sát các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng như Bộ Quốc phòng; tăng cường nắm tình hình địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn để kịp thời tổ chức đấu tranh phòng chống tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại than; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên vùng biển trọng yếu và thường xuyên duy trì các tàu trực, kíp trực nghiệp vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên