Chậm do nhiều hồ sơ
Ngày 21-8, chị Giang - mẹ cháu V.T.P., đến UBND phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) hỏi hồ sơ xác nhận khuyết tật tâm thần cho con đi học. Kết quả, sau 40 ngày hồ sơ của cháu P. vẫn bị ngâm, chưa trình lên lãnh đạo phường.
Chị Giang kể khi mua hồ sơ nhập học lớp 1 cho cháu P. tại Trường tiểu học Nghĩa Chánh, chị có nói tình trạng của cháu, nhà trường giới thiệu qua UBND phường Nghĩa Chánh làm hồ sơ sức khỏe cho cháu P., đây là cơ sở để trường xếp lớp phù hợp.
Ngày 3-7, chị Giang đến UBND phường Nghĩa Chánh. Tại đây, cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội tên Phạm Viết Tâm đưa mẫu để chị Giang điền thông tin. Ngay hôm đó, UBND phường xác nhận vào giấy giới thiệu để chị Giang đưa con đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi khám.
Ngày 5-7, bệnh viện xác nhận cháu "chậm phát triển tâm thần nặng". Ngày 7-7 chị Giang đến UBND phường nộp giấy khám sức khỏe. Cán bộ phường hẹn ngày 10-7 chị Giang đến phường để được hướng dẫn làm thủ tục.
Ngày 10-7, cán bộ Tâm đưa các mẫu biểu cho chị Giang điền, hoàn thiện hồ sơ cho cháu P. và nộp lại toàn bộ hồ sơ. Ông Tâm nhận hồ sơ và bảo chị Giang về chờ điện thoại.
"Chờ mãi không thấy điện thoại, tôi nóng ruột đến phường ba lần để hỏi hồ sơ con xong chưa, nhưng không gặp được chú Tâm.
Đến ngày 14-8, tôi xin được số chú và gọi hỏi, chú trả lời chưa, nhiều hồ sơ quá và hỏi hồ sơ con tôi tên gì. Tôi cẩn thận nhắn tin tên con cho chú để được giải quyết và rồi tôi lại chờ", chị Giang nói.
Theo chị Giang, năm nay cháu vào lớp 1, rất cần giấy xác nhận khuyết tật để sắp xếp con học lớp tái hòa nhập, thay vì học bình thường. Nhưng ngày khai giảng đến gần, hồ sơ gửi 40 ngày mà phường chưa giải quyết.
Chờ giấy xác nhận khuyết tật cho con đi học
Sáng 21-8, chị Giang đến trụ sở UBND phường Nghĩa Chánh hỏi cán bộ Tâm về hồ sơ của con. Ông này cho biết hội đồng bận lắm, chưa xét duyệt hồ sơ của cháu P..
"Chú Tâm nói tôi về chờ. Câu trả lời rất vô cảm, bởi con tôi là trẻ em chậm tiến, là đối tượng được quan tâm nhất của xã hội. Tại sao chỉ giải quyết một thủ tục hành chính đơn giản mà làm khó đến vậy", chị Giang nói.
Quá bức xúc, chị Giang gọi điện cho báo Tuổi Trẻ Online thông tin vụ việc. Làm việc với phóng viên, ông Lý Hồng Sơn, phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh, rất bất ngờ khi hồ sơ khuyết tật của cháu P. chậm đến 40 ngày. Ngay sau đó, ông Sơn mời ông Tâm và chị Giang vào phòng làm rõ.
Tại đây, chị Giang trình bày lại thời gian làm hồ sơ, nỗi khổ của người mẹ có con chậm phát triển. Ông Tâm lý giải: "Chậm trình hồ sơ cho hội đồng phường xét duyệt bởi thời gian qua lo Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) bận quá". Đồng thời, ông Tâm hứa trong tuần này sẽ hoàn thành hồ sơ trình lãnh đạo phường.
Ông Lý Hồng Sơn chia sẻ nỗi lo với chị Giang, hỏi thăm sức khỏe cháu và cam kết sẽ đốc thúc cán bộ phường trong tuần này sẽ cấp giấy xác nhận sức khỏe cho cháu P. đi học.
Luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết theo quy định tại khoản 2, điều 18 Luật Người khuyết tật năm 2010 thì trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đơn của công dân thì chủ tịch UBND xã, phường phải triệu tập hội đồng xác định mức độ khuyết tật, trên cơ sở kết luận của hội đồng xác định mức độ khuyết tật thì cấp giấy xác nhận khuyết tật cho công dân.
Như vậy, đã quá 30 ngày mà cán bộ phường chưa trình cho chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh để lập hội đồng xác nhận khuyết tật là quá chậm và không đúng luật.
"Hơn nữa, đối với trường hợp trẻ em cần được xác định mức độ khuyết tật sớm nhất, để có điều kiện theo học kịp thời trước năm học. Việc xử lý sớm, kịp thời là điều rất cần thiết để đảm bảo quyền của trẻ khuyết tật được bảo vệ.
Việc không tuân thủ quy định trong trường hợp này không những là hành vi trái luật mà còn có biểu hiện của sự thờ ơ, vô cảm trong thi hành công vụ", luật sư Hậu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận