Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (áo trắng) trao đổi với giám khảo chấm thi tự luận tại hội đồng chấm thi tỉnh Yên Bái ngày 13-7 - Ảnh: VĨNH HÀ
Đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh
Từ ngày 13-7, nhiều hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT trên cả nước đã bắt đầu chấm thi tự luận sau khi triển khai việc thảo luận về đáp án, hướng dẫn chấm thi và chấm chung một số bài trong hội đồng.
Trong buổi kiểm tra chấm thi tại Yên Bái, Phú Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến nguyên tắc phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh trong kỳ thi nói chung và trong công tác chấm thi nói riêng thể hiện ở việc chấp hành nghiêm túc quy trình chấm thi và thống nhất hướng chấm thi môn tự luận.
Theo lãnh đạo bộ, đáp án, thang điểm là quy định cụ thể, nhưng hướng dẫn chấm mới là căn cứ quan trọng giúp giám khảo dựa vào để chấm trong các tình huống bài làm khác nhau của thí sinh.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: Những bài làm không hoàn toàn đúng với ý nêu trong đáp án nhưng có nội dung tương đương, có cách triển khai lập luận chặt chẽ, thuyết phục và sáng tạo thì giám khảo vẫn cho điểm.
Để việc chấm thi môn văn chính xác và không bỏ sót nội dung mà thí sinh làm tốt, thậm chí hay hơn đáp án, theo ông Độ, rất cần sự thảo luận kỹ và thống nhất trong hội đồng và chấm chung một số bài thi để phân tích, đi tới điểm chung trong việc chấm, vì quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Tại Yên Bái, ông Bùi Văn Xuân - phó trưởng ban chấm thi - cho biết: Hội đồng chấm thi tự luận đã dành 1 ngày cho việc phổ biến quy chế, thảo luận hướng dẫn chấm thi. Trong đó hội đồng đã dành 3,5 tiếng để chấm chung. Các bài chấm chung được trình chiếu tại hội đồng, đọc từng câu cho toàn hội đồng nghe để cùng trao đổi và cho điểm.
Ông Xuân cũng cho biết trong số 80 giám khảo chấm thi tự luận, có những giáo viên ở trường chuyên, trường ở thành phố, có giáo viên ở vùng khó khăn. Cách lựa chọn giáo viên đa dạng giữa các vùng miền để tránh quan điểm cực đoan chấm quá lỏng hay quá chặt, gây thiệt thòi, không công bằng cho thí sinh.
"Đáp án được giám khảo cho là "đóng" vì nó là quy định cứng, cụ thể, nhưng hướng dẫn tôi thấy mở. Sau khi thảo luận và chấm chung, giám khảo không thấy còn khó khăn", ông Xuân cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số giám khảo tại các địa phương phía Bắc cũng cho biết: "Hướng dẫn chấm thi cho phép linh hoạt hơn, dễ thực hiện hơn, cơ bản xử lý được những điểm băn khoăn về đáp án".
Hiện nay tùy theo số lượng bài thi, các tỉnh, thành huy động giáo viên chấm thi tự luận đủ để mỗi giáo viên chấm 200-300 bài thi, bao gồm cả chấm lần 1 và lần 2.
Giáo viên chấm thi theo quy trình 2 vòng độc lập và giữa 2 giám khảo sẽ phải tự thảo luận nếu điểm giữa 2 lần chấm vênh dưới 1,0 điểm. Nếu vênh trên 1,0 điểm thì phải trao đổi với tổ trưởng chấm thi để thống nhất.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, các hội đồng chấm thi cân nhắc bố trí riêng tổ thống nhất điểm để xử lý các trường hợp chênh kết quả.
Chấm kiểm tra, cần giám khảo "tinh hoa"
Giám khảo chấm thi môn văn căn cứ vào cả đáp án và hướng dẫn chấm của bộ và sự thống nhất của hội đồng để cho điểm bài thi. Trong ảnh là giám khảo tại hội đồng chấm thi tự luận tỉnh Yên Bái - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong quy chế thi, các hội đồng phải chấm kiểm tra 5% số bài thi ngẫu nhiên. Vậy khi nào chấm kiểm tra? Chấm để làm gì? Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Chấm kiểm tra với bài thi tự luận có thể tiến hành ngay sau khi chấm thi lần 1, chứ không cần chờ chấm xong 2 lần. Chấm kiểm tra tiến hành như chấm lần 1 với mục đích xem giám thị đã vận dụng hướng dẫn chấm đúng chưa, nếu bất hợp lý thì phải điều chỉnh ngay không chỉ với bài thi cụ thể mà rút kinh nghiệm, điều chỉnh chung trong hội đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng các hội đồng cần chọn người có năng lực, kinh nghiệm vững, đó phải là những giám khảo "tinh hoa" đưa vào tổ chấm kiểm tra.
Ông Bùi Văn Xuân cho biết quan điểm của hội đồng Yên Bái: Việc chấm kiểm tra có thể rút ngẫu nhiên 5% bài thi nhưng cũng có thể chọn các bài thi đã được chấm điểm cao (9,10) hoặc được chấm điểm quá thấp để chấm lại.
Không vội vàng, dễ sai sót
Ngoài việc cho phép những nơi đang nóng về dịch bệnh như TP.HCM giãn tiến độ chấm thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT bày tỏ quan điểm "chấm từ từ, không vội vàng để xảy ra sai sót".
Nếu với ban chấm thi tự luận, Bộ GD-ĐT lưu ý kỹ việc phải chấm chung, thảo luận kỹ hướng dẫn chấm, thực hiện chấm 2 vòng độc lập và chấm kiểm tra, thì với việc chấm thi trắc nghiệm lại có "điểm mờ" được yêu cầu đặc biệt phải lưu tâm.
"Với phần mềm đã mã hóa như hiện nay thì chỉ có duy nhất khâu rà soát lỗi và xử lý lỗi là có thể có kẽ hở để gian lận, do phải rút bài thi gốc kiểm tra. Vì thế, các hội đồng phải tăng cường giám sát chặt chẽ" - ông Sái Công Hồng, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), trao đổi khi đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT làm việc với hội đồng chấm thi tại Yên Bái, Phú Thọ.
Nhiều tỉnh thành không phải điểm nóng dịch bệnh dự kiến hoàn thành chấm thi từ ngày 20-7 đến 22-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận