Test nhanh COVID-19 cho thầy cô chấm thi ở TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ CÔNG
Để đảm bảo an toàn trong công tác chấm thi tại hội đồng chấm, Sở GD-ĐT TP.HCM ngoài thực hiện những quy định chung của phòng chống dịch còn triển khai các quy tắc riêng để phù hợp với đặc thù của địa phương với diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Mỗi ca cách nhau 30 phút
Ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: "Giáo viên xét nghiệm trước khi chấm thi. Cứ năm ngày xét nghiệm một lần. Sở thực hiện đúng chỉ thị 16 và chỉ thị 10, quy định 5K của thành phố là khoảng cách và tập trung ít người nên trong phòng chấm thi giám khảo không quá mười người.
Tất cả giám khảo đều đeo kính chống giọt bắn, đeo khẩu trang, găng tay y tế. Ngoài ra, sở tính toán chia ca cho giám khảo chấm bài lệch ca, mỗi ca cách nhau 30 phút. Giám khảo đến địa điểm chấm thi là lên ngay phòng chấm, không tụ tập ở dưới chờ đợi. Khi ra về cũng vậy, cũng chia theo ca để đảm bảo an toàn, giãn cách".
Bên cạnh đó, theo ông Nam, ngoài việc đảm bảo an toàn mùa dịch còn tuân theo quy định của Bộ GD-ĐT với chấm thi tốt nghiệp THPT. Riêng hội đồng chấm thi, ngoài ban thực hiện công tác chấm thi, sở thành lập ban phòng chống COVID-19 của hội đồng chấm thi, chuyên nhắc nhở giáo viên kiểm tra công tác an toàn phòng chống dịch. Bộ GD-ĐT chỉ quy định các ban như ban chấm tự luận, trắc nghiệm, làm phách, thư ký nhưng TP.HCM có thêm ban phòng chống COVID-19.
Một giám khảo môn văn cho biết làm việc theo ca, lệch giờ ăn, giờ ra về. Cụ thể, ca 1 từ 7h đến 15h, nghỉ trưa lúc 10h30 bao gồm giám khảo chấm môn văn các tổ như 1, 2, 3, 4; ca 2 cho các tổ 17, 18. Tương tự, giám khảo chấm trắc nghiệm từ 7h30 đến 15h30, nghỉ ăn trưa lúc 11h. Từ 8h30 đến 16h, ăn trưa lúc 11h30 là ca 3...
Chấm thi gần 20 năm nhưng lần đầu tiên cô giáo này phải đi chấm thi trong hoàn cảnh và điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt. Cô chia sẻ: "Khi giám khảo đến hội đồng chấm vào cổng 1 phải trình xuất phiếu tham gia xét nghiệm COVID-19 âm tính, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Về thì di chuyển theo hai cổng để giãn cách, không ùn ứ. Đó là chưa kể trong phòng chấm, thực hiện quy định 5K, chấm bài đeo găng tay y tế 24/24.
Sở còn triển khai đến từng tổ chấm nếu giám khảo sốt, ho, mệt, khó thở thì phải báo ngay với tổ trưởng, tổ phó mỗi tổ hoặc nhân viên y tế. Hội đồng chấm thi có nhân viên y tế túc trực, khử khuẩn vệ sinh suốt buổi chấm. Tuy rất căng thẳng nhưng giám khảo nào cũng yên tâm, thực hiện công việc mình hết buổi rồi ra về, đến ngày hôm sau cứ thế thực hiện...".
Dự phòng phương án thay thế giáo viên
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An - cho biết ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng vào chiều 8-7, toàn bộ bài thi các môn của hơn 34.400 thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT tại 68 điểm thi trên toàn tỉnh được chuyển về TP Vinh tuyệt đối an toàn để làm phách, chấm thi.
Theo ông Hoàn, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, trước khi nhận nhiệm vụ chấm thi, hơn 400 cán bộ, giáo viên chấm thi phần lớn được phân công chấm thi môn ngữ văn đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính.
Điểm chấm thi đều mở thêm các phòng chấm thi so với các năm trước nhằm đảm bảo giãn cách trong phòng cho các giáo viên chấm thi. Ngoài ra, do diễn biến dịch có nhiều phức tạp, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng đã xây dựng các phương án dự phòng thay thế giáo viên chấm thi trong trường hợp có giáo viên chấm thi mắc COVID-19 hoặc thuộc F1, F2.
"Sở chủ trì việc chấm thi nhưng việc tham gia ban chấm thi, chấm thi, thanh tra, giám sát công tác chấm thi đều có cán bộ của các trường đại học. Để đảm bảo kết quả chính xác, công bằng, khách quan cho thí sinh, theo quy định với môn tự luận sẽ chấm hai vòng độc lập, song song đó là chấm kiểm tra cùng với chấm độc lập. Các môn thi trắc nghiệm được chấm trên máy tính theo đúng quy trình", ông Hoàn cho hay.
Xét nghiệm trước khi tham gia chấm thi
Với trên 100.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, Hà Nội huy động 800 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi, bao gồm các ban chấm trắc nghiệm, tự luận. Trong ban chấm thi tự luận có các tổ chấm thi lần 1, lần 2, tổ làm phách, tổ chấm kiểm tra, thống nhất điểm...
Tổng số có 532 cán bộ, giáo viên. Chấm thi trắc nghiệm có 53 cán bộ, giáo viên. Hà Nội cũng huy động 30 cán bộ, giáo viên làm công tác thanh tra chấm thi.
Ban chỉ đạo thi tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc có diễn biến dịch phức tạp cho biết 100% cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi, thanh tra thi được xét nghiệm virus corona trước khi hội đồng chấm thi làm việc.
Theo yêu cầu, khu vực chấm thi cũng được phun khử khuẩn, đảm bảo thực hiện biện pháp 5K phòng dịch, phòng cháy nổ. Khu vực bảo quản bài thi, khu vực chấm thi có cán bộ an ninh giám sát 24/24.
Từ ngày 9-7 đến 11-7, hội đồng chấm thi nhiều địa phương phía Bắc bắt đầu làm việc. Trong đó, các hội đồng dành một ngày để họp nghe phổ biến quy định chung, thảo luận về hướng dẫn chấm.
Bộ GD-ĐT quy định các hội đồng chấm thi phải bố trí phòng chấm thi riêng cho giám thị chấm lần 1 và lần 2 và có bộ phận riêng thống nhất điểm, bộ phận chấm kiểm tra, thanh tra... Trong đó bộ phận làm phách đảm bảo không tiếp xúc với giám thị chấm thi tự luận.
Việc chấm thi trắc nghiệm cũng tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, trong đó có quy trách nhiệm rõ ràng cho chủ tịch hội đồng chấm thi, lãnh đạo sở GD-ĐT.
Dự kiến công tác chấm thi sẽ diễn ra trong hai tuần. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho phép TP.HCM có thể giãn tiến độ chấm thi để kết hợp phòng dịch.
* Đà Nẵng: giãn cách, chia tổ để phòng dịch
Ngày 12-7, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết hiện công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn đảm bảo theo tiến độ. Ông Trần Nguyễn Minh Thành - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - cho biết thêm việc chấm thi được thực hiện giãn cách, chia tổ theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch. Giáo viên phải đảm bảo khoảng cách, sử dụng khẩu trang, sát khuẩn... theo quy định.
Ngày đầu tiên tập trung để chuẩn bị đi chấm nếu có giáo viên nào có biểu hiện ho, sốt sẽ cho nghỉ và đổi giáo viên khác, lấy trong tổng số giáo viên đã được xét nghiệm để đi thay. "Hiện chúng tôi vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh của TP, nếu có phát hiện các ca F liên quan đến thầy cô nào thì sẽ kịp thời có phương án xử lý" - ông Thành cho biết. (ĐOÀN CƯỜNG)
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng vừa qua thực hiện xếp hàng, sát khuẩn trước khi vào phòng thi - Ảnh: Đ.C.
* Cần Thơ: chấm ba buổi sáng, chiều, tối
Chiều 12-7, ông Nguyễn Phúc Tăng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết đối với công tác chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sở thực hiện nhiều biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, sở tổ chức test nhanh COVID-19 cho gần 200 cán bộ, nhân viên và giáo viên chấm thi. Thầy cô sẽ chấm liên tục ba buổi sáng, chiều và tối. Mỗi buổi chấm thi thầy cô phải đảm bảo quy tắc 5K và rửa tay sát khuẩn 4 lần/buổi chấm để đảm bảo phòng dịch.
"Ở trường sẽ có đội ngũ lo ăn uống nghỉ ngơi cho thầy cô. Trong suốt quá trình chấm thi thầy cô sẽ ở tại điểm trường, ngoại trừ thầy cô có việc thật sự cần thiết mới được ra" - ông Tăng cho biết thêm. (CHÍ CÔNG)
* Quảng Ngãi: test nhanh cán bộ chấm thi
Chiều 12-7, ông Nguyễn Ngọc Thái, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết tỉnh sẽ huy động hơn 140 cán bộ, giáo viên chấm thi. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại TP Quảng Ngãi, ông Thái cho biết toàn bộ cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi đều test nhanh COVID-19 và cho kết quả âm tính.
Trong suốt quá trình chấm thi, các thầy cô phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tiếp xúc với nhau. "Trong thời gian phòng chống dịch, các thầy cô chấm thi phải tuân thủ quy định vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa hoàn thành việc chấm thi trước thời gian quy định", ông Thái nói. (TRẦN MAI)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận