24/08/2019 11:13 GMT+7

Chậm thay đổi, ngành hồ tiêu sẽ... tiêu

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Nếu các địa phương không kiểm soát tốt diện tích hồ tiêu, nông dân không thay đổi tập quán sản xuất chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm chất lượng, ngành hồ tiêu VN sẽ lún sâu vào khủng hoảng thừa, người trồng tiêu tiếp tục thua lỗ.

Chậm thay đổi, ngành hồ tiêu sẽ... tiêu - Ảnh 1.

Vườn tiêu hữu cơ hơn 20ha ở huyện Đắk Song, Đắk Nông vẫn đạt sản lượng cao, bán được giá - Ảnh: TR.TÂN

Khuyến cáo trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội nghị nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững cho ngành hồ tiêu, được tổ chức tại Đắk Nông sáng 23-8. Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2017 diện tích hồ tiêu cả nước đã lên tới 152.000ha, vượt quy hoạch hơn...100.000ha!

Sản lượng tăng, kim ngạch giảm mạnh

Ông Lê Văn Đức - phó cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết sau khi đạt kim ngạch kỷ lục với hơn 1,4 tỉ USD vào năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu VN giảm dần và đến năm 2018, kim ngạch chỉ còn 758,9 triệu USD do cung vượt cầu. 

"Dự báo giá hồ tiêu năm 2019 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm vì sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng, trong đó riêng của VN đạt gần 300.000 tấn" - ông Đức cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết thêm sản lượng hồ tiêu VN đạt gần 300.000 tấn/năm, chiếm 58% thị phần xuất khẩu thế giới. Tổng cung toàn thế giới năm 2018 là 550.000 tấn và năm 2019 dự kiến là 600.000 tấn, thừa so với nhu cầu.

"Ba năm qua, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu VN giảm dần do cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia khác" - ông Toản nói.

Trong giai đoạn hoàng kim, giá hồ tiêu luôn ở mức trên 200.000 đồng/kg nhưng từ năm 2017 đến nay liên tục lao dốc, hiện chỉ còn 45.000 đồng/kg. Trong năm 2018, hơn 21.000ha tiêu chết khiến hàng ngàn nông dân phải bán nhà cửa, ruộng vườn để trả nợ ngân hàng.

Theo bà Hoàng Thị Liên - giám đốc điều hành Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), ngành hồ tiêu VN từng phát triển rất mạnh. Nhưng Brazil, Indonesia, Campuchia... đang dần chiếm tỉ trọng lớn và cạnh tranh trực tiếp với VN. Trong đó Brazil chiếm thị phần gần bằng VN và cạnh tranh trực tiếp hồ tiêu VN, lại đang chiếm ưu thế ở thị trường EU.

Phải giảm diện tích, trồng hồ tiêu sạch

Lối ra cho ngành hồ tiêu, theo ông Nguyễn Quốc Toản, điều kiện tiên quyết là thay đổi tập quán sản xuất và kiểm soát giảm diện tích. Phải giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý... gắn liền với các thương hiệu mạnh của địa phương.

Đặc biệt, phải cải thiện năng lực chế biến, bởi dù cả nước có hơn 200 nhà máy chế biến hồ tiêu nhưng việc chế biến tinh lại chưa cao.

"Ngoài ra, chúng ta phải đẩy mạnh quảng bá thị trường, không chỉ thông qua những hoạt động lễ hội của địa phương mà mở rộng hệ thống tiêu thụ nội địa, đồng thời xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở những nước đã ký các hiệp định thương mại" - ông Toản nói.

Bà Hoàng Thị Liên cũng có cùng quan điểm khi cho rằng VN phải nhanh chóng cải thiện chất lượng hồ tiêu, giảm thuốc bảo vệ thực vật và phân vô cơ, tăng kiến thức canh tác cho người dân... 

"Phải thay đổi nhận thức cho người nông dân là nếu làm ra sản phẩm tốt, giá sẽ tốt và chính mình là người hưởng lợi. Trong liên kết với doanh nghiệp, nông dân cũng phải tuân thủ quy trình canh tác do doanh nghiệp đề ra để có sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu ở những thị trường khó tính nhất" - bà Liên nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết bộ đang cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu cả nước ở khoảng 100.000ha. Những nơi trồng không đúng quy hoạch, vùng tiêu bị bệnh, năng suất thấp phải khuyến cáo nông dân không trồng lại, chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

"Nếu nông dân làm đúng theo phương pháp hữu cơ, sản lượng cũng rất cao, đạt năng suất 4,5 tấn/ha, cao hơn mức bình quân. Dù giá hồ tiêu xuống thấp như hiện nay, 1ha hồ tiêu hữu cơ vẫn đạt 400-450 triệu đồng" - ông Doanh khẳng định.

Ngân hàng hỗ trợ người trồng tiêu

Theo bà Hà Thu Giang - vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước VN, hàng ngàn nông dân VN lâm vào cảnh thua lỗ, mất khả năng thanh toán.

Tính đến hết tháng 6-2019, tổng dư nợ cho vay với ngành hồ tiêu cả nước là gần 18.000 tỉ đồng (cuối năm 2018 là hơn 20.500 tỉ), trong đó địa bàn Tây Nguyên hơn 12.000 tỉ đồng, chiếm hơn 67% tổng dư nợ hồ tiêu cả nước.

Trước những khó khăn của nông dân, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng có biện pháp cùng nhân dân tháo gỡ khó khăn như giảm lãi suất, tiếp tục cho vay ngắn hạn để chăm sóc vườn cây.

Đến nay, ngân hàng đã cơ cấu lại số nợ gần 400 tỉ đồng, giảm lãi suất gần 250 tỉ đồng và hơn 1.000 tỉ đồng cho vay lại để nông dân phục hồi sản xuất.

'Vùng hồ tiêu lớn nhất nước sẽ phá sản nếu không được hỗ trợ'

TTO - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho biết chưa bao giờ nợ nần, dịch bệnh lại gây kiệt quệ cho người trồng tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên như lúc này.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên