11/05/2019 11:41 GMT+7

Hồ tiêu bệnh, mất giá, nhiều nông dân vỡ nợ phải bỏ xứ

TRUNG TÂN -  HUỳNH CÔNG ĐÔNG
TRUNG TÂN - HUỳNH CÔNG ĐÔNG

TTO - Cây tiêu bệnh, giá tiêu chỉ còn 40.000 đồng/kg, chưa đầy 20% so với mức cao nhất, nông dân không có vốn chăm sóc khiến hàng chục ngàn hecta hồ tiêu tại Tây Nguyên 'chết đứng', nhiều nông dân ôm nợ và bỏ trốn.

Hồ tiêu bệnh, mất giá, nhiều nông dân vỡ nợ phải bỏ xứ - Ảnh 1.

Vườn tiêu anh Y Cường Niê (thôn 2, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) chết khô vì bị úng nước, dịch bệnh - Ảnh: TRUNG TÂN

Dọc quốc lộ 14 từ TP Pleiku (Gia Lai) về đến thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), thay cho những đồi tiêu xanh mướt hai bên đường trước đây là những vườn tiêu trụi lá hoặc những dải đất trơ cột bêtông, cây gỗ...

Theo Bộ NN&PTNT, mưa kéo dài trong năm 2018 gây ngập úng, thối rễ, nhiễm bệnh chết nhanh và người dân không chăm sóc... là những nguyên nhân khiến diện tích hồ tiêu tại Tây Nguyên bị chết gần 10.200ha.

Tiêu chết và giá giảm, nông dân ôm nợ

Ông Văn Viết Sỹ (69 tuổi, xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh, Gia Lai) cho biết khi thấy tiêu được giá, gia đình vay hơn 1 tỉ đồng để trồng 4.000 trụ tiêu. Nhưng thu hoạch chưa được bao lâu, tiêu bắt đầu chết dần, đến nay đã "trơ xương" 3.000 trụ, số còn lại cũng có nguy cơ chết rụi.

"Do tiêu được giá nên ai cũng đua nhau trồng và đều phải "cắm" sổ đỏ vay vốn ngân hàng, người ít thì vài triệu đồng, nhiều thì khoảng 2 tỉ đồng. Nhiều hộ gia đình đã bị các ngân hàng đến kê biên, phát mãi tài sản vì tiêu chết, mất khả năng thanh toán" - ông Sỹ chua xót.

Ngành hồ tiêu tại Đắk Lắk và Đắk Nông cũng không khá khẩm gì, hàng ngàn hecta tiêu chết dần, nông dân điêu đứng. Ông Phạm Hùng Vân (xã Phú Xuân, Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết gia đình ông cũng cắm hai sổ đỏ, vay gần 500 triệu đồng để đúc gần 1.000 trụ bêtông, mua giống trồng tiêu mong đổi đời.

"Thế nhưng được 1 năm thì tiêu xuống giá rồi chết sạch không sót trụ nào. Vốn chưa thu được mà lãi ngân hàng vẫn phải trả, nên vợ chồng tôi dù già yếu vẫn phải bươn chải làm thuê kiếm thêm thu nhập" - ông Vân nói.

Tại huyện Đắk Song - "thủ phủ" hồ tiêu Đắk Nông với hơn 15.000ha (chiếm gần một nửa diện tích toàn tỉnh) - cũng có hàng ngàn hecta hồ tiêu chết khô, khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.

Theo ông Nguyễn Văn Thu (xã Đắk N’drung, huyện Đắk Song), tại thời điểm giá tiêu cao nhất, nhiều người trồng tiêu phất nhanh, gia đình ông cũng đã phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng 1.400 trụ hồ tiêu.

"Chưa kịp nhận thành quả sau ba năm canh tác, tiêu có hiện tượng vàng lá rồi chết khô cả vườn, không biết lấy tiền đâu ra trả nợ" - ông Thu lo lắng.

Hồ tiêu bệnh, mất giá, nhiều nông dân vỡ nợ phải bỏ xứ - Ảnh 2.

Diện tích hồ tiêu bị chết ở 3 tỉnh Tây Nguyên tính đến cuối năm 2018 Nguồn: Bộ NN&PTNT - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Kêu gọi người trồng tiêu ngồi xuống cùng bàn

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng dư nợ đối với các hộ trồng tiêu trên địa bàn Tây Nguyên khoảng 12.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số khách hàng vay tiền đầu tư trồng tiêu hiện nay đang gặp khó khăn vào khoảng 3.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu tập trung ở Gia Lai, số còn lại ở Đắk Nông. Các địa phương khác thì khách hàng vay vốn vẫn trả gốc, lãi bình thường.

Theo ông Nguyễn Văn Cư - giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai, người dân vay để đầu tư trồng tiêu bị thiệt hại phần lớn nằm ở huyện Chư Pưh, trong đó nhiều khách hàng không thể trả được nợ đã rời bỏ địa phương, dẫn đến tình trạng khó xử lý đối với các khoản nợ.

"Người dân cần phải quay lại địa phương, cùng ngồi lại với ngân hàng và chính quyền vực dậy kinh tế. Chúng ta phải cùng nhau ngồi lại để tính toán trồng cây gì, nuôi con gì có đầu ra, hiệu quả kinh tế" - ông Cư đề xuất.

Cũng theo ông Cư, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho dân như điều chỉnh, gia hạn thời hạn nợ, giảm lãi suất hoặc xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng...

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ 3.748 khách hàng khó khăn trong trồng tiêu, chiếm 72,96% tổng số khách hàng vay vốn bị thiệt hại. Trong đó số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên 324 tỉ đồng; điều chỉnh miễn, giảm lãi suất vay vốn đối với 76,8 tỉ đồng dư nợ của khách hàng bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước VN - cho biết cơ quan này cũng đã có văn bản gởi các tổ chức tín dụng nghiên cứu các quy định để có chính sách miễn, giảm, xóa lãi suất, khoanh nợ... đối với những khách hàng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng gặp khó do nhiều khách hàng bỏ đi khỏi địa phương.

"Việc miễn giảm, xóa lãi suất hoặc cho vay tiếp... trong thẩm quyền của các tổ chức tín dụng phải được thực hiện trong điều kiện đã rà soát, có đánh giá cụ thể từng trường hợp. Tuy nhiên, cần có sự chung tay vào cuộc của cả khách hàng, tổ chức tín dụng lẫn chính quyền địa phương.

Trường hợp nào vượt thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành trung ương, địa phương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết" - ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Trần Quyện (phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên):

Phải có giống tiêu chống chịu nấm bệnh

Hàng loạt diện tích hồ tiêu bị chết do tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như mưa nhiều, dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, do giá tăng quá cao, nhiều vườn tiêu trồng trên điều kiện đất đai không phù hợp, hệ thống thoát nước không đảm bảo. Một số vườn tiêu chết nhưng người dân không thu gom tiêu hủy khiến nấm bệnh lây lan mạnh hơn...

Để cứu vườn tiêu, giải pháp trước mắt là người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh vườn, xử lý cây bệnh, vườn bệnh bị chết để giảm lây lan, đặc biệt chú ý các biện pháp thoát nước trong mùa mưa, tìm hiểu cặn kẽ về kỹ thuật trên cây hồ tiêu. Về lâu dài, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết sản xuất giữa Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp và nhà khoa học để giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu cũng như phát triển các sản phẩm từ hồ tiêu có giá trị gia tăng cao, có khả năng chống chịu nấm bệnh và tuyến trùng...

Đề phòng thương lái Trung Quốc làm rối loạn thị trường hồ tiêu Đề phòng thương lái Trung Quốc làm rối loạn thị trường hồ tiêu

TTO - Đó là cảnh báo của ông Phạm Thái, giám đốc sở Công thương Đắk Lắk, tại cuộc họp sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại chiều 15-4.

TRUNG TÂN - HUỳNH CÔNG ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên