23/01/2018 11:07 GMT+7

Chăm sóc trẻ mắc sởi, rubella và thủy đậu

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Bệnh sởi, rubella và thủy đậu là bệnh sốt truyền nhiễm do vi rút gây ra, bệnh thường lây qua đường hô hấp.

Chăm sóc trẻ mắc sởi, rubella và thủy đậu - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin để ngừa bệnh cho trẻ. Ảnh: medicalxpress.com

Hiện nay, ba bệnh sởi, rubella và thủy đậu vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị bệnh chỉ nhằm nâng sức chống đỡ của cơ thể đối với bệnh và làm giảm các triệu chứng nguy hiểm. Để chăm sóc trẻ mắc bệnh đúng cách,  các bậc phụ huynh cần lưu ý những nguyên tắc chung.

Không tự ý điều trị sởi bằng các loại kháng sinh

Sởi là bệnh sốt truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra, không cần dùng thuốc bệnh có thể tự khỏi. Chỉ khi bệnh có biến chứng bội nhiễm mới dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý dùng thuốc aspirin cho trẻ bị bệnh do vi rút vì sử dụng aspirin ở những trường hợp này có thể gây ra hội chứng Reye, dẫn đến suy gan và tử vong. Khi trẻ mắc sởi, cách điều trị chủ yếu là chăm sóc, đảm bảo vệ sinh, tránh ra gió và chế độ dinh dưỡng tốt. 

Hạ sốt cho trẻ bằng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol. Nếu trẻ ho nhiều có thể cho uống các thuốc giảm ho đông y như pectol siro, astex siro, prospan siro. Vệ sinh mắt, mũi cho trẻ bằng các dung dịch nước muối sinh lý natri clorua 0.9%.

Nhiều bậc phụ huynh có quan niệm kiêng nước, kiêng gió, thậm chí không lau chùi, vệ sinh cho trẻ - điều này là không đúng. Khi sốt, trẻ đổ nhiều mồ hôi mà không được lau chùi, tắm rửa, trẻ sẽ ngứa ngáy, gãi làm xước các vết ban, gây bội nhiễm. Một số cha mẹ cũng thường tắm cho con bằng nước lá, bôi thuốc nam cho con. Đây cũng là các nguyên nhân gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường huyết… 

Vì thế, khi con bị bệnh sởi, phụ huynh chỉ cần cho con nghỉ ngơi nơi kín gió, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang. Vệ sinh cơ thể cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm, súc miệng bằng nước muối hàng ngày. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu hóa và cho trẻ uống nhiều nước.

Khi mắc bệnh sởi trẻ thường bị thiếu vitamin A nên dễ gây tổn thương mắt, do đó trong điều trị sởi cần chú ý bổ sung vitamin A cho trẻ. Liều lượng vitamin A khuyến cáo là một liều uống duy nhất: 100 000 UI cho trẻ 6-12 tháng tuổi, 200 000 UI cho trẻ > 1 tuổi.

Theo dõi biến chứng, nếu trẻ sốt cao liên tục, ho nhiều, ho - khàn tiếng - thở rít, tiêu chảy nhiều, co giật, ngủ gà, li bì, mắt chảy mủ đục… thì phải cho trẻ nhập viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin phòng sởi, tiêm mũi đầu lúc trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ được 18 tháng tuổi. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

Theo dõi nhiệt độ khi trẻ bị rubella

Bệnh rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức, do vi rút rubella gây ra. Rubella là bệnh sốt phát ban lành tính, nhất là ở trẻ em nên có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Chăm sóc trẻ bị rubella thì chú ý thường xuyên theo dõi nhiệt độ, cho uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 380C và đưa trẻ đi khám bác sĩ trong trường hợp sốt quá cao. 

Nâng sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, mềm (cháo, súp, sữa…) và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C nhằm đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế trẻ chạy nhảy, đùa giỡn. Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ bằng nước ấm mỗi ngày.

Bên cạnh đó, cần chú trọng việc vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ và cách ly trẻ lành với trẻ bị rubella, tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai (đặc biệt là phụ nữ mang thai những tháng đầu của thai kỳ) nhằm tránh lây cho họ. Để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin ngừa rubella.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh rubella, biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm chủng. Do đó, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ trẻ từ 12 - 24 tháng tuổi đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin ngừa rubella.

Trẻ bị thủy đậu cần chú ý chăm sóc da

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm lành tính, do vi rút varicella zoster gây ra. Bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi, nhưng rất dễ lây lan qua các giọt nước miếng bắn ra từ người bệnh (hiếm khi do tiếp xúc trực tiếp với bóng nước) nên khi trẻ mắc thủy đậu cần cách ly trẻ tại nhà từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi các bóng nước đóng vảy. 

Trẻ bị thủy đậu thì cần chú trọng việc chăm sóc da, hạn chế cho trẻ gãi vì những nốt đỏ có bóng nước khi bị vỡ dịch chảy ra dễ lan rộng, da trầy xước khiến vi khuẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập gây nhiễm khuẩn và sau này sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu, viêm màng não… rất nguy hiểm và có thể tử vong. Để giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ cần tắm rửa cho trẻ hằng ngày bằng nước ấm, nhưng chú ý hạn chế làm vỡ bóng nước (bằng cách khi tắm thoa xà bông rồi rửa trôi, không kỳ da của trẻ); cắt móng tay và giữ móng tay trẻ luôn sạch sẽ, trẻ nhỏ có thể đeo bao tay. Có thể bôi kem acyclovir 5% để giảm ngứa, hạn chế tổn thương và bội nhiễm. 

Nếu nốt thủy đậu vỡ có thể bôi thuốc xanh methylen để làm se nốt mụn thủy đậu, chống bội nhiễm (không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ). Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả (cam, chanh).

Ngoài ra, người chăm sóc trẻ cần chú ý không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị. Khi thấy trẻ đột nhiên sốt cao, co giật, li bì, ngủ gà, than nhức đầu nhiều hoặc ói nhiều, bóng nước mọc dày chi chít, hoặc chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi khám bệnh ngay. 

Phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ bằng cách cho trẻ tiêm vắc xin ngừa thủy đậu (mũi 1 được tiêm khi trẻ trên 12 tháng tuổi, mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 sau 6 tuần).

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên