07/02/2012 09:32 GMT+7

Chấm dứt quy trình ngược

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vừa có chỉ thị chấn chỉnh việc đi học trong giờ hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP. Theo đó, trường hợp được cử đi học từ ngày 1-2 đều phải học vào ngày thứ bảy, chủ nhật và sau 17g các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, trừ trường hợp đặc biệt.

Ai muốn làm cán bộ, công chức phải được học hành và phải qua thi cử tử tế. Các nước phương Tây như Pháp đến thế kỷ 17-18 mới có chế độ thi cử ra làm quan. Trong khi nước ta ngay từ thế kỷ 11 đã tổ chức những cuộc thi để chọn người làm quan. Khi ở chiến khu Việt Bắc, trong thời kháng chiến chống Pháp dù khó khăn nhưng năm 1950 Bác Hồ đã ký sắc lệnh 76 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Tại chiến khu Việt Bắc lúc bấy giờ đã có những kỳ thi tuyển công chức rất bài bản.

Từ khi tiến hành đổi mới, Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức để đủ sức quản lý xã hội, hội nhập, phát triển đất nước. Khi có pháp lệnh cán bộ, công chức (1998), nghị quyết về tiêu chuẩn hóa cán bộ của Đảng, công việc này càng được quan tâm, xúc tiến tích cực và đi vào nề nếp.

Tuy nhiên tiền của, công sức, số người được đào tạo nhiều nhưng “trình độ cán bộ công chức vẫn bất cập”. Không oan khi người dân so sánh rằng muốn lái xe gắn máy trên 50 phân khối phải học, đi thi để có bằng lái, xe bốn chỗ có bằng lái xe bốn chỗ..., nhưng một số cán bộ “lái chính quyền” nhiều khi không có bằng. Vì thế gặp sự cố trong lúc thi hành công vụ là điều khó tránh khỏi. Đó là hậu quả của quy trình đề bạt bổ nhiệm cán bộ công chức ngược. Thay vì học hành đầy đủ, trang bị kiến thức, kinh nghiệm đầy đủ mới bổ nhiệm thì lại bổ nhiệm, đề bạt trước.

Với những cán bộ công chức này, họ có ba cách lựa chọn: Thứ nhất, cứ làm việc đến đâu hay đến đó nhưng cách này không tránh khỏi những sai sót, vấp váp trong thi hành công vụ. Thứ hai, xếp việc cơ quan lại, tranh thủ đi học nhưng thiệt thòi rơi vào công dân, tổ chức, doanh nghiệp có việc đến chốn công đường phải chờ đợi do “cán bộ bận đi học”. Thứ ba, bằng mọi cách chạy chọt, thậm chí cho cấp dưới học giúp, thi hộ... Ba cách ứng xử như vậy cuối cùng tựu trung lại Nhà nước và nhân dân đều thiệt.

Nhớ lại chuyện cũ, tháng 7-2006, trong dịp Chủ tịch nước lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Triết và Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đến thăm và mừng thọ, học giả - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã tâm sự một cách bức xúc rằng cách thức bổ nhiệm, sử dụng con người thông qua tiêu chuẩn bằng cấp ở nước ta hiện đang có “vấn đề” cần nghiên cứu. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết góp vào câu chuyện bằng một thực tế thỉnh thoảng xảy ra: cán bộ yếu thì cho đi học, bắt cán bộ giỏi làm thay; đến khi bổ nhiệm thì nhờ có bằng cấp nên cán bộ yếu được đề bạt... (Tuổi Trẻ ngày 18-7-2006).

Học để bổ sung kiến thức là cần thiết. Nhưng khó chấp nhận cán bộ lấy giờ công để đi học những thứ mà lẽ ra phải có khi đảm nhận chức vụ, công việc. Nhiều nước xung quanh ta như Singapore quy định mỗi công chức chỉ được đi học 12 ngày trong năm với nội dung cập nhật kiến thức mới.

Để xây dựng cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt giỏi là nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển của đất nước, đòi hỏi phải thực hiện một quy trình thuận, đào tạo trước rồi mới nghĩ đến đề bạt bổ nhiệm, thậm chí áp dụng thi tuyển cạnh tranh vào những chức danh lãnh đạo. Hơn 80 triệu dân Việt ta không lúc nào thiếu người hiền tài có học sẵn sàng gánh vác việc nước.

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên