Người bệnh diện BHYT đang chờ khám bệnh tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một số bạn đọc còn phản ảnh báo đài đưa thông tin các bệnh viện vẫn chấp nhận thẻ BHYT cũ trong thời gian ngắn khi người bệnh đã đóng tiền mua BHYT mà chưa nhận được thẻ mới, nhưng khi mang thẻ BHYT cũ đến bệnh viện khám thì không được tiếp nhận.
"Khước từ thẳng thừng"
Ông T.P.N. (71 tuổi, Q.Phú Nhuận) kể chị ông mua BHYT hộ gia đình và cháu ông mua BHYT học sinh sinh viên nhưng đến nay chưa có thẻ.
"Mới đây chị tôi đi khám bệnh ở Bệnh viện Q.1 nhưng bị nhân viên làm khó dễ. Sau đó, người ta đưa chị tôi lên gặp ban giám đốc bệnh viện duyệt thì chị mới được khám. Ngày 2-1, cháu tôi đi khám ở Bệnh viện Q.Phú Nhuận cũng bị khước từ thẳng thừng dù đã đóng tiền mua BHYT trước đó cả tháng" - ông N. kể.
Ông T.P.N. thắc mắc tại sao báo đài đưa tin các bệnh viện vẫn chấp nhận thẻ BHYT cũ trong thời gian ngắn nhưng Bệnh viện Q.Phú Nhuận nhiều lần không nhận bệnh nhân với lý do là máy không nhận thẻ, không có dữ liệu mã thẻ, làm mất quyền lợi của người bệnh.
Anh H. - một người dân ở Q.8 - cũng phản ảnh đã mua BHYT từ tháng 11-2017 mà đến hết ngày 10-1 vẫn chưa được phát thẻ BHYT mới.
"Nhiều người đã gọi lên phường nhưng chỉ được trả lời chưa có. Những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thẻ BHYT không được hưởng quyền lợi bảo hiểm vì sự chậm trễ này" - anh H. bức xúc.
Một số bạn đọc được cấp thẻ BHYT miễn phí (hộ nghèo) hoặc hỗ trợ mua BHYT (hộ cận nghèo) cũng phản ảnh đến ngày 8-1 nhưng nhiều hộ nghèo nhóm 2 ở TP.HCM vẫn chưa được cấp thẻ BHYT năm 2018, trong khi bệnh nhân nghèo phải chạy thận nhân tạo để lọc máu chu kỳ đang mong được cấp thẻ từng ngày.
Anh H. ở Q.Thủ Đức cho biết đã mua BHYT theo diện hộ cận nghèo tại phường nơi anh cư ngụ từ hơn hai tháng trước. Anh có giấy hẹn ngày 30-12-2017 lên phường lấy thẻ BHYT, nhưng đến nhiều lần vẫn chưa có.
Có mã thẻ là được khám
Trả lời phản ảnh của ông T.P.N., bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn - giám đốc Bệnh viện Q.Phú Nhuận - cho rằng có một số trường hợp dù người dân có xác nhận đã đóng tiền mua BHYT nhưng do không có mã thẻ để kiểm tra trên cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm thì bệnh viện cũng không thể giải quyết khám BHYT được.
"Những trường hợp này chúng tôi hướng dẫn người dân cứ đóng tiền khám bệnh bình thường, sau đó mang hóa đơn lên Bảo hiểm xã hội TP hoặc bảo hiểm xã hội quận gần nhà để lấy lại tiền.
Với trường hợp địa phương xác nhận đã mua BHYT nhưng người dân chưa được cấp thẻ mà có mã thẻ trên cổng thông tin điện tử thì bệnh viện vẫn giải quyết khám bình thường chứ không từ chối" - bác sĩ Sơn nói.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - giám đốc Bệnh viện Q.1 - cũng khẳng định các trường hợp đã đóng tiền mua BHYT mà có giấy biên nhận đóng tiền là bệnh viện giải quyết hết vì Bảo hiểm xã hội TP đã có công văn hướng dẫn. Chỉ những trường hợp chuyển viện mà không có mặt bệnh nhân thì bệnh viện mới không giải quyết.
Tuy nhiên, với trường hợp bị ung thư nặng, đã khám nhiều lần và bác sĩ biết mặt bệnh nhân thì mới linh động cho chuyển viện mà không cần bệnh nhân có mặt.
Không để bệnh nhân thiệt thòi
Nói về những phản ảnh, thắc mắc của bệnh nhân nói trên, bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP - nói trong trường hợp người dân đã đóng tiền BHYT (mua mới hoặc gia hạn thẻ) cho đại lý (UBND phường, xã, bưu điện...) nhưng đại lý chưa chuyển danh sách và chuyển tiền mua BHYT về cơ quan bảo hiểm xã hội thì Bảo hiểm xã hội TP cũng chưa thể cập nhật dữ liệu, mã thẻ của người tham gia BHYT lên cổng thông tin điện tử được.
Các cơ sở y tế chỉ giải quyết khám BHYT trong trường hợp người dân đã đóng tiền và các thông tin gia hạn thẻ đã được chuyển về bảo hiểm xã hội.
Khi đã có dữ liệu, dù người bệnh chưa nhận được thẻ BHYT mới vẫn có thể xuất trình thẻ BHYT cũ để quẹt kiểm tra và được cơ sở y tế giải quyết khám BHYT do các thông tin đã có trên cổng thông tin điện tử.
Bà Huyền lưu ý thêm khi người dân đã mua BHYT, có trục trặc gì nên chưa có thẻ thì cứ yên tâm là sẽ không bị thiệt thòi quyền lợi. Tạm thời khi khám bệnh, người dân đóng tiền trực tiếp cho cơ sở y tế, sau đó mang hóa đơn đến Bảo hiểm xã hội TP hoặc bảo hiểm xã hội quận, huyện gần nhà nhất để được thanh toán lại tiền.
Về việc thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo chậm trễ, bà Huyền giải thích danh sách hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT do Ban chỉ đạo giảm nghèo, tăng hộ khá TP lập danh sách.
Việc chưa có thẻ BHYT có thể là do chưa có danh sách người nghèo được cấp thẻ chuyển về bảo hiểm xã hội hoặc có thể người dân đã thoát nghèo nên địa phương cắt ra khỏi danh sách cấp thẻ BHYT miễn phí…
Khám bệnh khó khăn, gọi đường dây nóng 39979016
Trường hợp người bệnh có gia hạn thẻ BHYT mà bệnh viện vẫn từ chối khám chữa bệnh khi chưa có thẻ BHYT mới thì giải quyết thế nào?
Trả lời câu hỏi này, bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết: "Nếu đã có dữ liệu gia hạn thẻ của bệnh nhân trên cổng thông tin điện tử và bệnh nhân đi đúng tuyến thì bệnh viện phải tiếp nhận.
Nếu gặp vướng mắc khi đi khám BHYT, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng 39979016 (trong giờ hành chính) của Bảo hiểm xã hội TP để được giải quyết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận