19/09/2017 16:58 GMT+7

'Không biết làm sao dựng lại được nhà...'

X.L. - T.B.D. - Q.N - D.H.
X.L. - T.B.D. - Q.N - D.H.

TTO - Ngày 18-9, bốn ngày sau bão số 10, công tác tái thiết tại nhiều nơi ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn diễn ra chậm chạp, nhiều hộ dân không còn khả năng về tài chính để dựng lại nhà.

Không biết làm sao dựng lại được nhà... - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Thảo tại thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) dọn dẹp lại nhà cửa bị đổ sập sau bão số 10 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tại xã Kỳ Thượng, một xã vùng núi của huyện Kỳ Anh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau bão số 10 với 60 ngôi nhà bị đổ sập trong bão, nhiều hộ dân mất nhà vẫn trong cảnh phải đi tá túc nhờ hàng xóm.

Ước mơ xa vời...

Ông Trần Đình Hân (thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng) cho biết: "Hôm bão vào, có 6 gia đình đến trú ẩn ở nhà tôi. Còn sau bão, vẫn còn nhiều gia đình chưa dựng lại được nhà, chúng tôi vẫn đùm bọc nhau từng bữa".

Sau bão, ước mơ dựng lại ngôi nhà với gia đình anh Nguyễn Văn Thảo (34 tuổi, thôn Bắc Tiến) càng trở nên xa vời. 

"Mùng 3 tết vừa rồi, tai nạn làm vợ tôi bị chấn thương sọ não, phải mổ, nằm viện đến 5 tháng. Số tiền vay để chạy chữa tới gần trăm triệu. Giờ, đến bão số 10 là trắng tay, bốn gian nhà sập cả, đồ đạc cũng chẳng còn gì" - anh Thảo ngậm ngùi.

Cùng cảnh mất trắng tài sản sau bão, bà Trần Thị Thuể, 68 tuổi, cựu thanh niên xung phong, thương binh hạng 1/4, giờ vẫn phải ở nhờ nhà người em. 

"Nhà sập, bếp sập, đến cái giường nằm giờ cũng không còn nguyên vẹn. Thân già, không có ruộng, nguồn sinh kế chỉ dựa vào 1,4 triệu đồng/tháng từ nguồn hỗ trợ chính sách, nên chắc tôi không dựng lại được nhà" - bà Thuể bùi ngùi.

Ông Dương Văn Kiều (thôn Bắc Tiến) nói rằng dù các hộ dân trong thôn đều ở vùng núi, nhưng khi bão vào, gió không chỉ giật sập nhà mà còn quật đổ hết hoa màu của họ. 

"Nhà chỉ có hai gian cấp 4 nên trước bão gia đình tôi đi tránh bão cả. Khi về, cả ngôi nhà, cả bếp chỉ còn cái khung, những thứ đáng giá trong nhà không còn gì nguyên vẹn. Gắng gượng mãi, mấy hôm rồi tôi mới mượn được 2 triệu mua mấy chục viên ngói ximăng lợp lại cái bếp để ở. Mai mốt lại đi làm thuê để dựng lại mái nhà" - ông Kiều nói.

Trân quý những hỗ trợ đầu tiên

Trong ngày 18-9, những suất quà với giá trị 5 triệu đồng/suất của bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục tới tay các hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề trong bão tại các xã của huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) và ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh).

Bà Đặng Thị Tợi (81 tuổi) ở thôn Trung Minh, xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) vừa cầm số tiền được hỗ trợ đã bật khóc. Bà nói sẽ nhờ hàng xóm đi mua ngói để về lợp lại nhà, mua gạch về dựng lại tường và sắm một chiếc chiếu để lấy chỗ nằm. 

Ngôi nhà là chỗ tá túc qua ngày của bà Tợi đã bị đổ sập, tan hoang sau bão, tài sản mất mát toàn bộ.

Nhận hỗ trợ ban đầu từ báo Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Điều (62 tuổi, tại thôn Sơn Tùng, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch) liền mua ximăng, gạch vữa xây lại bốn bức tường làm nơi che chắn những ngày tới. 

Bà Điều sống đơn thân, hoàn cảnh gia đình khó khăn và là hộ chịu ảnh hưởng bão nặng nề nhất của thôn Sơn Tùng. 

Ứa nước mắt, bà kể: "Tôi sống một mình mấy năm nay trong căn nhà cũ này. Khi bão về, thấy gió lớn quá nên tôi chạy qua nhà hàng xóm trốn, lặng gió trở về thì thấy nhà đổ sập mất rồi".

Trong túp lều được bà con chòm xóm vừa dựng tạm để ở vì căn nhà cấp 4 bị gió bão xô đổ, bà Ngô Thị Minh (50 tuổi, ngụ thôn Phúc Lộc, xã Kỳ Thượng) xúc động khi đón nhận món quà từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ

"Mấy hôm nay bão tan nhưng điện chưa có, hai vợ chồng phải ở tạm trong túp lều. Dù còn khó khăn trước mắt nhưng chúng tôi sẽ dành phần tiền quý giá của bạn đọc mua vật liệu xây dựng, sớm dựng lại nhà để ổn định chỗ ở" - bà Minh tâm sự.

Gửi cứu trợ liền cho kịp

1

Gia đình anh Văn Chí Nam, Q.Phú Nhuận, TP.HCM đến báo Tuổi Trẻ đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão số 10 - Ảnh: N.C.Thành

"Tôi chờ phường kêu gọi ủng hộ mà chưa thấy, nên lên đây góp trước. Khi nào phường kêu gọi tôi lại góp thêm. Tuổi Trẻ bao giờ cũng nhanh, tôi rất tin tưởng" - bà Mạc Phương Minh, ở P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, hiền hậu chia sẻ như vậy khi đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ 5 triệu đồng cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại vì bão vừa qua.

Khẩn trương, càng nhanh càng tốt để giúp miền Trung - đó dường như là mong muốn chung của những người đến với Tuổi Trẻ những ngày này để hướng về khúc ruột miền Trung.

Chú Nhơn, một người chạy xe ôm, lấy ra 1 triệu đồng cùng một tờ giấy ghi tên bà Ngô Thị Cẩm Liên kèm địa chỉ nhà ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), nói: "Lần nào có bão lũ thiên tai, nghe bà gọi là tui biết bà nhờ đi đóng góp".

Gọi điện cho bà, giọng hiền từ ấm áp vang lên: "Bà già rồi, hơn tám chục tuổi rồi không đi được, nên nhờ chú Nhơn đi gửi liền cho kịp".

Cầm trên tay 5 triệu đồng, cô Kim Nguyên đến đóng góp "dựng lại mái nhà cho đồng bào vùng bão". Sáu năm về hưu sau những năm tháng dạy học là lúc cô mày mò làm đồ trang sức bán lấy tiền làm từ thiện. Cô tự mình thành lập quỹ để giúp đỡ trẻ mồ côi, khuyết tật, người già.

Hay tin mưa bão tàn phá ở miền Trung, cô rút quỹ cộng thêm tiền gia đình gom góp mang đến báo Tuổi Trẻ.

Không chỉ những người già mà trẻ em cũng biết sốt ruột trước cảnh tang thương màn trời chiếu đất của đồng bào miền Trung. Hai anh em Phúc (lớp 8) và Thanh Vân (lớp 1) cùng đập con heo đất nuôi mấy tháng trời đến góp quỹ.

Thanh Vân thủ thỉ: "Con heo của con vẫn còn ốm, nhưng con phải đập nó để mang đến đóng góp cho kịp".

Những người làm công tác tiếp nhận ở báo Tuổi Trẻ vẫn còn nhớ cái hối hả dễ thương của một người dân Q.Bình Thạnh (TP.HCM) là anh Trần Văn Trương.

Bão vừa vào hôm trước, hôm sau anh mang 9 triệu đồng tới đóng góp, ngay cả khi Tuổi Trẻ còn chưa kịp phát động chính thức việc kêu gọi "Cùng Tuổi Trẻ dựng lại mái nhà cho đồng bào vùng bão".

Anh bảo cứ cầm lấy giùm, nghe tin bão gây thiệt hại, sốt ruột quá không chờ được...

MAI HOA - NGUYÊN NGỌC

X.L. - T.B.D. - Q.N - D.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên