Anh Guo Xiaoguang nói các chuyến đi bền gan là để huấn luyện cậu con trai chịu đựng khó khăn - Ảnh: Guo Xiaoguang
Anh Guo Xiaoguang chưa quyết định sẽ dẫn cậu con trai 10 tuổi Dongdong đi đâu trong dịp hè này, nhưng nếu tiếp tục truyền thống gia đình vài năm trở lại đây, có thể năm nay Dongdong sẽ có một chuyến mạo hiểm nhớ đời.
Năm ngoái, hai cha con dành ra 40 ngày để chu du khắp miền tây nước Mỹ, bao gồm lái xe, đi bộ đường dài, cắm trại... xuyên 10 tiểu bang, 19 vườn quốc gia và 4 trường đại học. Tổng cộng họ đi bộ được 600km, lái xe 11.000km và qua đêm chủ yếu trong xe hoặc lều dã ngoại.
"Tôi không chọn khách sạn êm ái, thay vào đó cố tình thiết kế một lịch trình với các khẩu phần ăn và nơi ở nghèo nàn" - anh Guo cho biết.
Người cha muốn cậu con trai độc nhất nếm mùi khó khăn, gian khổ - trái ngược với những tiện nghi và chăm sóc cậu có được khi ở ngôi nhà Bắc Kinh.
"Tôi muốn cho nó thấy một thế giới thật gồm cả cái tốt và cái xấu. Trên hành trình, nó phải đối mặt với những tình huống khó khăn và tự bản thân vượt qua. Tôi gọi đó là kinh nghiệm sống còn, hoặc một nền tảng giáo dục vượt khó" - anh Guo giãi bày.
Anh là một trong nhiều phụ huynh Trung Quốc chọn cách nuôi dạy con cái trong điều kiện khắc nghiệt để ngăn ngừa hội chứng "ông hoàng con" - cụm từ dùng mô tả những đứa trẻ hư hỏng do quen được cưng chiều, luôn là tâm điểm chú ý của cha mẹ, ông bà.
Dongdong đi bộ xuyên vườn quốc gia Bryce Canyon thuộc bang Utah, Mỹ - Ảnh: Guo Xiaoguang
Ông Qi Dahui, giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục phụ huynh Trung Quốc, nhận xét việc các ông bố, bà mẹ chịu khó giúp con tham gia các chuyến phiêu lưu mang tính giáo dục là một điều tích cực.
"Điều đó có nghĩa mọi người đã thức tỉnh và nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục con cái lòng can đảm và khả năng chịu đựng các tình huống khó khăn" - ông Qi nhận định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng khuyến cáo phụ huynh nên bảo đảm an toàn cho những đứa trẻ để giúp chúng duy trì niềm đam mê dịch chuyển. "Trẻ con không nên bị ép buộc làm điều đó" - ông cho lời khuyên.
Anh Zhang Wei và cậu con trai 12 tuổi Tutu cũng có những trải nghiệm tương tự. Hè năm ngoái, hai cha con thực hiện một chuyến đi bộ 50 ngày từ thị trấn quê nhà Tự Cống thuộc tỉnh Tứ Xuyên đến thành phố Lhasa ở Tây Tạng.
"Mỗi đứa trẻ được giáo dục theo một cách khác nhau. Tôi muốn rèn con tôi và giúp nó lớn lên qua những chuyến đi" - anh Zhang thổ lộ.
Cách đây 3 năm, anh Bai Yunpeng và con trai 10 tuổi Bai Yiming cũng xuất hiện trên mặt báo nhờ chuyến đi bộ 400km từ thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam đến thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây.
Cậu bé Yiming mô tả chuyến đi 15 ngày rất mệt mỏi nhưng hoàn toàn xứng đáng. "Có ngày con với cha đi bộ đến 40km và con bị phồng chân. Con không nghĩ đến ý định bỏ cuộc nhờ cha động viên" - cậu bé kể.
Dongdong lội nước trong vườn quốc gia Zion thuộc bang Utah, Mỹ - Ảnh: Guo Xiaoguang
Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc về sức khỏe và giáo dục trẻ em cảnh báo không nên đẩy những đứa trẻ vượt quá giới hạn thể lực.
"Các chuyến đi thử thách sức bền có thể làm hại sức khỏe chúng" - ông Wu Zunmin, giáo sư Đại học Sư phạm Hoa Đông, bình luận.
Còn theo bác sĩ Shi Dongliang chuyên về nhi khoa, khoảng cách một đứa trẻ có thể đi bộ rất khác nhau. "Một số em không thể đi quá 4km, trong khi số khác chỉ mới 3-4 tuổi có thể đi 18km mỗi ngày" - ông Shi so sánh.
Vị bác sĩ khuyên phụ huynh nên đánh giá sức bền của đứa trẻ và khuyến khích chúng tập thể dục đều đặn trước chuyến đi dài ngày.
Trong trường hợp anh Guo, lợi ích của phương pháp giáo dục tương đối rõ ràng.
"Con trai rất thích đi với tôi. Tôi hi vọng qua các chuyến đi, nó sẽ dần quen với việc giải quyết mọi khó khăn khi trưởng thành và một ngày nào đó rời gia đình để sống tự lập" - anh Guo tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận