Không nên cho trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game, xem phim - Ảnh: HỮU KHOA
Trong những ngày ở Nông Sơn (Quảng Nam), tôi chứng kiến hai bà mẹ khóc vì lo cho con: "Thằng nhỏ suốt ngày ôm máy, nhiều khi mẹ hỏi mà con như không nghe thấy gì".
Ở huyện xa như Nông Sơn, mạng Internet vẫn đến từng nhà. Các lời rao gắn Internet treo khắp nơi, chỉ cần gọi là có người tới làm hợp đồng, hôm sau kéo dây là có mạng. Thêm nữa, điện thoại thông minh đã phổ cập nên nhà nào cũng có.
Nhiều bạn trẻ lấy cớ học hành để yêu cầu ba mẹ mua điện thoại, nhưng rồi việc học thì ít mà chơi thì nhiều. Cha mẹ các em nhiều khi không đủ kiến thức về mạng nên không quản lý, hướng dẫn con được.
“Chỉ cần quan sát, đồng hành cùng con như người bạn, không chỉ trích, thường xuyên khích lệ, chia sẻ với con, cha mẹ sẽ thấy được những thay đổi bất thường - dù nhỏ nhất - ở con, từ đó điều chỉnh con
Thầy giáo Trịnh Minh Nghĩa
Con mê, cha mẹ lo canh cánh
Em Đ. đang học lớp 11 ở gần nhà tôi, vì nghiện chơi game mà học hai năm lớp 11 nhưng vẫn trong diện học... yếu. Chị H., mẹ của em, gặp tôi chia sẻ trong nước mắt: "Khổ quá, nếu con học không được mình buồn nhưng cũng không buồn bằng việc nó không lo học mà mê game, suốt ngày cắm đầu vô điện thoại. Nói thì con không nghe, còn vùng vằng, không biết phải làm sao".
Chị H. biết con bướng bỉnh một phần vì sự ương ngạnh của tuổi dậy thì nhưng theo chị, phần lớn vì mê game, nên ai cắt cơn mê đó cũng làm Đ. bực mình, thể hiện sự khó chịu. Cũng theo chị, Đ. trước đây dễ thương, ngoan hiền, nhưng từ ngày "ôm điện thoại" thì tính tình thay đổi, cộc cằn, khó chịu và sa sút trong học tập.
"Con học dở hay giỏi là do sự thông minh, cần cù, nên nó dở mà siêng học cũng an ủi, đằng này..." - chị rưng rưng như muốn trào nước mắt vì nỗi lo cho con lẫn phiền muộn chất chứa lâu ngày.
Gần đây, khi ghé vào "nhà" Facebook của một chị bạn, tôi cũng đọc được vài dòng than thở khác, cũng cùng là chuyện con mê điện thoại: "Không biết trong điện thoại có gì mà con mình không rời được, có phụ huynh nào giống tôi không, xin giúp tôi kinh nghiệm...".
Bên dưới có nhiều bình luận, người bảo hãy cho con tham gia một hoạt động thể thao nào đó, đăng ký cho cháu đi một kỳ ngoại khóa trong dịp hè này; có người đề nghị cho tham gia khóa tu ở chùa...Người mẹ cảm ơn từng người nhưng vẫn đầy lo lắng khi chưa biết phải bắt đầu như thế nào.
Giữ con trước "cơn nghiện"
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định việc nghiện game và mạng xã hội để lại nhiều tác động xấu. Người nghiện game và mạng xã hội sẽ tăng nguy cơ về rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn đến giảm trí nhớ, suy nhược cơ thể, kém tập trung trong công việc và học tập, ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như hiệu quả công việc.
"Việc ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính hay điện thoại, máy tính bảng... khiến người dùng dễ mắc các bệnh về khúc xạ như cận thị.
Đồng thời, nghiện game và mạng xã hội cũng làm họ ăn uống và nghỉ ngơi không điều độ, lười vận động, ít tập thể dục, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa và tim mạch như béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp..." - bác sĩ Đức cảnh báo.
Ngoài ra, theo bác sĩ Đức, người nghiện game và mạng xã hội thường có những rối loạn tinh thần kèm theo.
"Tâm lý cảm xúc của người nghiện rất dễ bị chi phối bởi sự thắng thua của game hay những thông tin từ mạng xã hội, vì vậy rất dễ có những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, bực tức, vui mừng thái quá hay những hành động không đúng chuẩn mực", bác sĩ cho biết.
Với kinh nghiệm trong việc tham vấn học đường, thầy giáo Trịnh Minh Nghĩa cũng chia sẻ một nguyên nhân đến từ người lớn: "Trẻ nghiện game, thích ôm điện thoại có phần do được cha mẹ cho trẻ dùng điện thoại sớm, cha mẹ cũng là người "nghiện", trẻ có nhiều thời gian rảnh rỗi...".
Khi bị nghiện game, mạng xã hội sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có một hệ lụy nghiêm trọng. "Trẻ tìm thấy an ủi, động viên từ những người "bạn ảo" - thường thấy ở những trẻ nhiều thời gian rảnh một mình do cha mẹ bận rộn. Hậu quả nhóm này thường có nguy cơ bị xâm hại" - thầy Nghĩa cho hay.
Làm sao để giúp đỡ trẻ? Theo thầy Nghĩa, phải chia ra hai trường hợp. Một là đã nghiện, sẽ rất khó với nhóm trẻ ít có sự hợp tác của cha mẹ, còn với nhóm có sự hợp tác thì hữu hiệu nhất vẫn là hạn chế dần thời lượng trẻ chơi game hoặc online.
Hai là, với trẻ có nguy cơ nghiện thì áp dụng kỷ luật tích cực, ví dụ cho trẻ tự đưa ra thời gian biểu cho mình, cùng trẻ giám sát sự thực hiện đó, và việc khích lệ là yếu tố rất quan trọng.
Song, điều quan trọng nhất, cả bác sĩ Đức và thầy Nghĩa lưu ý đó chính là người lớn cần quan tâm tới con em mình nhiều hơn, đừng để con sa đà vào game, mạng Internet mà không hay, cho tới khi hay thì trẻ đã thành "con nghiện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận