Tôi ở vùng nông thôn, gần như mỗi ngày chứng kiến hình ảnh xác chết động vật trôi dưới dòng kênh. Nhiều người lợi dụng đêm tối ném những bịch rác thải, xác chó mèo chết xuống kênh.
Không những vậy, có người còn thản nhiên xúi giục con cái quét rác, lá cây xuống kênh, coi đó là việc làm bình thường. Đặc biệt một thói quen thường gặp ở nông thôn là việc thả vịt trên kênh rạch. Ngoài việc gây sạt lở hai bên bờ, nó còn tạo ra nạn ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Rồi người dân ở đây lại than phiền dòng sông, kênh rạch quá dơ và họ phải thường xuyên hít thở cái không khí nặng mùi ngay cả trong giấc ngủ về khuya.
Ai là nạn nhân, ai là "thủ phạm"? Không ai nhận mình đã góp tay gây ô nhiễm bởi cái quan niệm "mình không đổ cũng có nhà khác đổ" và rồi cũng chịu ảnh hưởng như nhau.
Do đã thành thói quen nên việc tuyên truyền không xả rác xuống sông rạch cho người dân gặp không ít khó khăn. Vì một Việt Nam xanh, việc giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ em hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.
Nhưng để làm được điều đó người lớn phải gương mẫu trước. Một đứa trẻ làm thế nào biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng nếu ở nhà luôn chứng kiến cảnh bừa bộn, dơ bẩn, cha mẹ sai khiến vứt rác xuống kênh?
Gia đình nên khuyến khích trẻ phát biểu cảm nghĩ của mình trước những cảnh mà chúng tận mắt chứng kiến: người lớn vứt bịch rác, xác súc vật xuống kênh rạch. Cùng với đó là dạy các em biết bỏ rác đúng nơi, biết phân loại rác thải của gia đình.
Xa hơn nữa, người lớn trong gia đình cùng trẻ tham gia các hoạt động môi trường của cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận