Nhóm công nhân chuyển cây thốt nốt vừa bứng xong sang xe tải lớn tại Khu công nghiệp Xuân Tô, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên (ảnh chụp chiều 27-3) - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 29-3, phóng viên rảo quanh khu vực xã Văn Giáo, An Phú và xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang tìm hiểu thông tin người dân bán cây thốt nốt cho người ngoài tỉnh trồng.
Tại xã An Phú và Văn Giáo, rất nhiều cây thốt nốt đã bị thương lái bứng cả gốc lẫn cây. Nhiều cây khác cũng được bọc bằng lưới B40 sẵn sàng chở đi nơi khác.
Ông Thình - 65 tuổi, ngụ xã Văn Giáo - than thở: "Mấy ngày qua bà con Khmer bán cây thốt nốt cho thương lái với giá 300.000 - 500.000 đồng/cây, đa số là các cây có tuổi đời trên 20 năm. Nếu cứ kéo dài hoài thì nguyên liệu làm đường thốt nốt sẽ khó khăn lắm đây".
Còn bà P.A. - ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên - cho biết cả tháng nay rất nhiều xe tải loại lớn chở cây thốt nốt đi từ hướng xã An Cư, huyện Tịnh Biên ra tỉnh lộ 948.
"Nếu mỗi ngày 10 cây thôi thì một tháng bao nhiêu cây và một năm bao nhiêu? Tôi nghĩ nên sớm có cách bảo vệ cây thốt nốt, nếu không An Giang sẽ mất đặc sản này", bà P.A. nói.
Nhóm công nhân đưa những cây thốt nốt vừa bứng xong lên xe tải - Video: BỬU ĐẤU
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND Tịnh Biên cho hay đã nhận được thông tin người dân bán cây thốt nốt cho thương lái chở ra ngoài tỉnh.
"Sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo công an và các địa phương rà soát, vận động tuyên truyền người dân không nên bán. Đồng thời chỉ đạo lực lượng công an kiểm tra xe quá tải trọng để xử lý. Nếu di chuyển cây thốt nốt trong phạm vi của huyện thì không có vấn đề gì, còn di chuyển ra khỏi huyện thì rất đáng lo", vị này nói thêm.
Một cây thốt nốt đã được bao sẵn lưới B40 để đưa đi nơi khác - Ảnh: TỐNG DOANH
Trong khi đó, ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang - cho biết theo quy định pháp luật hiện nay, cây thốt nốt không nằm trong nhóm cấm.
"Kiểm lâm báo với chúng tôi là đối với loại cây chỉ còn dưới 500 cây thì mới nằm trong nhóm bảo tồn, còn cây thốt nốt này hiện tại có mấy chục ngàn cây nên khó đưa vào diện bảo tồn. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị về bộ đưa nhóm cây thốt nốt này vào loại cây bản địa đặc trưng nhưng chưa nhận phản hồi", ông Thọ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận