20/03/2019 12:25 GMT+7

Cây gạo thôn Đoài và di sản Đà Lạt: những biểu tượng dần biến mất...

MARTIN RAMA (Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới)
MARTIN RAMA (Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới)

TTO - 9 cây gạo tuyệt đẹp đang kỳ rộ hoa đã bị đốn hạ vài ngày trước tại thôn Đoài (xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, Hà Nam) gây xôn xao trên truyền thông và mạng xã hội.

Cây gạo thôn Đoài và di sản Đà Lạt: những biểu tượng dần biến mất... - Ảnh 1.

Khu đồi dinh tỉnh trưởng là mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của khu trung tâm Hòa Bình, nếu xây dựng công trình 10 tầng có khối tích lớn tại đây, mảng xanh này sẽ bị xâm hại, chẻ nhỏ - Ảnh: M.VINH

Những cây gạo đẹp nao lòng đã được trồng từ hơn ba thập kỷ dọc theo một con kênh nhỏ, giữa cánh đồng lúa thanh bình. Sự tương phản mạnh mẽ giữa màu đỏ rực của những bông hoa gạo và bầu trời mù sương của mùa xuân xứ Bắc, hết năm này qua năm khác đã mê hoặc các nhiếp ảnh gia muốn chụp một hình ảnh thơ mộng nhất về nông thôn Việt Nam.

Nhưng bây giờ hàng cây gạo đẹp huyền thoại của thôn Đoài đã biến mất.

Phần lớn các bình luận trên mạng xã hội khá khắc nghiệt, thậm chí có cả những bình luận thô lỗ, về người nông dân đã chặt hàng cây gạo. Điều đó thật không công bằng, vì người nông dân đã không làm điều đó vì lợi nhuận, và thậm chí đã mang những cây gạo đẹp nhất vừa bị chặt để cung tiến cho một ngôi chùa gần đó tiếp tục trồng chúng.

Tôi phải thú nhận rằng tôi cảm thấy thật tệ với anh ấy, bởi vì tôi cũng tham gia vào cơn náo động bình phẩm trên mạng xã hội, trước khi biết câu chuyện thực sự của người nông dân. Nhìn nhận lại, tôi tin rằng vấn đề thực sự mà câu chuyện này đặt ra không phải là ai nên bị đổ lỗi, mà là làm thế nào để tránh những mất mát vô cớ hơn dạng này.

Sức mạnh của phản ứng trên mạng xã hội cho thấy rằng những gì đã xảy ra ở thôn Đoài không chỉ là một câu chuyện chặt cây bó gọn trong một ngôi làng biệt lập.

Những cây gạo dọc trên triền đê hay giữa cánh đồng lúa từng là hình ảnh rất phổ biến ở đồng bằng sông Hồng. Với những người con xa quê, khi vừa mới bước chân về tới đầu làng, thấy cây gạo đứng đó đợi chờ, họ tưởng như được một người bạn tri kỷ reo mừng chào đón họ trở về.

Với nhiều người Việt, những bông hoa gạo mộc mạc nhưng đẹp đẽ chính là hình ảnh của nông thôn thuần khiết, tươi đẹp. Nhưng những cây gạo ngày càng ít đi. Vì thế, dòng kênh với hàng cây gạo cổ thụ đẹp mộng mị, đậm chất thôn quê ở thôn Đoài được coi như biểu tượng của nông thôn Bắc bộ mà chúng ta đều yêu mến.

Nhưng những biểu tượng này lại đang nhanh chóng biến mất trước mắt chúng ta.

Những mất mát tương tự cũng đang xảy ra ở khu vực thành thị, hầu như từng ngày. Khi những cây gạo xinh đẹp ở Hà Nam bị đốn hạ cũng là lúc một kế hoạch nâng cấp khu vực lõi lịch sử của thành phố Đà Lạt được tiết lộ.

Bản quy hoạch cho thấy rạp Hòa Bình - một công trình kiến trúc thanh lịch của Pháp theo phong cách Art Deco - sẽ bị đập bỏ, còn dinh tỉnh trưởng sẽ bị di dời ra chỗ khác, để thay thế bằng một tòa nhà cao tầng hiện đại.

Cây gạo thôn Đoài và di sản Đà Lạt: những biểu tượng dần biến mất... - Ảnh 2.

Đồ án quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt được cho là sẽ tác động tạo thay đổi toàn bộ diện mạo của khu trung tâm Hòa Bình với hơn 30ha, bao gồm toàn bộ diện tích từ bờ phía bắc hồ Xuân Hương - Ảnh: MAI VINH

Nhiều kiến trúc sư coi rạp hát Hòa Bình là biểu tượng của thành phố, gắn liền với lịch sử, văn hóa và đời sống thường ngày của Đà Lạt. Tòa tháp cao và thanh lịch của rạp Hòa Bình có thể được nhìn thấy từ tất cả khu vực xung quanh, giống như những cây gạo cổ thụ rực đỏ cả một góc trời mỗi độ xuân về ở miền Bắc luôn được nhìn thấy trước tiên khi ta bước đến một làng quê nào đó.

Một số người có thể lập luận rằng việc mất những cây gạo ở các vùng nông thôn miền Bắc hay các tòa nhà Pháp cổ ở Đà Lạt là cái giá buộc phải trả để trở thành một quốc gia có thu nhập cao. Thế nên, người dân Việt Nam sẽ phải lựa chọn giữa thịnh vượng và sống với cái đẹp, và sẽ thật ngây thơ nếu họ nghĩ rằng họ có thể có cả hai cùng lúc.

Tuy nhiên, lý do này không thực sự thuyết phục. Khi người Việt Nam trở nên giàu có hơn và đi du lịch nước ngoài thường xuyên hơn, họ chọn đến thăm các thành phố tuyệt vời như Paris hoặc Barcelona, hay vùng nông thôn xinh đẹp của Tuscany nước Ý hoặc vùng Provence nước Pháp.

Những nơi này hiện nằm trong số những nơi giàu có nhất thế giới, và họ đã không hy sinh vẻ đẹp của mình trong hành trình tiến lên thịnh vượng.

Vẻ đẹp của các khung cảnh châu Âu này không bỗng dưng mà có: đó là kết quả của các chính sách có chủ ý của chính phủ nhằm hướng dẫn các quyết định của cá nhân, của các nhà đầu tư và của các thành phố.

Cũng không phải tất cả các nơi ở châu Âu đều thành công như nhau trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với việc giữ gìn bản sắc của họ. Thành phố Brussels (Bỉ) là một ví dụ điển hình. Trong nỗ lực thu hút các tổ chức quốc tế vào những năm 1950 và 1970, chính quyền đô thị ở đây đã cho phép phá hủy một phần của vùng lõi đô thị lịch sử.

Kể từ đó, từ "Brusselization" là một từ được các nhà quy hoạch đô thị sử dụng để mô tả việc "nhồi nhét" bất cẩn các tòa nhà cao tầng hiện đại vào các khu phố cổ. Không có gì ngạc nhiên khi rất ít người Việt Nam ngày nay chọn đi du lịch ở Brussels.

Cây gạo thôn Đoài và di sản Đà Lạt: những biểu tượng dần biến mất... - Ảnh 3.

Ông Martin Rama

Hơn nữa, có thể không có sự đánh đổi giữa bảo tồn và phát triển, như thường được tuyên bố. Lấy thành phố Honolulu, ở Hawaii làm ví dụ. Một trong những quận sôi động nhất của nó nằm dọc theo bãi biển Waikiki, nổi tiếng với vùng biển nguyên sơ và những con sóng ngập tràn. Nhưng vào những năm 1960, chính quyền đô thị đã cho phép xây dựng trên bãi biển, cái mà giờ đây chỉ còn là một dải cát hẹp.

Vài khách sạn năm sao ở quận này thực sự nằm ở sát rìa nước. Nếu các nhà phát triển thời đó đã bị buộc phải xây các tòa nhà của họ cách bờ biển một khoảng, giờ đây mọi thứ đã tốt hơn. Quận sẽ trông giống như bây giờ, nhưng bãi biển phía trước sẽ còn đẹp hơn nữa. Và do đó, bất động sản ở đây thậm chí sẽ còn có giá hơn nữa.

Trong bối cảnh của Việt Nam, tương đương với việc bảo vệ bãi biển Waikiki sẽ là việc chính phủ cấm các tòa nhà cao tầng ở các khu vực lịch sử. Điều đó sẽ ngăn chính quyền đô thị địa phương thực thi các kế hoạch phát triển đô thị còn nhiều hồ nghi. Nó cũng sẽ làm cho việc bảo tồn kiến trúc tương đối hấp dẫn hơn đối với những người sở hữu tài sản trong các khu vực lịch sử. Và nó sẽ làm cho bất động sản ở vùng lân cận các công trình này thêm giá trị.

Cũng có các giải pháp tương đối đơn giản để tránh sự hủy hoại cái đẹp vô cớ ở các vùng nông thôn. Trong hơn nửa thế kỷ, Pháp đã có một chương trình gọi là Làng và Thị trấn nở hoa, khuyến khích các xã áp dụng các chính sách làm đẹp xóm làng. Xã chiến thắng được trao một đến bốn sao, dựa trên các quy tắc cạnh tranh nghiêm ngặt. Đến nay, khoảng một phần ba các xã của Pháp có ít nhất một ngôi sao.

Tương tự với người Việt Nam sẽ là khuyến khích các xã trồng những hàng cây truyền thống tuyệt đẹp dọc theo các con sông và kênh rạch, giống như hàng cây gạo đã bị mất một cách đáng buồn ở thôn Đoài.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Đà Lạt dời dinh tỉnh trưởng, xóa rạp Hòa Bình để làm những gì? Đà Lạt dời dinh tỉnh trưởng, xóa rạp Hòa Bình để làm những gì?

TTO - Dự tính có 2 công trình cao tầng sẽ được xây dựng ở 2 vị trí đắc địa của Đà Lạt, trong đó có Trung tâm thương mại Hòa Bình

MARTIN RAMA (Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên