Đó là câu chuyện người cha tìm được con trai thất lạc sau 4 tháng tìm kiếm khắp nơi, và một phụ nữ 22 năm lưu lạc đã đoàn tụ gia đình.
Anh Lộc ôm chầm con trai khi cha con gặp lại nhau tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề TP.HCM (P.4, Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: MINH HÒA
Chia sẻ chuyện đẹp cho đời
Tôi xúc động về câu chuyện tìm con của anh Trần Thanh Lộc trên Tuổi Trẻ.
Không nỗi đau nào lớn, day dứt bằng việc để thất lạc một đứa con nhỏ. Chỉ cần có thông tin, dù mong manh, cha mẹ cũng cất công đi tìm. Mỗi thông tin trên mạng cũng là một manh mối, một niềm hi vọng.
Từng có người cung cấp thông tin nhiễu, cố tình lừa gạt, trục lợi hay đùa giỡn với nỗi đau của những người đang từng giờ mong ngóng tin tức về con... Như trường hợp người cha ở Lâm Đồng đi tìm con bị thất lạc từ lúc cháu 3 tuổi (năm 2015).
Năm 2017, người ta bịa đặt thông tin gia đình đã tìm thấy cháu, chia sẻ nhiều trên mạng, góp phần gây thêm đau khổ cho gia đình...
Không quá xa nhau nhưng đã 4 tháng không tìm thấy con và thật may mắn, anh Trần Thanh Lộc đã tìm được con sau khi Tuổi Trẻ Online đăng tin và được cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa câu chuyện. Cháu đã được người tốt giúp đỡ, chăm lo tốt.
Một người cha đã tìm thấy con sau 4 tháng ròng rã tìm kiếm, một phụ nữ sau hơn 20 năm thất lạc ở nước ngoài trở về trong vòng tay người thân... Mạng xã hội, nếu sử dụng đúng mục đích sẽ mở ra những câu chuyện đẹp, chuyện tích cực cho đời. Cộng đồng chia sẻ, kết nối thông tin chính xác đã góp phần cho những trùng phùng, tạo cảm xúc tích cực cho cả cộng đồng.
KHÔI NGUYÊN (An Giang)
Chị Hon và anh ruột, ông Nguyễn Kim Tản, trong phút gặp nhau tại Lạng Sơn sau 22 năm chị lưu lạc - Ảnh: bạn đọc cung cấp
Chọn điều tử tế trên mạng
Qua cách cộng đồng mạng chia sẻ hai câu chuyện này, tôi nghĩ về chuyện sử dụng mạng như công cụ hữu ích, tạo ra những giá trị cho đời thay vì mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ đồng hồ chỉ để lướt, tự biến mình thành "nô lệ" cho mạng xã hội.
Bằng cách nào? Tôi nghĩ nó nằm ở những lượt "like, share", những dòng "status" của mỗi người dùng. Khi bạn bấm "like" (thích) điều gì, mạng xã hội sẽ ưu tiên sự xuất hiện của điều đó trên trang của bạn. Chúng ta hoàn toàn có thể chọn lựa những điều tử tế để nó luôn xuất hiện, lan tỏa cũng như mang lại những giá trị nhất định cho mình, cho người khác.
Trong 2 câu chuyện đoàn tụ này, mọi người đã chọn việc chia sẻ, lan tỏa với mục đích giúp đỡ người khác, tạo cảm xúc tích cực cho bản thân, thay vì thỏa mãn cảm xúc "bằng bạn bằng bè" như chúng ta vẫn làm mỗi ngày.
Tôi thấy từ trước đến nay nhiều người dùng mạng xã hội thường tự "đóng khung" chính mình. Ví dụ, người thích thời trang sẽ thấy nhiều chia sẻ về quần áo, vải vóc; người bi quan sẽ thấy những trang chuyên chán chường, người bất mãn sẽ thấy những người "cùng hội" luôn chửi bới...
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi liệu rằng mình đang sử dụng mạng xã hội "có giá trị" hay không?
Không bàn về giá trị vật chất (bạn bán hàng online, bạn quản lý những trang fanpage thương hiệu...), mà nói tới "giá trị cảm xúc". Khi đăng nhập mạng xã hội Facebook, tôi đặc biệt chú ý đến slogan của trang này: Miễn phí và sẽ luôn như vậy. Thật sự thì... chúng ta đang "cày" cật lực cho mạng xã hội này.
Nhưng thật may, chúng ta vẫn có quyền được lựa chọn. Đó là mỗi ngày lên mạng xã hội chúng ta hãy chủ động "like, share" những hoạt động tích cực. Hãy bấm nút theo dõi trang fanpage của những tờ báo uy tín, thay vì trang fanpage của những trang tin online đầy rẫy tin giả, để mỗi ngày lại nhận được những cảm xúc tích cực, tin tức đúng sự thật.
Và nên chia sẻ những điều tốt cho người khác. Cũng như nếu bạn muốn mỗi ngày lên mạng xã hội không phải đọc những tin tức đầy uất ức, tiêu cực thì hãy theo dõi những trang cá nhân luôn chia sẻ những tin tích cực, vui tươi, hạnh phúc.
ĐỨC LỘC (TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận