Theo Hãng tin AFP, Liên hiệp các cầu thủ quốc tế (FIFPro) khẳng định việc các CLB Indonesia ngừng trả lương cho các cầu thủ đã đạt tới “mức độ thảm họa”. Và Bengondo là cầu thủ nước ngoài thứ hai chết sau khi không được trả lương.
Năm 2012, tiền đạo người Paraguay Diego Mendieta cũng chết vì bệnh do không có tiền chữa trị sau nhiều tháng không được trả lương. Bengondo đến Indonesia từ năm 2005. Khi đó, anh là một cầu thủ trẻ đầy triển vọng, muốn xây dựng sự nghiệp tại đất nước lớn nhất Đông Nam Á.
“Anh ấy có mọi cơ hội và anh ấy đầy hi vọng” - em trai của Bengondo là Beliby Ferdinand ngậm ngùi nói tại căn nhà họ từng sống chung gần thủ đô Jakarta. Tháng trước, Bengondo đã qua đời ở tuổi 32 vì một căn bệnh lạ mà không có tiền chữa trị. Đội bóng cũ của Bengondo là Persipro Bond-U vẫn còn nợ anh một khoản lương lớn.
Giống như nhiều cầu thủ châu Phi khác, Bengondo đến Indonesia để mong có được một mức lương cao. Dù không đạt đến mức như ở châu Âu, nhưng các đội bóng Indonesia thường trả lương cao hơn so với các CLB châu Phi.
Nhưng tình trạng nợ lương đã xảy ra. Bengondo đã bức xúc đến mức hồi năm 2012, anh cùng các đồng đội người châu Phi xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, nỗ lực đó chẳng làm thay đổi điều gì. CLB vẫn chẳng hề chịu trả lương.
Quan chức Brendan Schwab thuộc FIFPro cảnh báo tình trạng các CLB Indonesia không trả lương cho các cầu thủ đã đạt đến “mức độ thảm họa”. “Chúng tôi không thấy quốc gia nào trong thế giới bóng đá có vấn đề nghiêm trọng hơn” - ông Schwab nhấn mạnh.
Không chỉ các cầu thủ ngoại quốc không được trả lương. Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp Indonesia (APPI) cho biết 14 CLB thuộc giải hạng nhất và hạng hai nước này vẫn nợ lương các cầu thủ từ mùa giải 2012-2013.
Bengondo chơi cho vài CLB ở Indonesia và ký hợp đồng với Persipro, thuộc thành phố Probolinggo ở đảo Java, từ mùa giải 2011-2012. Đây là đội bóng chơi ở giải hạng hai Indonesia.
Theo Ferdinand, Bengondo chỉ nhận được 20 triệu rupiah (1.600 USD) khi bắt đầu chơi cho Persipro và không hề được nhận thêm đồng nào, bất chấp việc hợp đồng ghi rõ mức lương của anh là 16,6 triệu rupiah/tháng (1.360 USD). CLB không hề phản hồi bất cứ câu hỏi nào của giới truyền thông.
Bất chấp việc không được trả lương, Bengondo vẫn chơi cho CLB cho đến cuối mùa giải trước khi trở về thành phố Tangerang bên ngoài Jakarta, nơi anh sống với em trai. Sau đó anh bắt đầu bị đau ngực và đau bụng.
Ở Tangerang, Bengondo vẫn luyện tập cùng các cầu thủ Cameron khác và thỉnh thoảng đá “phủi” để kiếm tiền. Đến cuối tháng 11, anh bắt đầu lâm bệnh và phải nhập viện, làm một số xét nghiệm và uống thuốc.
Bệnh tình ngày càng xấu đi, Bengondo muốn chữa trị ở một bệnh viện lớn hơn hoặc trở về Cameron nhưng không có đủ tiền. Anh nhiều lần yêu cầu CLB Persipro trả tiền lương nhưng vô hiệu. Và anh đã qua đời ngày 29-11. Thi thể của Bengondo được đưa về Cameron nhờ sự hỗ trợ tài chính của Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI).
Ferdinand cho biết anh vẫn đang cố tìm cách đòi tiền từ Persipro rồi trở về Cameron. APPI đang cố gắng hỗ trợ anh. Chủ tịch PSSI Djohar Arifin Husin cho biết các CLB Indonesia đang thiếu tiền do cạnh tranh giành tài trợ quá khốc liệt. Từ năm 2011, các đội bóng chuyên nghiệp bị cấm nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền các địa phương.
Các nỗ lực cải thiện quyền lợi của các cầu thủ bị phớt lờ trong những năm qua do các cơ quan quản lý bóng đá Indonesia không thể giải quyết được tranh chấp giữa hai liên đoàn quản lý hai giải hạng nhất và hạng hai. Hai bên đã đồng ý thống nhất lại sau khi FIFA cảnh báo PSSI là sẽ cấm Indonesia tham dự các giải quốc tế.
Ông Husin khẳng định các CLB Indonesia đang cố gắng giải quyết vấn đề lương bổng của các cầu thủ. Các đội bóng phải trả tiền lương cho các cầu thủ trước ngày 15-1 nếu không sẽ bị cấm thi đấu.
Nhưng những cam kết đó không làm an lòng Ferdinand. “Ở quốc gia này các cầu thủ không hề được tôn trọng“ - anh cay đắng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận