13/10/2023 09:30 GMT+7

Cầu nối cho sản phẩm Việt vào Nhật

Linh hoạt, thích ứng nhanh… là những tố chất của doanh nhân Việt Nam ở Nhật Bản, một phần vì quy mô các doanh nghiệp này còn khiêm tốn nhưng bản thân các doanh nhân Việt cũng có tính linh hoạt cao.

Người dân Nhật Bản tìm hiểu các sản phẩm hàng Việt Nam tại lễ hội Vietnam Phở Festival ở Nhật Bản, do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân Nhật Bản tìm hiểu các sản phẩm hàng Việt Nam tại lễ hội Vietnam Phở Festival ở Nhật Bản, do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật Bản, phần lớn do những người Việt sang Nhật du học rồi khởi sự kinh doanh, hoạt động trong rất nhiều ngành nghề với chất lượng lao động cao, có chiến lược đầu tư, kinh doanh dài hạn.

Khi rào cản ngôn ngữ được tháo gỡ, các doanh nghiệp tự tin hội nhập, thậm chí bắt đầu đào tạo thế hệ doanh nghiệp thứ hai, thứ ba để không chỉ phát triển kinh doanh trên đất Nhật Bản mà còn sang các nước khác.

Hàng Việt lên kệ siêu thị tại Nhật

Chị Sakamoto Trung, Công ty ISC Industrial Co., Ltd (Kobe), là "điểm đến" đầu tiên của nhiều doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng sang Nhật Bản. Đi lên từ con số 0, trong hơn 20 năm nay chị Trung đi lại không mệt mỏi giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản để đưa hàng Việt sang thị trường này.

Vào những năm cuối thập niên 1990, những lứa người Việt như chị Trung sang Nhật Bản sinh sống, làm việc vất vả mới tìm được một gia vị Việt Nam cho các bữa cơm.

Trong khi đó gia vị Thái Lan, Hàn Quốc lại nhan nhản, thậm chí nhiều thương hiệu Việt còn bị các nhà nhập khẩu của các nước làm nhái.

Nhu cầu hàng hóa tiêu dùng rất cao, nhưng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chưa "chính danh", nên chị bắt đầu nghĩ đến việc lưu lại các nhãn của nhà sản xuất và trở về Việt Nam để đặt vấn đề đưa hàng xuất sang Nhật Bản.

Chân dung người tiêu dùng hàng Việt là 80% khách hàng người Việt xa quê, 10% là sang các nước lân cận, chỉ có 1% người Nhật tiêu thụ.

Dù tỉ trọng khách Nhật tiêu dùng ít nhất, nhưng các lô hàng nhập khẩu phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý vệ sinh an toàn Nhật Bản. Có nhiều chất không được sử dụng ở Nhật nhưng nó vẫn nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam.

"Ban đầu người ta cũng e ngại, vì hợp tác với công ty mình có nghĩa họ phải dành một bộ phận riêng cho hàng xuất Nhật Bản, chi phí tuân thủ cao hơn. Nhưng dần dần nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội xuất sang thị trường này, tiềm năng phát triển nên đã cùng ngồi lại", chị Trung nói.

Từ những lô hàng nhỏ đầu tiên làm với mắm Ngọc Liên, mì Vifon hay nước mắm Hạnh Phúc, chả giò của Vissan… xuất hiện trên các quầy kệ siêu thị của cửa hàng tiện lợi, chuỗi trong nước, đến nay hàng trăm sản phẩm Việt qua công ty đã vào Nhật Bản.

Đến nay, mỗi tháng công ty xuất khẩu trung bình hơn 170 container, trong đó có đến 80 container đến từ một doanh nghiệp trong nước chuyên về mì ăn liền sang Nhật Bản.

Tương ứng với sự tăng trưởng này là hơn 100 nhãn hàng, sản phẩm của Việt Nam đã vào được thị trường Nhật.

"Mỗi lần đưa được một sản phẩm Việt Nam sang Nhật Bản là tôi vui lắm, tự hào nữa. Kênh phân phối ban đầu chủ yếu qua các siêu thị của người Việt nhưng gần đây có thêm kênh siêu thị Nhật Bản.

Tuy vậy, hàng Việt đi xa phải tuân thủ tốt quy định nước sở tại, người làm kinh doanh phải xác định đi từng bước, không vội vàng, gian dối, phải làm đúng", chị Trung nói.

Chỉ cung cấp hàng hóa, dịch vụ chất lượng

Hơn 8 năm trước, Japan Travel, do vợ chồng chị Trang Trần làm chủ, là công ty du lịch có giám đốc người Việt đầu tiên được cấp giấy phép kinh doanh mảng du lịch tại Nhật Bản.

"Từ đó đến nay, chúng tôi luôn tâm niệm phải cung cấp được chất lượng dịch vụ Nhật Bản cho người Việt, góp phần thay đổi cách nhìn về doanh nhân Việt Nam", chị Trang Trần cho biết.

Đến nay, mỗi tháng Japan Travel phục vụ trung bình từ 3.000 đến 5.000 lượt khách, trong đó 70% là người Việt ở Nhật Bản và trong nước, 30% là khách Nhật và các nước.

"Người Nhật rất trọng chữ tín và đề cao chất lượng dịch vụ. Nhưng bản thân người Việt ở Nhật cũng cần được phục vụ chất lượng cao và chúng tôi theo triết lý kinh doanh này cho đến nay", chị Trang Trần chia sẻ.

Sự thành công của Japan Travel được ghi nhận khi các hãng hàng không lớn của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airlines đều chọn công ty làm đại lý cấp 1 ở Nhật Bản.

Với hơn 40 nhân viên, công ty đang tiếp tục đầu tư vào bộ phận chăm sóc khách hàng, kết nối thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam.

Nếu như doanh nghiệp Nhật Bản khuôn khổ và quy củ thì doanh nghiệp Việt Nam khá linh hoạt và thích ứng khá cao.

Chị Trang Trần cho biết trong 3 năm dịch COVID-19, mảng du lịch của Nhật Bản chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp phá sản, đóng cửa… Nhưng công ty Việt Nam vẫn tìm cách để trụ lại và hiện tạm qua thời gian khó khăn.

Hay như trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thời gian đầu hàng hóa Việt Nam khá khó khăn do hạn chế chuyến bay, các doanh nghiệp nhìn thấy thị trường đã đầu tư quy trình, cách làm khá chỉn chu để đưa hàng Việt thâm nhập Nhật Bản.

Không những vậy, sản phẩm hàng Việt ngày càng chất lượng hơn đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản và đi vào các siêu thị bản địa.

Theo chị Sakamoto Trung, dù chuẩn hàng Việt Nam vẫn còn có độ vênh với quốc tế, nhưng không có nghĩa các doanh nghiệp Việt không thể đưa ra những sản phẩm tốt.

"Người kinh doanh không chỉ đưa hàng Việt qua được, mà còn phải để hàng Việt bám rễ. Phải đem hàng đúng chuẩn và tự hào hàng Việt để có cách đi ra hàng Việt cho đúng nhất", chị Sakamoto Trung nói.

Ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết số lượng người Việt Nam sang sinh sống tại Nhật Bản gia tăng, hiện vào khoảng 500.000 người, hình thành một cộng đồng tiêu dùng năng động.

"Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cũng ngày càng đông hơn, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, học hành của những người Việt xa quê cũng như thị trường tiêu dùng tại chỗ", ông Minh cho biết.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2022 đạt gần 50 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỉ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỉ USD.

Nhật Bản đang là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Riêng trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản ước đạt 29,1 tỉ USD.

Đem lại tiếng vang cho hàng Việt

Theo ông Tạ Đức Minh, số lượng doanh nghiệp từ Việt Nam sang Nhật Bản thành lập không nhiều, nhưng doanh nhân Việt khởi sự kinh doanh ở Nhật Bản lại khá phổ biến.

Đây là những người đã đi học, đi làm và tìm thấy cơ hội kinh doanh tại Nhật Bản nên ở lại đầu tư và đạt được thành công. Ban đầu là trong các lĩnh vực như dịch vụ bất động sản, dịch vụ làm đẹp, hàng hóa, thực phẩm chức năng…

Dần dần có thêm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ phần mềm…, trong đó có một doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản.

"Gần đây có nhiều công ty của Nhật Bản cũng như của người Việt tại Nhật Bản tìm cách đưa hàng Việt sang và rất thành công. Họ hiểu thị hiếu và quy trình nước sở tại, đưa lại tiếng vang cho hàng Việt", ông Minh thông tin.

Theo các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật, kinh doanh thành công là may mắn, nhưng kinh doanh dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa của dân tộc là một niềm tự hào.

Và khi văn hóa của Việt Nam được đi xa, những doanh nhân xa quê có thêm cơ hội mở rộng kinh doanh ở nước ngoài.

Nhật Bản nhìn thấy gì ở Việt Nam?Nhật Bản nhìn thấy gì ở Việt Nam?

Việc Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko thăm một loạt quốc gia Đông Nam Á cho thấy sự coi trọng của Tokyo đối với khu vực này, trong đó Việt Nam nổi lên như một đối tác quan trọng về kinh tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên