10/07/2019 09:41 GMT+7

Cậu học trò lớp 9 học 'lóm', lén thức đêm làm máy ấp trứng

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Thường xuyên mày mò thiết bị điện tử, lắp ráp linh kiện, đi dây mạch điện, có hôm còn 'phá' cả hệ thống điện gia đình, Đỗ Hoàng Anh bước đầu gặt hái được thành công với những dự án của mình.

Cậu học trò lớp 9 học lóm, lén thức đêm làm máy ấp trứng - Ảnh 1.

Hoàng Anh và sản phẩm máy ấp trứng của mình - Ảnh: T.N

Trong năm học 2018-2019, mô hình máy ấp trứng của Hoàng Anh - học sinh lớp 9/3 Trường THCS Lý Thường Kiệt, Q.Bình Tân, TP.HCM - đã giành giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM.

Biến bài tập thành sản phẩm cụ thể

"Hồi nhỏ em có sống với ông ngoại dưới quê nên em biết ấp trứng nở đều khó lắm, vì gà có con ấp khéo, con ấp kém, hay khi thời tiết không ổn định, lúc nóng, lúc lạnh cũng ảnh hưởng đến trứng" - Hoàng Anh kể. 

Thế là, khi môn vật lý có bài tập làm một sản phẩm điện - điện tử, Hoàng Anh ngay lập tức bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng từ lâu bằng cách tham khảo thêm từ các clip trên mạng, học "lóm" thêm kinh nghiệm làm đồ điện tử từ các cô chú bán hàng ở chợ điện tử Nhật Tảo.

Máy ấp trứng của học sinh TP.HCM - Video: TRỌNG NHÂN

Cô Đỗ Thị Hoàng Giang, giáo viên vật lý Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP.HCM), kể đã từng nói với Hoàng Anh rằng đây chỉ là một bài tập nhưng Hoàng Anh vẫn quyết làm "ra tấm ra món". Thời gian học năm cuối cấp khá nhiều, Hoàng Anh nói việc "nghiên cứu" chỉ có thể thực hiện vào ban đêm. 

"Có hôm ba mẹ phát hiện cũng chỉ la vài câu rồi thôi, nên em lại làm tiếp" - Hoàng Anh cười và kể có hôm làm nổ mạch điện khiến cả nhà mất điện, phải xách đèn pin đi tìm cầu dao của nhà.

Khi chấm điểm, cô Hoàng Giang nhận xét chiếc máy của Hoàng Anh hợp lý về cấu tạo và nguyên lý hoạt động nên cô cho em 9,5 điểm. Sau đó, nhận thấy sản phẩm có tiềm năng, trường đề cử sản phẩm tham gia các cuộc thi sáng tạo cho học sinh cấp phường, quận, rồi vào đến vòng thành phố và nhận được kết quả cao. 

Thời gian tới, máy ấp trứng của Hoàng Anh sẽ có cơ hội tranh tài với nhiều dự án khác trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 15.

Cậu học trò lớp 9 học lóm, lén thức đêm làm máy ấp trứng - Ảnh 3.

Bộ phận tạo hơi ẩm cho máy ấp trứng - Ảnh: T.N

Tự tin trên con đường sáng tạo

Ngoài máy ấp trứng, trong năm học cuối cấp này, Hoàng Anh còn hoàn thành một dự án khác là mô hình trồng rau trong nhà kính ứng dụng năng lượng mặt trời cho môn sinh học. Mô hình này cũng đã đem về cho Hoàng Anh những giải thưởng ở cấp quận và được vào tranh tài ở vòng thành phố vừa qua. 

Đó là chưa kể đến những sản phẩm nhỏ mà Hoàng Anh làm cho gia đình mình như quạt mini hay máy phun hơi nước... 

Cậu học trò có 35 điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua cho biết mục tiêu trong tương lai sẽ là ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM và chuyên gia trong lĩnh vực điện - điện tử.

Còn giờ đây, Hoàng Anh đang miệt mài cho dự án tiếp theo của mình là sáng tạo robot. Nhìn những bảng mạch trong phòng còn dang dở, Hoàng Anh nói mình đang nghiên cứu thêm về Arduino, về lập trình trên máy tính và nạp code vào mạch. 

"Cái này hơi khó, mình đang xem thêm các clip trên mạng và những tài liệu có sẵn. Chưa đâu vô đâu hết, nhưng mình nghĩ sẽ sớm hoàn thành nó trong năm nay" - Hoàng Anh nói.

Tỉ mỉ từng chi tiết

Máy ấp trứng của Hoàng Anh gồm một thùng nhựa lớn làm "ổ" cho trứng, trong thùng chứa cảm biến nhiệt độ và độ ẩm để quản lý các thông số thích hợp cho trứng nở. Cảm biến nhiệt được kết nối với một bóng đèn dây tóc có thể tự bật tắt để duy trì nhiệt độ thích hợp trong thùng.

Tương tự, cảm biến ẩm kết nối với một hệ thống tạo hơi ẩm đặt bên ngoài giúp "ổ" đạt độ ẩm phù hợp nhất cho từng loại trứng - chẳng hạn trứng vịt cần ẩm nhiều hơn trứng gà một chút.

Ngoài ra, thùng còn được trang bị hai chiếc quạt hai bên để đẩy ẩm và thông hơi. Bảng mạch hệ thống được thiết kế rõ ràng và gọn gàng với các công tắc liền kề nhau cùng nhiều adapter để chuyển đổi hiệu điện thế của các linh kiện.

Để sản phẩm thêm tiện lợi, Hoàng Anh gắn thêm một thiết bị điều khiển sử dụng mạng WiFi, nhờ đó người dùng có thể quan sát, tắt mở, hẹn giờ cho hệ thống từ xa chỉ cần dùng điện thoại di động.

Học trò chế hệ thống định vị phà, ứng dụng xem nhà từ xa Học trò chế hệ thống định vị phà, ứng dụng xem nhà từ xa

TTO - Hệ thống giao tiếp giữa con người và thiết bị điện, định vị tàu qua xã đảo Thạnh An... thật sự hữu ích nếu được áp dụng vào đời sống.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên