05/04/2020 17:21 GMT+7

Câu chuyện nghẹt thở của 'bệnh nhân người Việt' ở Singapore

LÊ ĐỖ NGA LINH (Singapore)
LÊ ĐỖ NGA LINH (Singapore)

TTO - "Em có nghĩ mình bị nhiễm virus corona không?", bác sĩ nhìn vào màn hình rồi nhìn thẳng vào mắt tôi. "Nếu em nói có, tôi sẽ gọi xe cấp cứu ngay bây giờ!".

Câu chuyện nghẹt thở của bệnh nhân người Việt ở Singapore - Ảnh 1.

Nơi tâm bão lại là nơi bình yên nhất. Một bầu không khí tập trung, yên tĩnh trong trạm dã chiến - Ảnh: NGA LINH

Ngày 23-1, tôi cùng nhóm bạn đồng nghiệp về Hà Nội đón tết. Sân bay Nội Bài chật ních, lẫn lộn tiếng nói cười của người dân mọi quốc gia. Đó cũng là ngày Trung Quốc tuyên bố với thế giới chiến dịch phong tỏa thành phố Vũ Hán.

Hết tết, chúng tôi trở lại Singapore. Ba ngày sau, đang ăn tối chúc mừng vừa hoàn thành một khóa huấn luyện căng thẳng với bác Tim, một đồng nghiệp đáng kính, tôi bắt đầu thấy sốt và ngứa họng.

Bần thần vì không có nhiều kinh nghiệm thăm khám nơi đất khách, lại vừa tiếp xúc với khá nhiều đồng nghiệp, thân chủ, cộng thêm nỗi lo cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng, tôi vội vàng tìm địa chỉ phòng khám.

Lát sau, tôi ngồi trên xe của bác Tim, liên tục ho mà không có khẩu trang. Tôi cảm thấy xấu hổ, có lỗi và cả khó hiểu. Cầm nhiệt kế điện tử mà tôi loay hoay không biết đo ở trán như thế nào. 37,9 độ C.

Suốt 7 tuần sau đó là chuỗi ngày sức khỏe không ổn định, phải vừa đi làm khi triệu chứng dứt, rồi tự cách ly mỗi khi các triệu chứng quay lại, trộn lẫn và tiếp nối: sốt, ngứa họng, đau họng, tức ngực, sổ mũi và lúc này là ho không dứt.

Mỗi lần như vậy tôi được cấp một giấy chứng nhận y tế nghỉ 5 ngày và một đơn thuốc không đổi: thuốc kháng sinh hoặc thuốc dị ứng, xirô uống và viên ngậm họng. Không bác sĩ nào tự tin kết luận sức khỏe của tôi, có nghi ngờ là corona không, nếu không thì là vấn đề gì...

Câu chuyện nghẹt thở của bệnh nhân người Việt ở Singapore - Ảnh 2.

Thỉnh thoảng một bác sĩ, y tá lại ngồi xuống bên cạnh động viên tinh thần người chờ - Ảnh: NGA LINH

Chưa có bác sĩ nào thẳng thắn như bác sĩ hôm nay, Adrian. Lần cuối em đi du lịch là khi nào, ở đâu? - Từ 23-1 đến 5-2, Hà Nội ạ - Em có nghĩ em bị nhiễm virus không? - Em hi vọng là không, mặc dù đã quá số ngày ủ bệnh, em có lịch sử di chuyển nước ngoài...

Gần đây em có tiếp xúc với F0 nào không? - Không ạ, những người bạn đến Việt Nam cùng em hiện đều không có biểu hiện gì - Virus này rất mới, mọi thứ đều có thể xảy ra, ai cũng có thể nhiễm bệnh. Bộ xét nghiệm không thừa thãi, nhưng tôi vẫn phải quyết định gửi em đi...

Tôi thấy mắt hơi mờ, tai ù đi, miệng khô, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng, chân tay bủn rủn, buồn tiểu, cơ co, bụng đau, đầu choáng váng. Tôi lo sợ trước một tương lai nguy hiểm, gây hệ lụy cho nhiều người, lo lắng cho một mối đe dọa giả định, với các kịch bản giả thuyết về phần trăm tử vong cao và công việc nơi xứ người sẽ gặp vô vàn gián đoạn.

Lo lắng đã đẩy tôi vào trạng thái "chiến đấu" trong suốt thời gian tự cách ly: thu dọn nhà cửa sạch sẽ, đóng đồ dùng cá nhân cần thiết vào một chiếc vali nhỏ, ghi lại lịch trình tiếp xúc, những nơi đã đi, tự mày mò tìm hiểu quy trình nhập viện, chính sách chữa trị tại Singapore nếu kết quả dương tính... Tôi cũng soạn sẵn tin nhắn cho bố mẹ, các em, bạn thân nhất và những đồng nghiệp quan trọng.

Câu chuyện nghẹt thở của bệnh nhân người Việt ở Singapore - Ảnh 3.

Quy trình 7 tiếng đồng hồ chờ đợi trong bình tĩnh giữa các hàng ghế cách nhau 1m - Ảnh: NGA LINH

"Bệnh nhân người Việt, đội ngũ của chúng tôi ở tuyến đầu sẽ chăm sóc cho em. Hãy yên tâm!", câu nói tiễn tôi lên xe cấp cứu của bác sĩ Adrian giúp tôi trấn tĩnh.

"Nơi tâm bão" đón tôi là một trạm dã chiến với lều bạt trắng toát dựng trong một khu biệt lập của Bệnh viện Khoo Teck Puat. Lạnh như một tủ kem, mọi người thoải mái ho qua lớp khẩu trang và ngồi yên trên những chiếc ghế cách nhau 1m. Các bác sĩ mặc áo xanh bảo hộ thoăn thoắt di chuyển.

Tôi được đo huyết áp, chụp X-quang, đặc biệt lấy dịch mũi và họng, không hề đau đớn như "lời đồn". Trước khi đưa chiếc tăm bông dài chọc sâu vào mũi, bác sĩ còn kịp đùa: "Người Việt nổi tiếng dũng cảm, phở Việt nổi tiếng ngon!" rồi hướng dẫn cụ thể cách hít thở đều, chậm, nhẹ, để đúng 10 giây lấy được dịch ra một cách dễ chịu nhất.

Nhiều y tá khác nhau thi thoảng ngồi xuống bên tôi và nhiều bệnh nhân khác không chút ngần ngại, hỏi thăm với giọng điệu ân cần, nhẹ nhàng đến kỳ lạ.

Thời gian 7 tiếng ngồi chờ cho đến khi mẫu sinh phẩm về đến phòng thí nghiệm an toàn đối với tôi trôi nhanh, êm đềm và đầy tập trung. Cuối cùng sau bao ngày sống trong thấp thỏm và nghi ngại, tôi cũng có thời gian để nhớ đến những người thân yêu, tường thuật cho em trai đang chờ ở Hà Nội, cập nhật cho các đồng nghiệp lo cho tôi từng phút ở đất nước của họ.

Câu chuyện nghẹt thở của bệnh nhân người Việt ở Singapore - Ảnh 4.

Quang cảnh biệt lập ngoài khu dã chiến - Ảnh: NGA LINH

Qua 0h của ngày hôm sau, với kết quả X-quang không có dấu hiệu bất thường và thân nhiệt không quá 38 độ C, tôi được phép về nhà bằng taxi đã tắt máy lạnh và hạ cửa kính. Tôi được yêu cầu nghiêm ngặt hơn, không được ra khỏi nhà trong 3 ngày cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm.

Tối muộn 3 ngày sau, tôi nhận được điện thoại chúc mừng kết quả âm tính tại thời điểm xét nghiệm. Khi quay lại bệnh viện nhận giấy chứng nhận và lịch hẹn tìm hiểu nguyên nhân vào tháng 5, bác sĩ vẫn nhắc tôi tiếp tục theo dõi sức khỏe, nghỉ ngơi, cẩn trọng vì hành trình chống dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn tiến không ngờ.

Tôi nghe rất nhiều người nói rằng COVID-19 khiến chúng ta sống khác hơn, chậm lại. Ta có nhu cầu về nhà kịp bữa cơm gia đình, hỏi han, trò chuyện, đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn, dạo bộ. Ta tạo ra các "nghi thức" mới: rửa tay 20 giây, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, tự giác đi khám khi có triệu chứng, tự nguyện cách ly, có trách nhiệm với xã hội.

Chúng ta quan tâm hơn đến sức khỏe của mình và biết ơn khi cơ thể không đau ốm.

benhnhannguoiviet9

Vali nhỏ với đồ dùng cá nhân cần thiết luôn ở thế sẵn sàng đối với một người sống xa nhà thời dịch - Ảnh: NGA LINH

Tôi cũng được chứng kiến những nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của sự kết nối, ngay cả trong sự cô đơn, nhưng không cô lập. Tôi nhớ lại ngày cơ quan đòi tôi dạy nhảy chỉ vì tôi là người Việt Nam và sự lạc quan, sáng tạo của người Việt với Ghen Cô-Vy đã đi xuyên các châu lục.

Tôi nhớ những người bạn Trung Quốc đang sống ở đại lục, Đài Loan, châu Âu cởi lòng về nỗi sợ hãi, sự xấu hổ và áp lực bị kỳ thị của họ những ngày đỉnh dịch. Những người bạn Hàn Quốc hôm trước nhắn sẽ gửi khẩu trang tiếp tế cho tôi, hôm sau vỡ òa trong lo lắng trước những gì xảy ra ở Daegu.

Bạn tôi ở Ý chia sẻ đoạn video hàng xóm nhà cô hát opera váng trời. Người bạn thân có con nhỏ ở Mỹ chủ động rời khỏi New York nhờ "sống theo nhịp dịch của châu Á". Người bạn ở Sài Gòn nhất quyết nói không với trào lưu công kích bệnh nhân 17, 34, thay vào đó chia sẻ những hình ảnh, nghĩa cử, ý thức đẹp của nhân dân và đội ngũ đang chiến đấu ở tuyến đầu.

Đại dịch toàn cầu mang mọi người lại gần nhau và nhắc nhở hành động đoàn kết tự nguyện, tự phát ngay cả giữa những người xa lạ.

Bác sĩ người Việt cứu người ở New York: Đừng xem thường con virus này Bác sĩ người Việt cứu người ở New York: Đừng xem thường con virus này

TTO - “Mình đã viết những chia sẻ đó trong một đêm mất ngủ vì lo lắng trong khi chồng đang làm việc ở phòng hồi sức tích cực của bệnh viện”, nữ bác sĩ gốc Việt Trang Phương Trinh trải lòng với Tuổi Trẻ Online.

LÊ ĐỖ NGA LINH (Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên