24/06/2005 00:42 GMT+7

Câu chuyện của Nick Út

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - "Chiến tranh VN là cuộc chiến đầu tiên được các phóng viên độc lập tường thuật, cũng là cuộc chiến đầu tiên được chụp ảnh màu, cuộc chiến đầu tiên được tường thuật qua truyền hình và cuộc chiến đầu tiên không bị kiểm duyệt...” - đó là những dòng đúc kết của một phóng viên chiến trường lẫy lừng: Tim Page.

Ek6ufQA9.jpgPhóng to

Sau khi chụp xong bức ảnh này, Nick Út bỏ máy ảnh xuống lộ, lấy nước giội vết bỏng, lấy áo mưa trùm người Kim Phúc lại và đưa em vào bệnh viện cấp cứu

TT - "Chiến tranh VN là cuộc chiến đầu tiên được các phóng viên độc lập tường thuật, cũng là cuộc chiến đầu tiên được chụp ảnh màu, cuộc chiến đầu tiên được tường thuật qua truyền hình và cuộc chiến đầu tiên không bị kiểm duyệt...” - đó là những dòng đúc kết của một phóng viên chiến trường lẫy lừng: Tim Page.

Bức ảnh thay đổi cái nhìn về chiến tranh

Thật ra những sự kiện xảy ra vào buổi trưa 8-6-1972 ở chiến trường Trảng Bàng, Tây Ninh để đưa ra công luận bức ảnh chấn động thế giới về cô bé Kim Phúc trần trụi bị phỏng bom napalm, được chứng kiến không chỉ có mình Nick Út. Những tấm ảnh chụp khác của anh cho thấy có hàng chục phóng viên và cameraman đang lia ống kính chỉ vài giây trước đó.

Trong chuyến trở về VN nhân dịp đại lễ 30-4 năm nay, chúng tôi đã nghe Nick Út kể lại khoảnh khắc đó: “Điều quan trọng nhất trong bức ảnh này là khi tôi giơ máy ảnh lên thì tất cả mọi người đang chạy vội về phía bà ngoại Kim Phúc với đứa trẻ hấp hối, ngáp lần cuối cùng trên tay bà. Phía sau cũng có một người đàn ông ôm xác một đứa trẻ giống như thế…

Có lẽ tất cả phim của nhiều phóng viên chiến trường đã “nướng” hết vào đó rồi. Còn tôi, khi ấy chạy vào phía trong, nghe tiếng Kim Phúc hét lên với người anh mình, tiếng thét như xé lòng: “Nóng, nóng quá anh ơi! Em khát nước, em chết!”. Sau tiếng thét khủng khiếp của cô bé nhỏ xíu ấy, tôi đã đưa máy lên và bấm”.

Nick Út kể tiếp: “Sau khi chụp bức ảnh, tôi đưa Kim Phúc về Bệnh viện Củ Chi, gửi Kim Phúc với lời nhắc đi nhắc lại cùng bác sĩ: “Tôi là ký giả, bằng mọi giá các anh phải cứu sống cháu bé này”. Lên xe, hành động đầu tiên của tôi là chắp tay lại và khấn người anh ruột của mình - phóng viên chiến trường Huỳnh Thành Mỹ - rằng: Em đã chụp được bức ảnh tàn khốc về chiến tranh. Hãy cho em cơ hội để cả thế giới biết đến nó!”.

Tại trụ sở văn phòng Hãng AP tại Sài Gòn, nhận tám cuộn phim từ tay Nick Út là một nhân viên phòng tối người Nhật. Anh chờ đợi trong sự hồi hộp bồn chồn. Út nghe anh chàng người Nhật thảng thốt kêu lên khi đem hình ra: “Ô, cô bé này ở truồng!”. Một đồng nghiệp người Mỹ bước lại coi rồi phán: “Hình cô bé trần truồng này phải bỏ ngay, không xài được đâu!”.

Anh rất bức xúc và gân cổ giải thích với đồng nghiệp người Mỹ rằng đó là nạn nhân bom napalm, là nạn nhân của chiến tranh... Chốc sau Horst Faas - trưởng văn phòng đại diện AP - về tới, ông gọi Nick Út vào, hỏi cặn kẽ, coi từng tấm phim rồi ra lệnh cho anh chàng thuộc cấp: “Mày phải gửi ngay tấm ảnh này về tổng hành dinh trong vòng năm phút!”.

Horst mắt vẫn không rời bức ảnh và lầm bầm: “Gửi ngay, gửi ngay, đây là chiến tranh chứ không phải khiêu dâm!”. Chỉ một tiếng đồng hồ sau, từ New York - tổng hành dinh của Hãng tin AP - đã điện thoại sang Sài Gòn, cú điện thoại làm thay đổi cuộc đời của một phóng viên chiến trường mới toanh: “Út ơi, mày nổi tiếng trên toàn thế giới rồi!”, “Út ơi, mày là “number one” (số 1) rồi!”.

Bức ảnh được phát đi, nước Mỹ xuống đường, báo chí Nhật Bản và nhiều nước khác phóng to bằng hình thật ngay trước tòa soạn báo của họ. Vào ngày hôm sau tại Washington, hàng mấy ngàn người xuống đường biểu tình. Chiến tranh VN do Mỹ khởi xướng đã phô bày những tội ác khủng khiếp của nó chỉ qua một tấm ảnh của Nick Út!

“Cuộc chiến cần nhiều nhà báo nói lên sự thật…”

pEUaYQ8o.jpgPhóng to
Từ trái sang: Phạm Minh Tước, Mai Thanh Liêm, Nguyễn Việt Hùng tại rừng miền Đông - Tây Ninh. Trên ngực áo mỗi người đều cài băng đen để tang Bác Hồ (ảnh chụp năm 1969) - Ảnh: Trần Phong

Bộ phim Đánh hạm đội nhỏ trên sông - một trang sử kiêu hùng của những người lính tận miền cuối đất Cà Mau - đã làm không ít người xúc động. Bộ phim này như một điểm nhấn vô giá trong 4.000 thước phim của những nhà làm báo hình thuộc đơn vị điện ảnh - nhiếp ảnh Khu 9 thực hiện thời chiến tranh chống Mỹ, nhưng để có nó, 19 phóng viên đã ngã xuống...

Ký ức lại trở về với ông già Bảy Triển (Châu Văn Tiếp, người phụ trách điện ảnh - nhiếp ảnh Khu 9): “Tổn thất của chúng tôi thời gian đó là khủng khiếp nhất, gần như xóa sạch lực lượng cơ bản của khu làm công tác quay phim chiến trường trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Đặc điểm của nghề này là không thể tuyển tay ngang, tuyển người không có trình độ văn hóa vào làm được.

Khu ủy cuối cùng chọn một giải pháp mà cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao giữa thời chiến tranh người ta dám quyết những điều anh hùng đến vậy: chọn bổ sung ngay người từ Trường trung học giải phóng Lý Tự Trọng, có nghĩa là chọn chính con em của cán bộ trung, cao cấp để đưa vào nơi hiểm nguy nhất của chiến trường. Tôi gọi cái này là “rút ruột mình để kéo dài sự nghiệp”. Phạm Minh Tước hi sinh khi vừa tròn 21 tuổi, Mai Thanh Liêm thì dừng lại ở tuổi 22, là nằm trong số đó...”.

Cái nghiệp cầm máy ra trận làm phóng viên chiến trường đã đưa Nick Út lên đỉnh vinh quang, nhưng với người “thầy” đầu tiên và cũng là người anh trai của Nick Út - Huỳnh Thành Mỹ, phóng viên chiến trường kỳ cựu cũng của Hãng tin AP - thì đó là con đường không thể quay trở lại với những người thân…

Gia đình anh em Huỳnh Thành Mỹ, Huỳnh Công Út (Nick Út) vốn là nông dân chạy nạn chiến tranh từ Long An trôi dạt về Sài Gòn, sống ở chợ Dân Sinh. Huỳnh Thành Mỹ là một anh chàng bảnh trai, làm cho Hãng phim AnPha, tốt nghiệp cử nhân văn chương, từng là diễn viên điện ảnh, đã xuất hiện trên trang bìa báo điện ảnh Sài Gòn, cho tới ngày vác máy ảnh xin đầu quân làm phóng viên chiến trường cho Hãng AP.

Nick Út lúc đó mới 10 tuổi, anh vẫn còn nhớ rằng anh Mỹ là một người đa tài, làm ra tiền đủ để lo cho cả gia đình. Chính anh Mỹ sau những đợt cầm máy ra chiến trường trở về là người dạy cho Nick Út cầm máy, nhưng dạy mãi chẳng thành nghề vì Nick Út khá… lười!

Một buổi chiều anh Mỹ kêu Nick Út ra tâm sự: “Cuộc chiến ở VN kéo dài chưa biết tới khi nào và nó cần rất nhiều nhà báo nói lên sự thật. Anh muốn dạy em trở thành một phóng viên chiến trường để sau này có thể giúp thế giới biết được chiến tranh là tàn bạo, may ra bằng cách nào đó làm cho nó kết thúc sớm hơn!”.

Chỉ một tháng sau cái ngày ấy, một buổi trưa trời mưa dầm, có tiếng xe và ký giả Lê Ngọc Cung của Hãng AP thắng gấp trước nhà, gọi vợ anh Mỹ vào và đóng cửa lại thông báo cho gia đình một tin sét đánh: phóng viên chiến trường Huỳnh Thành Mỹ đã trúng đạn, tử nạn ở Cần Thơ. Cả nhà bật khóc!

Nick Út khóc hết nước mắt và nhớ lại lời anh căn dặn trước khi đi xa, anh vác bộ máy ảnh của anh ruột đến Hãng tin AP và xin được thay thế vị trí của người anh quá cố!

Những người quản lý Hãng tin AP tại Sài Gòn lắc đầu từ chối: “Anh cậu đã chết rồi, dù rất muốn chúng tôi cũng không muốn thêm một người trong gia đình này chết nữa!”. Nhưng cuối cùng với sự cương quyết của Nick Út, họ phải chấp nhận để anh trở thành phóng viên chiến trường của hãng.

Và Nick Út đã đi qua cuộc chiến, qua bao con đường súng đạn mà cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc: “Chiến tranh khủng khiếp và chết chóc. Hằng ngày chúng tôi đi trên đường, người chết như rơm rạ. Có lần gặp cảnh một nồi cơm sôi ùng ục, bên cạnh là xác của hai mẹ con còn ấm nóng.

Phóng viên cũng chết như cơm bữa, bạn bè tôi mới tối qua thôi bốn đứa còn ngồi ăn ở quán ăn Âm Phủ trên phố Huế, ngày hôm sau hai ký giả của ABC tử trận trên quốc lộ gần Đông Hà, Quảng Trị. Tới chừng vô lấy xác được thì đã rữa thối ra, chỉ có chiếc máy ảnh là còn nguyên vẹn... Thời đó, ở Sài Gòn, cứ tối về là kéo nhau đi ăn uống, nhảy nhót cho thỏa sức bởi biết đâu được, ngày hôm sau mình có thể không còn nữa...”.

Trong những ngày tháng ấy, lời tâm sự cuối cùng của người anh đã như một sự tiếp sức cho con đường của Nick Út...

-----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 4: Những tấm ảnh trên bầu trời và trong lòng đất!- Kỳ 3: Ký ức của "người đưa tin chiến dịch Thành cổ"- Kỳ 2: Tư liệu mật về đặc công Rừng Sác- Kỳ 1: Những thước phim ghi bằng máu…

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên