Công viên ở Tobetsu, Ishikari, Hokkaido, Nhật Bản - Ảnh: HÀ MY
Phần lớn các thành phố ở Nhật Bản, công viên là một phần không thể thiếu trong khu dân cư. Dù sống ở đâu, trong khoảng cách đi bộ, nước Nhật đều có công viên hay khoảng xanh nào đó để người dân có thể đi dã ngoại, ngồi thư giãn hay tụ tập với bạn bè.
Theo tôi, ở Nhật Bản, những khoảng xanh, nơi công cộng cho người dân thư giãn và tập thể dục vô cùng quan trọng vì tại Nhật, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, nhà khá bé và nhiều căn hộ được thiết kế dành cho người độc thân nên càng chật chội. Vào ngày cuối tuần, nếu ở nhà cả ngày bạn dễ cảm thấy bức bối, không thoải mái.
Thông thường mỗi thành phố ở Nhật sẽ có một công viên lớn ở trung tâm thành phố như công viên Odori ở Sapporo (Hokkaido) hay công viên Ueno (Tokyo). Ngoài việc là nơi giải trí của người dân, đây cũng là nơi tổ chức các sự kiện như hội chợ mùa đông hay các buổi triển lãm công cộng.
Bên cạnh những công viên này, mỗi khu dân cư sẽ có một khoảng xanh nhỏ, cũng được người dân ở đây gọi là công viên. Những mảng xanh nhỏ trong mỗi khu dân cư đảm bảo mọi người đều có mảng xanh trong khoảng cách đi bộ từ nhà. Điều này cũng được quy hoạch đô thị từ ban đầu.
Anh Lu Ling Kai
Trong lịch sử nước Nhật, những khoảng không gian lớn, nơi mà hiện nay đã được thành phố xây thành công viên, được thiết kế như nơi trú ẩn trong lúc hoạn nạn hay thời chiến. Chính vì vậy một số công viên như công viên Hikarigaoka (quận Nerima, Tokyo), một trong những công viên lớn và nổi tiếng của Nhật, được thiết kế để làm nơi trú ẩn.
Cụ thể, ghế làm bằng đá tại công viên này có thể được sử dụng như bếp than, một số ống cống được thiết kế để có thể sử dụng như toilet trong điều kiện khẩn cấp, và những cột đèn năng lượng mặt trời có thể cung cấp điện để sạc các thiết bị điện tử.
Theo tôi, công viên đặc biệt quan trọng khi gia đình có trẻ nhỏ. Người lớn có thể ngồi trong nhà cả ngày nhưng trẻ em luôn hiếu động và nhiều năng lượng. Không tạo điều kiện cho trẻ vận động dễ dẫn đến béo phì và ù lì. Và muốn trẻ hoạt động phải có những công viên này để trẻ em có thể gặp bạn bè và chạy nhảy.
Tại công viên gần nhà tôi, cứ chiều chiều, bạn sẽ thấy trẻ em từ 6 đến 8 tuổi tự chạy xe đạp ra công viên để chơi cầu trượt, xích đu và chạy nhảy. Cuối tuần, nhiều gia đình, hội bạn mang đồ ăn đến công viên để dã ngoại. Còn tôi và bạn tôi thường đến công viên để trượt ván và chơi đá bóng.
Nhật Bản cũng có nhiều trung tâm giải trí công cộng, sân bóng đá, sân bóng rổ được dân sử dụng miễn phí. Đối với các trung tâm giải trí, vé vào cổng khoảng 200 yen (khoảng 42.000 đồng) và trong đó có đầy đủ dụng cụ, sân đá banh, sân quần vợt... Do những trung tâm giải trí này được chính phủ xây và quản lý, phí vào cổng rất rẻ và không giới hạn thời gian sử dụng. Đây là một hình thức tốt để đảm bảo mọi người đều có chỗ giải trí và tập thể dục lành mạnh.
Bên cạnh các công viên lớn, nhỏ được xây trong thành phố, Nhật Bản cũng là đất nước có nhiều vườn quốc gia và mảng thiên nhiên. Nhiều người cho rằng những vườn quốc gia này được chú trọng bảo vệ là do người Nhật thường có sở thích đi dạo và đi leo núi. Nhưng trên thực tế, chính sự phổ biến của vườn quốc gia và việc được liên tục tiếp xúc với thiên nhiên đã khiến người dân có những sở thích này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận