Hành khách mua vé máy bay tại một đại lý bán vé máy bay của Hãng hàng không Vietjet Air - Ảnh: Hữu Khoa |
Cách đây không lâu, các hãng hàng không công bố đề nghị tăng tới 2.486 chuyến bay dịp tết để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách. Với việc chỉ cấp phép một nửa số chuyến các hãng đề xuất, nhiều người đã mua vé không khỏi lo lắng sẽ bị giãn, giảm chuyến. Còn người chưa kịp mua lo sẽ bị giảm cơ hội về quê ăn tết bằng máy bay...
Cắt khoảng 1.200 chuyến bay...
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không cho biết hội đồng điều phối hạ, cất cánh (slot) của cục này đã làm việc chung với các hãng hàng không, thống nhất lịch bay tăng chuyến Tết Nguyên đán 2017. Tổng số chuyến bay được tăng trên các đường bay nội địa chỉ là 1.270 chuyến từ ngày 16-1 đến 12-2 (trong đó 1.067 chuyến bay tăng thêm đều đến và đi từ Tân Sơn Nhất). Như vậy, có 1.216 chuyến bay các hãng đề xuất tăng thêm bị từ chối.
Cục Hàng không nêu tổng số chuyến bay tăng thêm trên đã tăng 8,5% so với lịch bay thường lệ và không bao gồm các chuyến bay chuyển sân để quay đầu máy bay. Trong tổng số chuyến bay được tăng thêm trên, Vietnam Airlines (VNA) chỉ được tăng 380 chuyến, lượng ghế cung ứng đạt 76.758 ghế; Vietjet Air tăng 560 chuyến, lượng ghế cung ứng thêm đạt 100.800 ghế; Jetstar Pacific tăng 330 chuyến với 59.400 ghế.
Như vậy, tổng số chỗ tăng thêm của 1.270 chuyến là 236.958 ghế. So với tổng số chuyến bay các hãng đăng ký tăng chuyến ban đầu là 2.486 chuyến, việc Cục Hàng không cắt giảm số chuyến đăng ký tăng thêm đồng nghĩa sẽ cắt giảm khoảng 230.000 ghế đáng ra các hãng sẽ bán ra phục vụ khách.
Vietjet và Jetstar bị ảnh hưởng lớn?
Với số lượng chuyến bay tăng đã được chốt, chỉ có VNA có thể “hoan hỉ” vì được chấp thuận số lượng tăng chuyến sát với mong muốn. Còn Vietjet Air chỉ đạt hơn một nửa số chuyến bay dự định tăng, Jetstar Pacific đạt gần 30% số chuyến dự định tăng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề trên, ông Hồ Quốc Cường, trưởng phòng vận tải hàng không (Cục Hàng không), cho biết số lượng chuyến bay mà các hãng mong muốn tăng ban đầu là xuất phát từ nhu cầu và khả năng cung ứng của đội bay các hãng. Nhưng xét khả năng cung ứng thực tế của các sân bay, nhất là Tân Sơn Nhất, hội đồng slot đã chốt số lượng tăng chuyến cụ thể như trên dựa vào sự thống nhất của các hãng. Đến nay các hãng cũng hoàn thành xây dựng lịch bay Tết Nguyên đán theo số lượng slot được thống nhất trên.
Về lo ngại của hành khách là các hãng hàng không có thể đã bán ra lượng vé theo kế hoạch tăng chuyến dự định ban đầu (khi chưa được phê duyệt) nhiều hơn số chuyến bay tăng chuyến được cấp phép, ông Cường cho biết con số tăng 1.000 chuyến bay dịp tết là dự định mà các hãng mong muốn chứ không mở bán toàn bộ số vé của tất cả chuyến bay mà họ dự định tăng.
Theo quy định, khi được cấp quyền vận chuyển thì các hãng có quyền mở bán nhưng số lượng chuyến bay chỉ được phép thực hiện sau khi được cấp phép bay. “Nếu bán vé quá số chỗ được cấp phép khiến khách không được bay thì các hãng phải đền bù, chịu trách nhiệm với khách theo quy định của pháp luật” - ông Cường nói.
Một đại diện VNA nêu số lượng chuyến bay được tăng dịp tết của hãng này là 380 chuyến - rất sát với dự định của hãng nên không ảnh hưởng gì tới kế hoạch bán vé. Trong khung giờ cao điểm, VNA đã ưu tiên sắp xếp các máy bay thân rộng như Boeing 787, Boeing 777, Airbus A350, A330 có khả năng chuyên chở nhiều hơn trong 1 lần cất cánh nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của hành khách mà không phải tăng thêm nhiều chuyến bay.
Ngoài ra, VNA cũng bố trí thêm các chuyến bay có giờ cất cánh đêm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. VNA khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về đội máy bay, lực lượng phi công, tiếp viên và kỹ thuật với mục tiêu đem lại những chuyến bay an toàn và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trong dịp tết.
Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc giảm doanh thu và khả năng phục vụ khách dịp tết, cũng như đánh giá về quyết định số lượng tăng chuyến của Cục Hàng không, một số hãng hàng không từ chối trả lời.
Một góc bãi đỗ máy bay của sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Hành khách lo ngại
Nhiều người đã mua vé máy bay tết băn khoăn khả năng bị giãn, giảm chuyến khi kế hoạch tăng chuyến của các hãng bị cắt giảm. Theo ghi nhận tại một số đại lý cấp một ngày 5-1, đã xảy ra tình trạng khách đặt vé mà không còn vé. Tuy nhiên, các trường hợp này đều rơi vào ngày cao điểm dịp tết như từ 26-30 tháng chạp và tại các chặng bay ít chuyến như Chu Lai, Phú Quốc, Đồng Hới, Tuy Hòa... Hiện vé về các chặng này đang trong tình trạng hết vé trên hệ thống nên đại lý không đặt được cho khách lẻ.
Tuy nhiên, một số chặng từ TP.HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh... đã có các chuyến tăng cường nên hành khách không bị áp lực từ việc khan hiếm vé như mọi năm.
Chiều 5-1, tại đại lý vé máy bay Gia Lộc (Q.6, TP.HCM), lượng khách đặt vé tết vẫn còn đông. “Việc tăng chuyến của ngành hàng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài nhu cầu như về hạ tầng phục vụ, bảo đảm an toàn bay. Tuy nhiên nếu vé tăng cường ít thì người dân không có cơ hội mua vé để về” - bà Nguyễn Thị Vân, chủ đại lý này, nói. Cũng theo bà Vân, đến thời điểm này có thể thấy giá vé tết năm nay không biến động nhiều so với năm ngoái. Tình trạng thiếu vé cục bộ chưa thấy vì một số chặng bay còn vé ở những giờ ít khách chọn như sáng sớm và tối khuya, không có tình trạng sạch nhẵn như mọi năm.
Một khách hàng quen thuộc của hàng không, chị Đặng Lan Phương (quận Tân Bình) cho biết do chưa thu xếp được công việc nên chị và gia đình chưa quyết định có về tết hay không nên chưa mua vé máy bay. “Gia đình tôi đặt vé về Vinh trên hệ thống vẫn còn vé với giá tương ứng với đợt đầu (khoảng 3 triệu đồng/vé) nên cũng không vội vàng mua” - chị Phương nói. Tuy nhiên, với thông tin các hãng hàng không bị cắt giảm đề xuất tăng chuyến, theo chị Phương, năm nay lượng vé tăng cường có thể ít hơn nên chị sẽ quyết định sớm hơn để tránh mất cơ hội mua vé về quê ăn tết.
Một số công ty du lịch có tour phát sinh cận tết cũng khá lo lắng khi lượng vé tăng cường ít hơn dự kiến ban đầu các hãng hàng không đưa ra. Theo một chuyên gia ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc cấp phép tăng chuyến bay cần cẩn trọng, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do không cấp phép hết như đề nghị của các hãng nên cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng về quê ăn tết bằng máy bay của người dân. Nhiều người có nhu cầu sẽ bị hết vé, tăng áp lực cho các phương tiện giao thông khác. Điều này cho thấy việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng đi trước một bước là rất quan trọng.
Đồ họa: Như Khanh |
807 chuyến/ngày ở Tân Sơn Nhất Theo tính toán, với số chuyến bay tăng thêm được duyệt, trong đợt cao điểm Tết Đinh Dậu năm 2017, có ngày tại Tân Sơn Nhất sẽ có 807 chuyến bay/ngày, tăng hơn 11% so với Tết Bính Thân 2016 (cao điểm 726 chuyến/ngày). Theo ước tính của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), từ ngày 20-1 đến 10-2-2017, dự kiến tổng lượng hành khách thông qua 21 cảng hàng không trực thuộc ACV là gần 9 triệu hành khách quốc tế và quốc nội, tập trung chủ yếu ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng (Tân Sơn Nhất ước tính hơn 2,553 triệu hành khách, Nội Bài hơn 1,506 triệu, Đà Nẵng hơn 600.000 hành khách). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận