29/04/2016 13:54 GMT+7

Captain America hấp dẫn nhờ "nội chiến siêu anh hùng”

NGUYỄN THÀNH TRUNG
NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Ra mắt vào thời điểm các phim Marvel rệu rã trong lối mòn, Captain America: Civil War (Captain America: Nội chiến Siêu anh hùng) có một hướng đi khác biệt hơn khi để các siêu anh hùng Avengers chia bè phái đấu đá lẫn nhau.

Captain America: Nội chiến siêu anh hùng là phgim bom tấn đang chiếu trên thế giới. - Ảnh: Marvel


Thực ra, phong cách này được dùng trong loạt phim X-Men, hay gần nhất là Batman v Superman, nhưng chưa từng mất đi sức thu hút. Bởi lẽ, cuộc chiến giữa những người tốt với nhau luôn thú vị hơn là cuộc chiến chia rõ Thiện - Ác.

Nội dung của Captain America: Civil War xoay quanh việc Steve Rogers (Captain America) dẫn đầu một nhóm siêu anh hùng với các thành viên của Avengers với mục tiêu tiếp tục nỗ lực để bảo vệ nhân loại.

Nhưng sau nhiều vụ việc xảy ra do biệt đội Avengers làm thiệt hại tài sản, chính phủ thiết lập cơ quan quản lý và giám sát nhóm.

Điều này gây ra sự chia rẽ trong nội bộ nhóm Avengers, tạo nên hai phe đối đầu nhau. Một bên được lãnh đạo bởi Captain America với mong muốn duy trì nhóm để thực hiện mục tiêu bảo vệ nhân loại mà không có sự can thiệp của chính phủ. Phe còn lại là của Tony Stark (Iron Man) luôn hỗ trợ giám sát và có trách nhiệm giải trình mọi việc làm với chính phủ.

Kịch bản được viết chắc chắn về cấu trúc, Civil War nêu ra được cái khó khăn khi phải lựa chọn phe của các thành viên Avengers. Họ từng là bạn với nhau, thậm chí yêu mến nhau, thì việc phải đánh nhau vì trái quan điểm là điều cần phải xây dựng một cách hợp lý.

May mắn thay, Civil War làm tốt phần này: có lý do, mục đích rõ ràng, nhất quán ở các thời điểm bùng nổ xung đột. Nhịp phim cũng được giữ chắc chắn, cho dù một tiếng đầu phim hơi dài dòng khi hai bên phải giải thích lý lẽ của mình để khán giả hiểu tình hình chung. 

Các cảnh hành động trong phim được chỉ đạo đẹp mắt, thoả mãn số đông, tạo cảm giác mạnh mẽ dù hơi lạm dụng việc tua nhanh tốc độ. Chỉ tiếc ở cảnh đại chiến lớn nhất ở sân bay, khán giả kỳ vọng sẽ có nhiều cú máy dài thật hoành tráng như trong Age of Ultron.

Nhưng phim lại chỉ có khoảng 10 giây cho cảnh này để tập trung vào cận chiến của từng cặp, tạo cảm giác chưa thỏa mãn lắm cho người xem.

Người Nhện xuất hiện trong Captain America: Civil War. - Ảnh: Marvel

Có thể thấy rõ, anh em đạo diễn Russo vẫn chứng tỏ được khả năng chỉ đạo hành động của mình, nhất là ở các cảnh đuổi bắt, nhưng lại lộ điểm yếu ở việc xử lý các cảnh tâm lý. 

Trong một bộ phim cần đào sâu vào lý trí như Civil War, những cảnh đối thoại để nổi bật lên quan điểm của nhân vật là điều không tránh khỏi. Nhưng, phần chỉ đạo buồn tẻ làm mệt mỏi khán giả như mình bởi sự kéo dài, dàn cảnh sáo mòn và cắt dựng thô sơ.

Đỉnh điểm về việc dàn dựng nhàm chán là khi Stark đi thu nhận “đệ tử” Người Nhện (một nhân vật hài hước, không có tác dụng lắm trong mạch phim như Black Panther, mà chỉ được dùng để quảng cáo cho phần sau). 

Đó là lý do vì sao Civil War có một kịch bản gây cảm xúc khi nhiều chi tiết được hé lộ, mà vẫn thiếu đi khả năng đẩy lớp ý đó lên một tầm cao hơn. Civil War dù là trận chiến giữa các siêu anh hùng, nhưng lý do, mục đích và cách giải quyết vấn đề vẫn rất "người" để làm người xem dễ đồng cảm.

Họ chia rẽ và đấu tranh vì tình cảm cá nhân với một ai đó, rồi khi ngừng chiến cũng vì vậy. Sau cuộc nội chiến siêu anh hùng này, không có ai thực sự thắng hay thua, chỉ có tinh thần của Avengers là đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Captain America: Civil War gây hấp dẫn bởi cuộc "nội chiến" giữa những anh hùng - Ảnh: Marvel

Trong bài phỏng vấn gần đây, anh em Russo nói Civil War chỉ được bật đèn xanh sau khi dự án Batman v Superman: Dawn of Justice (Warner Bros/DC) được công bố. Thế nhưng có thể nói, Marvel đang chiếm thế cao hơn đối thủ bởi Civil War dù không phải là quá xuất sắc nhưng vẫn thỏa mãn khán giả hơn hẳn Batman v Superman.

Sự cạnh tranh trên vô cùng thú vị, bởi các hãng sẽ phải sản xuất ra những bộ phim chất lượng hơn để giành chiến thắng trong lòng khán giả. Và do đó, người có lợi luôn là khán giả. 

Captain America: Nội chiến Siêu anh hùng đã chiếu tại 15 thị trường quốc tế (trong đó có Việt Nam) trước khi chiếu tại thị trường Mỹ. Doanh thu phòng vé ban đầu của phim tại Hồng Kông, Hàn Quốc, Pháp... đều rất thành công.
NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên