03/06/2023 10:03 GMT+7

Cáp ngầm kéo điện ra Côn Đảo là khả thi nhất

Nguồn vốn cho dự án cấp điện cho Côn Đảo là vốn ngân sách và vốn tự có của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nên chi phí đầu tư giảm.

Nguồn cấp điện hiện tại không đủ cho phát triển công nghiệp, kinh tế và du lịch tại Côn Đảo. Trong ảnh: đường dây điện hiện tại của huyện Côn Đảo - Ảnh: Đ.H.

Nguồn cấp điện hiện tại không đủ cho phát triển công nghiệp, kinh tế và du lịch tại Côn Đảo. Trong ảnh: đường dây điện hiện tại của huyện Côn Đảo - Ảnh: Đ.H.

EVN vừa có tờ trình gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cáp ngầm cấp điện ổn định

Tờ trình mới của EVN tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư dự án để đảm bảo nhu cầu điện, khi nhu cầu phụ tải của huyện đảo dự báo tăng cao trong giai đoạn tới, đến năm 2030 là 54,4MW và tăng tới 90,2% vào năm 2030.

Trong khi nguồn cấp điện chỉ đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch gần như không đáp ứng. Nguồn điện diesel tại chỗ không đáp ứng đủ, một số tổ máy liên tiếp xảy ra sự cố, thiếu hụt nguồn điện cung ứng cho các dự án nhằm thu hút đầu tư.

EVN đề xuất xây tuyến cáp ngầm dưới biển, tuyến đường dây 110 kV và trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo bằng công nghệ GIS. Sau khi đưa vào vận hành, công suất trên đường dây 110 kV cấp điện cho huyện Côn Đảo năm 2025 khoảng 24,5MW, năm 2030 khoảng 54,5MW và năm 2035 khoảng 90,2MW. Dự án có tổng mức đầu tư là 4.950 tỉ đồng.

EVN cho rằng việc đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo là nền tảng để thực hiện quyết định của Thủ tướng phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020". Việc đảm bảo cung ứng điện cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo nhanh chóng bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng và chủ quyền biển đảo quốc gia.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của EVN cho hay thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau hơn một năm Bộ Công Thương thực hiện các bước thẩm định dự án trên cơ sở lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị tư vấn, thẩm định độc lập, đến nay hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu.

Trong quá trình lấy ý kiến, cơ quan xây dựng dự án đã mời các chuyên gia đầu ngành. Với tổng mức đầu tư dự án có 2.526 tỉ đồng là vốn ngân sách, không phải là vốn vay nên việc thu hồi vốn của dự án sẽ tập trung vào phần vốn tự có, nên hiệu quả sẽ khả thi với mức giá đầu vào và giá bán lẻ bình quân.

Giá bán điện 2.502 đồng/kWh

Trong báo cáo của Bộ Công Thương trước đó gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo cũng cho biết tổng nguồn vốn đầu tư dự án là 4.963,9 tỉ đồng.

Bao gồm vốn ngân sách trung ương tài trợ không hoàn lại là 2.526,1 tỉ đồng, có lãi suất 0%. Phần còn lại là nguồn vốn chủ sở hữu của EVN là 2.423,9 tỉ đồng, được lấy từ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020 của tập đoàn.

Với cơ cấu vốn đầu tư như trên, dự án sẽ thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026, Bộ Công Thương đánh giá dự án khả thi về mặt kinh tế, tài chính và đáp ứng được mục tiêu phát triển Côn Đảo của Chính phủ.

Theo tính toán, giá mua điện trên cơ sở giá bán buôn trung bình giữa EVN và Tổng công ty Điện lực miền Nam là 1.560,9 đồng/kWh, trong khi đó giá bán điện bình quân được áp dụng theo quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của EVN sẽ là 2.502 đồng/kWh.

Giải thích thêm về vấn đề này, đại diện EVN cho hay tại Côn Đảo giá đầu vào ở cấp điện áp 110 kV, với mức giá 1.560 đồng/kWh đã bao gồm các chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối. Trong khi đó với mức bán ra được áp dụng cho giá bán lẻ bình quân hiện nay thì giá bán lẻ điện bình quân cho huyện đảo sẽ là 2.502 đồng/kWh.

Lý do là có tới 54% khách hàng sử dụng điện ngoài đảo là thành phần dịch vụ, với mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng cho đối tượng này là 2.900 đồng/kWh, nên khi tính bình quân với các hộ khác thì có giá 2.502 đồng/kWh.

"Với mức giá mua buôn và giá bán lẻ bình quân, sẽ giúp thu hồi vốn và đảm bảo hiệu quả đầu tư cho dự án" - vị này cho hay.

Đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển Côn Đảo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, vừa được HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua cuối tháng 5-2023, xác định phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Việc quy hoạch phát triển như vậy chắc chắn sẽ cần nhiều năng lượng để đáp ứng nhu cầu. Do đó việc kéo cáp ngầm vượt biển từ đất liền ra, cấp điện lưới cho Côn Đảo là hết sức cần thiết.

"Giải pháp kéo cáp ngầm đưa điện lưới ra Côn Đảo là đáp ứng được yêu cầu ổn định hơn so với các hình thức khác. Có một yêu cầu khác cũng không kém phần quan trọng là làm sao để Côn Đảo phát triển một cách bền vững, giảm thiểu những tác động môi trường đến đảo. Và kéo điện lưới từ đất liền ra Côn Đảo bằng cáp ngầm cũng đáp ứng được yêu cầu này", vị lãnh đạo này nói.

ĐÔNG HÀ

Đồng ý phương án kéo cáp ngầm vượt biển cấp điện cho Côn ĐảoĐồng ý phương án kéo cáp ngầm vượt biển cấp điện cho Côn Đảo

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý với phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển. Phương án này do Bộ Công Thương nghiên cứu và đề xuất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên