22/06/2022 11:29 GMT+7

Cấp cứu rừng Phú Quốc

CHÍ HẠNH - CHÍ CÔNG
CHÍ HẠNH - CHÍ CÔNG

TTO - Ai cũng biết cùng với sự phát triển thì có thể rừng bị ảnh hưởng nhưng khi len lỏi trong rừng đã đầy rẫy cọc đá, dây thép thì đến chính du khách đến "đảo ngọc" cũng thất vọng.

Cấp cứu rừng Phú Quốc - Ảnh 1.

Một khu rừng ở xã Cửa Dương, TP Phú Quốc bị “tàn sát”, chiếm dụng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Nói đến Phú Quốc (Kiên Giang) thì rừng như linh hồn sống còn của người dân xứ "đảo ngọc". Ai cũng biết cùng với sự phát triển thì có thể rừng bị ảnh hưởng nhưng khi len lỏi trong rừng đã đầy rẫy cọc đá, dây thép thì đến chính du khách đến "đảo ngọc" cũng thất vọng.

Nghịch lý này thật sự là một sự báo động.

Lơ một đêm, rừng rỗng ruột

Nạn phá rừng, chiếm đất ở TP Phú Quốc tại thời điểm giữa tháng 6-2022 không còn rầm rộ, công khai như trước nhưng không có nghĩa rừng đã thôi "chảy máu". Trên con đường chính đi từ xã Hàm Ninh ra bãi Thơm, không khó để bắt gặp cảnh triền núi bị đào bới, nhiều khu vực đất rừng đã bị lấn chiếm với cọc bêtông, hàng rào kẽm gai, thậm chí có công trình đã xây kiên cố.

"Một số băng nhóm đã lén lút lấn chiếm, thi công hàng rào. Quá trình bao chiếm đất rừng đã xảy ra tranh giành quyết liệt giữa các băng nhóm. Ở đây, chỉ cần qua một đêm mất cảnh giác là một khu rừng nguyên sinh sẽ rỗng ruột" - ông N.X.T., một nhân viên đội bảo vệ rừng, than thở.

Những vạt rừng tạp nằm ẩn trong những con đường đất nhỏ chạy vào khu rừng ngập nước ở xã Cửa Cạn, Dương Tơ... cũng bị tàn phá nham nhở, tình trạng cắm cọc, chia lô phân nền diễn ra nhan nhản. Một số người di cư vào đây cũng tranh thủ dựng nhà tạm chiếm đất dù chính quyền địa phương nhiều lần ra quân cưỡng chế.

Ngoài nạn phá rừng, tình trạng chiếm đất của các "thế lực ngầm" trên đảo cũng khiến nhiều doanh nghiệp đến đây đầu tư đau đầu. Một "đặc sản" khiến du khách đến Phú Quốc ngán ngẩm là đi bất cứ đâu cũng có thể thấy cảnh hàng rào kẽm gai, hàng rào tôn bao bọc các vạt rừng, bảng cảnh báo xử lý hình sự treo rợp trời với hàng trăm chiếc camera giám sát và được bảo vệ cả ngày lẫn đêm.

Bà G.T.L.P. - giám đốc một doanh nghiệp - nói "lâm tặc" không những âm thầm phá rừng tự nhiên để chiếm đất mà họ còn ngang nhiên bao chiếm đất của doanh nghiệp. "Đất rừng của doanh nghiệp được giao ranh mốc làm dự án, nhưng nhiều băng nhóm đã làm giả giấy tờ để mua bán, sang tay. Mình mà phát hiện là sẽ bị đe dọa" - bà P. chia sẻ.

Theo Hạt kiểm lâm TP Phú Quốc, hiện vẫn còn nhiều đối tượng, băng nhóm "lâm tặc" lén lút tấn công vào rừng bằng nhiều hình thức. Qua khảo sát thực tế và các báo cáo của ngành chức năng cho thấy rừng, đất rừng trên đảo Phú Quốc vẫn đang là "mồi ngon" cho "lâm tặc".

Hiện thống kê ở Phú Quốc có 22 băng nhóm chuyên phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai, kể cả đất rừng. Hành vi phá rừng diễn ra từ 0h đến 3h sáng. "Lâm tặc" cũng có hẳn hợp đồng mua bán cụ thể và có xác nhận nguồn gốc của địa phương như trưởng ấp, chủ tịch, phó chủ tịch xã qua các thời kỳ.

Từ "lâm tặc" ở đây chúng tôi đã sử dụng dấu ngoặc kép để nhấn mạnh.

Cấp cứu rừng Phú Quốc - Ảnh 2.

“Đặc sản” trong mắt du khách đến Phú Quốc hiện nay là cảnh tượng chi chít lô cốt, bảng hiệu cảnh báo, camera giám sát phá rừng, chiếm đất - Ảnh: CHÍ HẠNH

Du khách thất vọng vì mất rừng

Anh Trần Hoài Vũ - một du khách trở lại Phú Quốc sau 10 năm - tỏ ra thất vọng vì nơi này đã mất rừng nhiều, không còn vẻ đẹp hoang sơ. Theo anh, ấn tượng nhất về "đảo ngọc" là một vẻ đẹp gần gũi với thiên nhiên, từng rất mê mẩn với bờ biển xanh, cát trắng và những khu rừng nguyên sinh.

Lần trở lại này rất khác. Phú Quốc đã lộng lẫy, hào nhoáng hơn nhưng "diện tích dành cho thiên nhiên bị thu hẹp lại, bờ biển như được phân lô, nhiều bãi tắm như trở thành của riêng của một ai đó. Kiểu bờ biển này xem như đã lấy mất phần thiện cảm ban đầu của du khách đến đây" - anh Vũ nói.

Theo thông tin từ Vườn quốc gia Phú Quốc, diện tích rừng phòng hộ trên đảo vốn có 11.939ha, nay giảm còn 6.666ha, tập trung ở khu vực phía nam của đảo. Từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định thu hồi 959,34ha giao cho 17 nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Trong đó có 27 dự án đã có chủ trương của UBND tỉnh nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của Vườn quốc gia với diện tích 485ha và 4 dự án đã có ý kiến khảo sát của cơ quan chức năng nhưng chưa có chủ trương với diện tích 5,55ha.

Đối với diện tích đất rừng phòng hộ, UBND tỉnh Kiên Giang cũng ban hành 21 quyết định thu hồi đất rừng phòng hộ giao cho các doanh nghiệp, tổ chức quản lý theo quy hoạch với tổng diện tích 6.767ha.

Vườn quốc gia Phú Quốc thừa nhận công tác bảo tồn rừng hiện gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, còn có những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi. Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa nghiêm, thiếu triệt để, không đủ sức răn đe. Một số vụ việc vi phạm chưa xử lý dứt điểm, kéo dài thời gian do đó trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.

Phải chăng đây là lý do chính dẫn đến tình trạng mà chúng tôi đã phản ánh phía trên: Nạn phá rừng, chiếm đất ở TP Phú Quốc tại thời điểm giữa tháng 6-2022 không còn rầm rộ, công khai như trước nhưng không có nghĩa rừng đã thôi "chảy máu"?

11.939ha ---> 6.666ha
diện tích rừng phòng hộ trên đảo

Chính quyền nói gì?

Ông Lê Quốc Anh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - nhìn nhận thời gian gần đây tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Phú Quốc diễn biến ngày càng phức tạp, tạo dư luận không tốt đến an ninh trật tự trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về lấn chiếm đất, chiếm rừng, phá rừng. 

Để lập lại trật tự, tổ công tác đặc biệt được thành lập sẽ kiểm tra thực địa các khu vực đã bị các tổ chức, cá nhân có hành vi tác động, vi phạm pháp luật về lấn chiếm đất; lấn chiếm rừng; phá rừng... nhằm thống kê vi phạm, điều tra xử lý.

Theo ông Anh, trong đợt cao điểm ra quân lần này, các ngành, các lực lượng tập trung thực hiện ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý trước đây không quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý, các dự án đã có chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư và các công trình trọng điểm trên địa bàn.

"Chúng tôi sẽ kiên quyết di dời, tiêu hủy các loại cây trồng, vật kiến trúc, công trình xây dựng không đúng quy định và thu hồi diện tích đất bị sử dụng trái pháp luật, buộc các đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả và trồng lại rừng" - ông Anh cam kết.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Hưng - chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết thêm ngay trong ngày ra quân, các lực lượng chức năng đã xử lý vụ phá rừng quy mô lớn ở xã Cửa Dương, chặt bỏ toàn bộ cây trồng mà các đối tượng xấu cố tình trồng trên đất rừng, tái lập môi trường rừng vì rừng quốc gia Phú Quốc có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển du lịch sinh thái, càng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo môi trường, đảm bảo nguồn nước để phát triển bền vững cho Phú Quốc.

Ông Hưng nhận định các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất công... trên địa bàn Phú Quốc hoạt động khá tinh vi, lợi dụng lúc dịch bệnh, ngày nghỉ, ngày lễ, đêm tối để thuê mướn nhân công chặt phá cây rừng, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. 

"Từ đây tới cuối năm là cao điểm xử lý nghiêm các vụ việc xây dựng công trình bất hợp pháp, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý, đất dự án đầu tư trên địa bàn Phú Quốc. Nếu đủ yếu tố sẽ chuyển cơ quan công an điều tra xử lý hình sự" - ông Hưng nói.

Theo Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), thời gian qua các dự án khu du lịch phát triển mạnh tại Phú Quốc. Do đó, việc bảo tồn vườn rừng quốc gia là vấn đề rất cần quan tâm trong phát triển kinh tế của Phú Quốc.

Hiện có rất nhiều dự án du lịch đã, đang triển khai và đi vào hoạt động đang làm mất đi giá trị cảnh quan của khu vực, do hình thái đô thị và hình thái kiến trúc chưa phù hợp. Rừng phòng hộ đang có dấu hiệu giảm diện tích đáng kể do các dự án quy hoạch khai thác bừa bãi, làm mất giá trị cảnh quan và tính đa dạng sinh học, cần có các giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy được giá trị của hệ sinh thái.

Cần xử lý nghiêm việc phá hoại, lấn chiếm đất rừng Phú Quốc trái phép Cần xử lý nghiêm việc phá hoại, lấn chiếm đất rừng Phú Quốc trái phép

TTO - Theo ông Lê Quốc Anh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, gần đây việc lấn chiếm đất, lấn chiếm và phá rừng trái pháp luật rồi sử dụng đất không đúng mục đích ở TP Phú Quốc đang có nguy cơ trở thành điểm nóng.

CHÍ HẠNH - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên