17/07/2019 15:32 GMT+7

'Cấp cứu' cho khoa... cấp cứu

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI

TTO - Từ vụ bệnh nhân tử vong sau gần 4 giờ nằm tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, một lần nữa vấn đề về quy trình cấp cứu lại được đem ra 'mổ xẻ'. Cần có giải pháp gì để giảm bớt mất mát cho bệnh nhân khi phải cấp cứu?

Cấp cứu cho khoa... cấp cứu - Ảnh 1.

Bệnh nhân đến cấp cứu tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 (Q.10, TP.HCM) chiều 16-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy với không khí ngột ngạt bao trùm bởi người bệnh, thân nhân và tiếng còi xe cứu thương hú inh ỏi. Cứ khoảng 5 phút lại có một bệnh nhân được chuyển đến đây bằng xe cấp cứu.

Cấp cứu dồn dập

17h10 ngày 14-7, chiếc xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ hú còi inh ỏi, gấp gáp như sinh mạng của người bệnh nằm trên xe.

Xe dừng, cửa mở, tiếng hô hoán, tiếng bước chân thình thịch... Băng ca nhanh chóng được đẩy ra.

Một cụ già nằm thoi thóp bên cạnh một nhân viên mặc áo blouse trắng đang liên tục bóp bóng oxy hỗ trợ hô hấp nhân tạo.

Khoảng 10 phút sau, bệnh nhân được nhân viên y tế nhanh chóng đẩy vào khoa cấp cứu và được đến khoa hồi sức tích cực - nơi tiếp nhận, cấp cứu những ca bệnh nặng.

Tại đây theo quan sát chỉ có người thân và nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ liên tục bóp bóng oxy.

Đến 17h34, một nhân viên y tế đến khám chóng vánh rồi rời đi khám cho các bệnh nhân kế bên.

Ngay giữa phòng cấp cứu, chúng tôi chứng kiến bệnh nhân P.T.H. (60 tuổi) đang cố cựa quậy đôi bàn tay yếu ớt gãi sột soạt. Khắp người bệnh nhân này có nhiều vùng bị lở loét, rướm máu, các tĩnh mạch dưới da nổi lên.

18 năm nay bà H. bị bệnh tiểu đường và có biểu hiện ngứa toàn thân gần một năm qua.

"Sáng 15-7, mẹ tôi có biểu hiện khó thở, tụt huyết áp nên gia đình đưa bà đi cấp cứu. Nhập cấp cứu từ lúc 13h30, đến 17h30 chỉ có hai nữ điều dưỡng đến đo điện tim rồi rời đi" - con gái bà H. nói.

Cấp cứu tại các bệnh viên lớn ở TP.HCM - Video:  N.PHƯỢNG - D.PHAN - N.NHI - T.YÊN

Liên quan đến sự cố bà Nguyễn Thị Trí (ngụ Q.8, TP.HCM) tử vong sau 4 giờ chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, báo Tuổi Trẻ tiếp nhận rất nhiều thông tin từ người nhà bệnh nhân phản ảnh một số bất cập trong quy trình cấp cứu chậm trễ, thái độ phục vụ chưa tốt của nhân viên y tế với người bệnh tại bệnh viện này.

Một năm trôi qua, anh Trọng Nghĩa (26 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) vẫn chưa thể quên nỗi đau mất đi người mẹ của mình, bà N.T.S. (60 tuổi).

Theo anh Nghĩa, mẹ anh bị suy thận, suy tim, viêm phổi... được chuyển từ Bệnh viện An Bình (Q.5) qua Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 20h30 ngày 7-9-2018.

Tại đây khi làm thủ tục, các bác sĩ đều biết tình trạng bệnh lý của bà. "Tôi nói mẹ rất mệt, các bác sĩ cho mẹ thở máy. Mẹ kêu nóng quá, tôi lấy quạt cho mẹ thì một nhân viên đuổi ra ngoài. Từ 20h30 đến 16h30 hôm sau, mẹ tôi lên cơn co giật mới được chuyển qua chạy thận đến gần trưa thì qua đời" - anh Nghĩa kể.

Cấp cứu cho khoa... cấp cứu - Ảnh 3.

Bệnh nhân được bác sĩ và người nhà nhanh chóng đưa vào khoa cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) sáng 16-7 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Phải tuân thủ quy trình cấp cứu

Trong số các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi có lượng bệnh nhân đến cấp cứu mỗi ngày cao nhất.

TS.BS Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho rằng kể từ khi Bệnh viện Chợ Rẫy hạn chế việc tiếp nhận người bệnh từ các bệnh viện, đơn vị trở thành nơi có số lượng bệnh nhân cấp cứu đông nhất của TP, với khoảng trên 400 người/ngày.

"Mỗi năm chúng tôi gánh khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ của TP, rồi tim mạch, tai nạn giao thông... Mặc dù rất gần với các bệnh viện khác nhưng cuối cùng bệnh nhân lại được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân 115. Hiện có 100 máy thở lúc nào cũng xài hết công suất" - bác sĩ Báu nói.

Đối với quy trình cấp cứu cho bệnh nhân, theo bác sĩ Báu, các bác sĩ sẽ tiến hành phân loại bệnh nhân bệnh nặng, các bộ phận bị tổn thương, còn nhẹ phải lùi lại chờ xử lý sau.

"Với một bệnh nhân đa chấn thương, các bác sĩ kiểm tra ưu tiên cấp cứu về hệ hô hấp, tuần hoàn và thần kinh. Đây chính là các tổn thương trực tiếp đe dọa đến tính mạng người bệnh" - bác sĩ Báu phân tích và khẳng định tất cả các quy trình này thực hiện trên nguyên tắc được huấn luyện.

Theo bác sĩ Báu, để giảm thiểu các sự cố đáng tiếc thì quy trình cấp cứu phải được tuân thủ theo quy định chuyên môn.

Ngoài ra phải đào tạo huấn luyện người thực hiện và thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng để kịp thời chấn chỉnh.

Còn bác sĩ Châu Văn Đính - giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - cho biết trung bình một ngày bệnh viện nhận khoảng 150 ca cấp cứu với các chấn thương chủ yếu do tai nạn giao thông, lao động từ các tỉnh.

Để giảm thiểu tình trạng chuyển vượt tuyến, đơn vị triển khai xây dựng một số bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang, Long An, Bình Dương...

"Mọi quy trình cấp cứu đều tuân thủ ưu tiên từ ca nặng đến nhẹ, người già và trẻ em, phụ nữ mang thai" - bác sĩ Đính nói.

Cấp cứu cho khoa... cấp cứu - Ảnh 4.

Nguồn: Sở Y tế TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ưu tiên sàng lọc, phân luồng bệnh nhân

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện mỗi ngày đơn vị có tới 3 ca trực cấp cứu, mỗi ca trực có khoảng 10 - 11 bác sĩ với lượng bệnh nhân cấp cứu lên đến trên 400 người/ngày.

Một cán bộ của bệnh viện này ví von bệnh viện như "cái giỏ" bởi thường xuyên phải tiếp nhận tất cả các ca bệnh nặng, khó từ các bệnh viện tuyến tỉnh và TP.

"Ở đâu có thể từ chối chứ Bệnh viện Chợ Rẫy không thể từ chối hoặc lựa chọn bệnh nhân. Bệnh nhân chuyển vào đây chúng tôi phải xử trí đến khi họ ổn định mới có thể chuyển qua một số bệnh viện vệ tinh khác tiếp tục điều trị" - vị này nói.

Từ việc tiếp nhận 28.000 lượt cấp cứu/quý cách đây 2 năm, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy phải tiếp nhận khoảng 35.000 lượt/quý. Trong đó số bệnh nhân chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên thường chiếm trên 50%.

"Khoa cấp cứu luôn quá tải, gần như vượt quá 100% công suất vào các ngày lễ. Đặc biệt có thời điểm công suất mổ cấp cứu của bệnh viện là 150 ca/ngày nhưng nhiều ca phải nằm chờ nhiều giờ không thể lên được phòng mổ vì quá tải" - một lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Nhằm giảm những sự cố đáng tiếc trong cấp cứu, PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết vào tháng 5-2019, sở đã ban hành danh mục bao gồm 15 khuyến cáo "triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu của các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP".

Danh mục này khuyến cáo các cơ sở y tế phải tuân thủ 15 điểm nhằm nâng cao năng lực cấp cứu bệnh nhân.

PGS.TS Tăng Chí Thượng (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM):

Hạn chế chuyển bệnh qua Bệnh viện Chợ Rẫy

Trước tình hình quá tải ngày càng dữ dội ở khoa cấp cứu, chúng tôi có điều chỉnh hạn chế chuyển bệnh qua Bệnh viện Chợ Rẫy gần hai năm nay.

Và thời gian tới trên tinh thần "giúp" Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi định hướng các bệnh viện quận, huyện nếu có chuyển bệnh nên chuyển về các bệnh viện của TP như Nhân dân Gia Định, 115, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương, Bệnh nhiệt đới, Nhi Đồng, Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2.

Xa hơn để hạn chế tình trạng này, Sở Y tế đẩy mạnh thiết lập hệ thống các bệnh viện vệ tinh.

Đến nay một số bệnh viện thiết lập mạng lưới vệ tinh hoạt động khá hiệu quả như Bệnh viện Từ Dũ, Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Chấn thương chỉnh hình.

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức (trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Thủ Đức):

Tuân thủ 5 cấp độ cấp cứu

Khi bệnh nhân vào khoa cấp cứu của Bệnh viện Q.Thủ Đức sẽ được điều dưỡng tiếp nhận, bác sĩ đánh giá dấu hiệu sinh tồn, phân loại tình trạng bệnh theo mức độ nặng.

Từ đó có quyết định thời gian can thiệp hoặc trì hoãn cho từng bệnh nhân cụ thể.

Hiện nay, chúng tôi có 5 độ nặng để cấp cứu. Cụ thể độ nặng 1 áp dụng cho những bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần can thiệp ngay lập tức với thời gian trì hoãn là 0 phút.

Độ nặng 2 cho bệnh nhân rối loại ý thức, huyết áp hạ, suy hô hấp... với thời gian trì hoãn, can thiệp tối đa là 15 phút. Tương ứng, độ nặng 3 là 30 phút, độ 4 là 60 phút và độ nặng 5 là 120 phút.

Kinh nghiệm "dán màu bệnh nhân" của Bệnh viện Bạch Mai

Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đang đón tiếp khoảng 200 bệnh nhân/ngày. So với những năm đầu mới chia tách khoa, số lượng bệnh nhân vào A9 đã tăng gần 10 lần.

Các bác sĩ đã làm gì để phục vụ số lượng bệnh nhân này? Theo các bác sĩ, họ đã dán màu để xác định tình trạng bệnh cho từng bệnh nhân.

Theo đó, sau khi bệnh nhân nhập viện và được khám, chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ đánh giá bằng cách dán màu xanh lá cây nếu bệnh nhân nhẹ, dán màu vàng nếu bệnh nhân phải nhập viện, màu cam là bệnh ở ranh giới giữa nặng và nhẹ, màu đỏ là bệnh nhân nặng cần can thiệp ngay.

"Có thể bệnh nhân được dán màu vàng nhưng 15 phút sau tình trạng lại thay đổi nặng lên, vì vậy cần thường xuyên kiểm tra để đánh giá phù hợp.

Vị trí để dán màu có thể là ngực bệnh nhân, ở băng ca hoặc các vị trí dễ nhìn, nhân viên y tế đi qua đều có thể nhìn thấy và xử trí" - một đại diện của khoa cấp cứu A9 cho biết.

Theo vị này, sau khi thực hiện cách "đánh dấu" bệnh nhân như vậy, việc theo dõi bệnh nhân sát sao hơn, và minh chứng là dù bệnh nhân có tăng nhiều, số lượng bác sĩ ít ỏi thì nguy cơ xảy ra tai biến vẫn giảm thấp.

Còn tại Bệnh viện K, ông Trần Văn Thuấn - giám đốc bệnh viện - cho biết trước đây công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện có thể lên tới 300%, nhưng năm 2018 con số này là 103%.

"Hiện chúng tôi có 42 bệnh viện vệ tinh hoặc nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện K. Vì vậy lượng bệnh nhân từ các tuyến chuyển về giảm hẳn.

Trước đây Phú Thọ có đến 70-80% bệnh nhân ung thư phải chuyển tuyến về Bệnh viện K, hiện con số ấy còn dưới 1%, Bắc Ninh trước trên 80% bệnh nhân ung thư chuyển về Bệnh viện K, nay chỉ còn 10%" - ông Thuấn cho biết.

L.ANH

Nguyên tắc "4 giờ"

Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng quá tải bệnh nhân tại khoa cấp cứu là một vấn đề trở nên đáng lo ngại tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc...

Tại các nước này, một trong những giải pháp nhằm giảm tải cho khoa cấp cứu đó là đưa ra nguyên tắc "4 giờ". Nghĩa là bằng nhiều cách không để bệnh nhân lưu lại khoa cấp cứu của bệnh viện trên 4 giờ.

Để thực hiện nguyên tắc "4 giờ", Tổ chức Dịch vụ y tế quốc gia của Anh triển khai đồng thời nhiều giải pháp cho các bệnh viện công.

Cụ thể, tăng thêm điều dưỡng cấp cứu, tăng số lượng bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, bổ sung ngân sách đầu tư vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các khoa cấp cứu.

Cho phép điều dưỡng điều trị cấp cứu (Emergency Nursing Practitioner - ENP) được phép đánh giá, điều trị và chỉ định xuất viện mà không cần chờ y lệnh của bác sĩ chuyên khoa.

thanh yen_cuu thuong_bv nhan dan 115 (2 of 4a) 2(read-only)

Bệnh nhân nằm đầy khoa cấp cứu tại Bệnh viên Nhân dân 115 (Q.10, TP.HCM) chiều 16-7 - Ảnh: THANH YẾN

Đặc biệt tổ chức hệ thống sàng lọc phân luồng bệnh nhân vào khoa cấp cứu theo 4 luồng gồm cấp cứu bệnh nhân bệnh lý và chấn thương nhẹ, bệnh nhân bệnh lý và chấn thương nặng, nhập viện nội khoa và nhập viện ngoại khoa.

Từ đó một nhóm bác sĩ và điều dưỡng có kinh nghiệm được giao trách nhiệm đưa ra giải pháp "xem và điều trị" nhằm giải quyết ngay những ca vào khoa cấp cứu với những bệnh lý và chấn thương nhẹ, không nhất thiết phải chờ các bác sĩ chuyên khoa quyết định.

Ngoài ra triển khai dịch vụ khám bệnh ngoài giờ do các bác sĩ gia đình đảm trách, tư vấn qua điện thoại 24/24 giờ nhằm giảm số lượng bệnh nhân đến thẳng các khoa cấp cứu.

Và một nguyên tắc được đưa ra là các bác sĩ chuyên khoa được phân công trách nhiệm phụ trách cấp cứu không được làm những công tác khác mà chỉ tập trung cho công tác điều trị bệnh nhân cấp cứu.

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên