Sáng 7-1, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đã chỉ đạo các ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vào tháng 9-2025.
Ông Hà Sỹ Sơn, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, thông tin dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành được triển khai với 27,8km đi qua Đắk Nông.
Đến nay tỉnh đã phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp, mốc thời gian thực hiện.
"Hiện nay nhà đầu tư và đơn vị tư vấn cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến đến 10-1 hồ sơ sẽ hoàn thành.
Tiếp đó, nhà đầu tư, đơn vị tư vấn sẽ trình UBND tỉnh Bình Phước xin ý kiến của Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT) về phương án. Sau khi có ý kiến của cục này, đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và trình lên Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Trong tháng 2-2025, địa phương sẽ trình, thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Khi các thủ tục nêu trên hoàn thành, dự kiến tháng 9-2025 sẽ khởi công dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành", ông Sơn thông tin.
Ông Hồ Văn Mười - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết hiện nay Bình Phước đã khởi công cao tốc nối Chơn Thành đi Bình Dương kết nối đến TP.HCM. Khi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông thông suốt, mở ra một bước ngoặt rất lớn cho sự phát triển của Đắk Nông trong tương lai.
"Cao tốc này có tốc độ 120km/h, rút ngắn thời gian từ Gia Nghĩa đi TP.HCM xuống chỉ còn 2 giờ. Vì sự thuận lợi này trong tương lai, hiện đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đến Đắk Nông đầu tư với kinh phí đăng ký đầu tư khoảng 8 tỉ USD", ông Mười nói.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là hơn 10.500 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương của Bình Phước là hơn 1.200 tỉ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỉ đồng. Số còn lại hơn 12.700 tỉ đồng là từ các nhà đầu tư tham gia dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận