Đôi bạn Chương - Quý - Ảnh: LÊ TRIỀU SƠN |
Đó là hai học sinh của Trường THPT Bình Điền, một trường khó khăn thuộc vùng gò đồi Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.
Phải đi làm để phụ mẹ nuôi em
Đó là hoàn cảnh của Đinh Vũ Hoàng Chương - lớp trưởng gương mẫu, học sinh giỏi ba năm liền của lớp 12B3 Trường THPT Bình Điền. Cha em đột ngột qua đời sau cơn nhồi máu cơ tim vì làm việc đuối sức, khi kỳ thi THPT quốc gia đã cận kề.
Mất đi người trụ cột gia đình, Chương bị sốc nặng. Nhưng em đã kìm nén, vượt qua nỗi đau, thay cha thức dậy lúc hai giờ sáng để chở mẹ về chợ đầu mối cách nhà 20km mua từng bó rau lên bán lại ở chợ Bình Điền, kiếm chút tiền cơm mỗi ngày cho gia đình.
Nhà Chương làm tạm trên mảnh đất xã cấp cho ông nội ở giữa khu rừng. Dẫn vào nhà là con đường mòn nhỏ gập ghềnh khó đi, nên khi ba Chương mất cả lớp huy động mỗi người vài bao đất để có đường đưa tang.
Cha vừa mất nhưng Chương vẫn không bỏ dở kỳ thi THPT quốc gia và đã trúng tuyển vào Trường đại học Luật của Đại học Huế với số điểm 26,75, xếp thứ 30/650 sinh viên trúng tuyển (văn: 7,25, sử: 8,75, địa: 9,25).
Niềm vui đậu đại học cũng là nỗi lo cho cả gia đình Chương, vì học phí 3,6 triệu đồng là một số tiền quá lớn. Tiền bạc và những thứ có giá đều đã bán để lo thuốc thang và đám tang cho người chồng vừa quá cố, nên người mẹ nghèo ấy chỉ đủ sức kiếm cơm qua ngày cho ba đứa con và bố chồng già yếu, bệnh tật.
Chương cho biết em sẽ xin bảo lưu kết quả năm nay để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ lo cho các em ăn học và dành dụm ít tiền, để sang năm trở lại trường học cho xong đại học như mong ước của cha trước khi mất. “Bây giờ việc cần nhất là phải kiếm tiền cho hai em ăn học. Hai đứa đều học giỏi, em không muốn nó nghỉ học giữa chừng” - Chương nói.
Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng học hành vẫn luôn là niềm đam mê của Trần Đình Quý - Ảnh: LÊ TRIỀU SƠN |
Cao hơn chiều cao của mình
Chương cũng cho biết về hoàn cảnh khó khăn của một bạn cùng lớp là Trần Đình Quý, bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ cao 1,1m, lại mang căn bệnh máu không đông. Ngay cả việc chăm sóc bản thân cũng khó khăn nhưng Quý vẫn quyết tâm theo kịp bạn bè cùng trang lứa. Ba mẹ già yếu, biết bao khó khăn nhưng Quý vẫn sống lạc quan và tràn đầy nghị lực vươn lên.
Nói về Quý, cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thu Hiền cho biết: “Quý không hề mặc cảm về khuyết tật của mình, ngược lại em rất mạnh dạn, không ngại giao tiếp và sống hòa đồng với bạn bè. Quý học chuyên cần và đạt thành tích khá cao trong học tập. Quý đã cao hơn chiều cao của mình, xứng đáng là tấm gương cho bạn bè phải noi theo”.
Khi chúng tôi ghé nhà, Quý đang chăm đàn vịt và cười tươi: “Vỗ thêm ít bữa nữa cho béo để bán kiếm ít tiền nhập học”. Em khoe đã đỗ hai ngành công nghệ thông tin và triết học của Trường đại học Khoa học Huế và chọn ngành công nghệ thông tin vì phù hợp với hoàn cảnh của em hiện nay. Quý còn khoe đã xin được việc phụ quán cà phê ở gần trường để kiếm tiền cơm. Nhưng ba em, ông Trần Đình Nam, không giấu được sự lo âu.
“Nghe con đậu đại học tui mừng lắm, nhưng không biết kiếm mô ra đủ tiền để đóng cho con. Kiếm cơm qua ngày đã khó, nói chi việc kiếm một lúc mấy triệu bạc” - ông Nam nói.
Cả hai cậu học trò nghèo đều có một ước mơ thật đơn giản là kiếm đủ tiền nộp học phí học kỳ đầu tiên, rồi sẽ tự tìm việc làm để theo đuổi xong bốn năm đại học. Chương phải tạm nghỉ năm đầu tiên để kiếm đủ số tiền đó, còn Quý trông vào đàn vịt chẳng biết có đủ hay không.
Tân sinh viên khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hãy viết thư bày tỏ nguyện vọng của mình gửi Tuổi Trẻ để được hỗ trợ. Mẫu thư được tải về tại đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận