Chiều 9-7, ông Du Tố Tuấn - giám đốc Vietravel chi nhánh TP Rạch Giá - cho biết dịp hè năm 2023 này, đơn vị tổ chức nhiều tour đưa du khách đến TP Hà Tiên, Kiên Lương và U Minh Thượng vui chơi.
Tuy nhiên, ở Kiên Lương và U Minh Thượng ít có sản phẩm du lịch độc đáo nên khách đến một vài lần rồi chuyển sang các điểm khác tham quan.
"U Minh Thượng có rừng rất đặc trưng nhưng sản phẩm du lịch không có, khách đến chỉ câu cá rồi đi tham quan rừng...
TP Hà Tiên là điểm du lịch cũng nổi tiếng nhưng tôi nghĩ cần có những sản phẩm du lịch cho du khách tới chơi ban đêm như khu đi bộ khám phá nhà cổ, các điểm du lịch tâm linh hoặc có thuyền, tàu chạy trên đầm Đông Hồ để đưa khách thưởng trăng, nghe nhạc và thưởng thức các món ăn ngon ở đây", ông Tuấn nói.
Sở Du lịch Kiên Giang cho biết đầu năm 2023 đến nay, TP Hà Tiên ước đón 1,1 triệu lượt khách; huyện Kiên Lương ước đón 124.000 lượt khách (chiếm chưa tới 3% trong tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang).
Ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho biết Kiên Lương, TP Hà Tiên, vùng U Minh Thượng có lợi thế cảnh quan biển, rừng và văn hóa lịch sử.
Song thời gian qua, ba vùng này vẫn còn nhiều mặt hạn chế, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư khai thác du lịch; giao thông, điện, nước sạch và xử lý rác thải một số khu vực đất liền và các đảo ở Kiên Lương, Hà Tiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách.
Quảng bá, kết nối tour tuyến du lịch của địa phương chưa đạt hiệu quả, chưa đủ sức thu hút du khách.
Ông Thái cho biết thêm, để có sản phẩm du lịch đặc sắc, hút khách, địa phương cần dành quỹ đất cho phát triển du lịch, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu và kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch Kiên Lương, TP Hà Tiên và U Minh Thượng.
Ngoài xử lý rác thải, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, địa phương sẽ tăng cường liên kết hợp tác, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Kiên Giang đã triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử thắng cảnh núi Mo So (Kiên Lương) và hồ Hoa Mai (U Minh Thượng) với nguồn vốn hơn 80 tỉ đồng.
Trong đó, ở huyện Kiên Lương đầu tư xây dựng hạng mục Khu di tích lịch sử thắng cảnh núi Mo So với kinh phí theo dự toán trên 32 tỉ đồng; huyện U Minh Thượng đầu tư ba hạng mục công trình (kinh phí dự toán trên 48 tỉ đồng), gồm xây dựng khu di tích lịch sử thắng cảnh hồ Hoa Mai; nạo vét vệ sinh lòng hồ và xây dựng cầu, cảnh vào hồ Hoa Mai.
"Dự án này hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách và phục vụ nghiên cứu khoa học các di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Ngoài bảo tồn nét văn hóa, phát triển du lịch, địa phương có điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội", ông Thái nhấn mạnh.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, du lịch Việt Nam cần làm gì để giữ chân và thu hút du khách?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận