26/11/2014 09:00 GMT+7

​“Cánh cửa ước mơ” của thầy phụ trách Đội

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Đặng Phan Xuân Bình, tổng phụ trách Đội Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), luôn vui khi nhắc về công việc mà anh và học trò gầy dựng cho hoạt động Đội.

Thầy tổng phụ trách Đội Đặng Phan Xuân Bình trong vòng tay học trò - Ảnh: Q.Linh
Thầy tổng phụ trách Đội Đặng Phan Xuân Bình trong vòng tay học trò - Ảnh: Q.Linh

Niềm vui của nhà giáo trẻ ấy mỗi ngày lại lớn thêm, và danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2014 như tiếp thêm sức mạnh cho anh trong cái duyên của người phụ trách Đội.

Niềm vui trong gian khó

Cánh cửa ước mơ là tên do các em đề xuất. Cuộc đời mình từng đối diện với những cánh cửa có khi tưởng như mất hết hi vọng nhưng rồi đã được mở bằng những chìa khóa yêu thương. Và câu lạc bộ sẽ là nơi mình cùng các em chia sẻ về những ước mơ cuộc đời, vượt qua khó khăn, học tốt hơn
Thầy ĐẶNG PHAN XUÂN BÌNH (giáo viên, tổng phụ trách Đội Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Trong hành trang rời quê nhà Định Quán (Đồng Nai) lên TP.HCM học, Bình nhận thức rất rõ về gia cảnh vất vả của mình. Hình ảnh từ những ngày lên 10 đã biết phụ cha mẹ làm cỏ, chăm bón cho vườn xoài cũng là thu nhập chính của cả gia đình.

Mấy trăm gốc xoài mỗi năm chỉ cho một vụ trái. Năm nào hên lắm mới có lãi vài triệu đồng, không thì huề vốn, thậm chí gặp khi rớt giá coi như làm không công.

Năm 2008 Bình rời quê thì hai năm sau, năm 2010, cô em gái cũng theo gót anh hai lên thành phố học đại học. Vất vả lại càng thêm vất vả. Cứ hai tuần, cha lại một mình vượt quãng đường 130km từ Định Quán lên TP.HCM thăm con. Cha chở theo bao gạo và ít thức ăn mẹ làm sẵn để “hai con có cái mà ăn chứ cuộc sống thành phố đắt đỏ quá”.

“Có lần ba lên thăm, thấy ba gầy hẳn, mình hỏi nhưng ba nói không có gì, ba vẫn khỏe. Phải điện thoại gặng hỏi mãi mẹ mới cho biết ba lo vì thấy hai anh em sống ở thành phố vất vả quá, mất ngủ triền miên, nghe mà đứt cả ruột” - Bình kể.

Nên dù bữa đói bữa no nhưng sau lần đó hai anh em dặn nhau có vất vả đến mấy cũng không được để ba mẹ ở quê biết. Chỉ vì cả hai đều biết ba mẹ đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi để hai con có thể đeo đuổi con đường học hành.

Thời gian đó, sau giờ học Xuân Bình phụ đứng xe bán nước mía cho một cô giáo trong trường, cũng có thêm chút tiền trang trải.

Lẫn trong vô số câu chuyện cơ cực của cuộc mưu sinh, Xuân Bình luôn nhắc đến những cái tên vốn chỉ là người xa lạ mà trở nên thân thiết giữa thành phố này.

Bình nói nếu không có chị Châu Lê Vân xin gia đình cho anh nhập hộ khẩu thành phố có lẽ anh đã phải về quê chứ làm sao bám trụ được giữa mảnh đất Sài Gòn này.

Hay nếu không có anh bí thư Đoàn phường Lê Thanh Vũ (hiện là phó bí thư Quận đoàn Bình Thạnh) ngày ấy giới thiệu thì bây giờ Xuân Bình làm gì có được công việc giáo viên kiêm tổng phụ trách Đội ở trường.

“Với mình, đó không chỉ là những người bạn, người đồng nghiệp cùng yêu thích hoạt động Đoàn mà còn như những người anh, người chị ruột thịt trong gia đình” - Bình nói.

Ngã rẽ bất ngờ

“Tôi nghĩ mình may mắn vì gặp được những người bạn, đồng nghiệp tốt và lãnh đạo luôn quan tâm ủng hộ. Điều đó càng khiến mình phải nỗ lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ một người thầy, người phụ trách Đội, để xứng đáng với giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” vừa được Thành đoàn TP.HCM tặng mới đây” - Đặng Phan Xuân Bình.

Hồi đi học, ở trọ tại khu phố 3, P.17 (Q.Bình Thạnh) nên vừa sinh hoạt Đoàn ở trường, Xuân Bình vừa là một đoàn viên tích cực của phường.

Cô em gái Đặng Phan Hạ An không chỉ theo bước anh hai sinh hoạt Đoàn tại nơi trọ học mà còn trở thành bí thư Đoàn khoa văn hóa học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Chính những tháng ngày tôi rèn ấy tạo cho Bình cái duyên chơi với thiếu nhi và dẫn anh đến với vai trò tổng phụ trách Đội.

Từ ngày về trường công tác, thầy giáo Xuân Bình lập ra Câu lạc bộ Cánh cửa ước mơ, đến nay đã có gần 40 bạn thường xuyên sinh hoạt vào chiều thứ bảy hằng tuần.

Câu lạc bộ là nơi để các bạn sinh hoạt văn nghệ, lập đội kịch, đội nghi thức, trống kèn và cả những buổi sinh hoạt trao đổi về kỹ năng sống, cũng là nhân tố nòng cốt gầy dựng và lan tỏa hoạt động Đội với các phong trào theo năm điều Bác Hồ dạy.

Điều kiện tiên quyết để tham gia câu lạc bộ này là phải có học lực giỏi và không được rơi khỏi kết quả học tập ấy. Các bạn học sinh lớp 9/4 Yến Như, Yến Nhi, Anh Thư, Huỳnh Như cho biết thầy Bình như một người bạn, người anh mà các bạn có thể tin tưởng chia sẻ những chuyện vui buồn, thay đổi của tuổi mới lớn.

Có bạn không cha, không mẹ, thậm chí có bạn mồ côi cả cha mẹ nên vừa là thầy nhưng đôi khi Bình lại vào vai người thân để nghe và chia sẻ với học trò.

“Cánh cửa ước mơ là tên do các em đề xuất. Cuộc đời mình từng đối diện với những cánh cửa có khi tưởng như mất hết hi vọng nhưng rồi đã được mở bằng những chìa khóa yêu thương. Và câu lạc bộ sẽ là nơi mình cùng các em chia sẻ về những ước mơ cuộc đời, vượt qua khó khăn, học tốt hơn” - Xuân Bình cho biết.

Bình nói chưa từng nghĩ mình lại trở thành thầy giáo chứ nói gì làm tổng phụ trách Đội. Bởi ngày rời quê theo học công nghệ thông tin chỉ nghĩ cố gắng học, ra trường kiếm chỗ làm phù hợp ngành học đã là vui lắm.

Nhưng ngã rẽ bất ngờ lại đưa Bình đến và gắn bó với vai trò mới suốt ba năm qua. Anh được nhà trường cử đi học lớp nghiệp vụ sư phạm, trúng tuyển công chức và giờ vừa làm tổng phụ trách Đội vừa dạy tin học cho năm lớp với 10 tiết/tuần.

“Ngoài đi học, nhà trường để thầy Bình dự các buổi dạy của nhiều thầy cô khác nhằm trau dồi, tăng nghiệp vụ sư phạm.

Cái đáng quý là sự nhiệt tình, cái duyên của thầy với các em nên từ lúc thầy làm tổng phụ trách Đội, các hoạt động của học sinh sôi động hơn hẳn” - cô Phạm Thị Thủy, hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên, nhận xét.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên