19/04/2013 07:00 GMT+7

Hoạt động Đội cần dễ nhớ, dễ làm

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Một số anh chị nguyên là lãnh đạo Hội đồng Đội các thời kỳ cùng các tổng phụ trách, cán bộ Đoàn tại TP.HCM vừa góp ý xây dựng chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi TP.HCM giai đoạn 2013-2017.

m42TrDT1.jpgPhóng to
Giáo dục, rèn luyện để xây dựng tác phong người đội viên theo năm điều Bác Hồ dạy là mục tiêu của công tác Đội giai đoạn mới. Trong ảnh: đội viên TP.HCM trong hội thi nghi thức Đội toàn thành 2012 - Ảnh: Q.LINH

Làm sao mỗi thiếu nhi nghe đến tên hoạt động Đội đều hình dung được ngay sẽ làm gì. Chưa kể cần có cơ chế đặc biệt, quan tâm hơn đến đội ngũ làm công tác Đội, thiếu nhi. Đây chính là những phát biểu được nhiều người cùng trao đổi với Hội đồng Đội TP.HCM.

Đâu là trọng tâm?

Trong dự thảo chương trình do Hội đồng Đội TP chuẩn bị, năm phong trào lớn của công tác Đội và phong trào thiếu nhi TP dự định sẽ được thay bằng những tên gọi mới nhưng nội dung cơ bản vẫn bám sát năm điều Bác Hồ dạy.

Công trình măng non

Có hai phương án về công trình măng non của thiếu nhi TP giai đoạn 2013-2017. Phương án 1 xây tặng 10 khu vui chơi thiếu nhi cho trường học khó khăn, trường vùng biên giới, hải đảo. Phương án 2 xây tặng 50 ngôi nhà khăn quàng đỏ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Cả hai phương án này đều nhận được sự ủng hộ ngang nhau với những lý lẽ riêng. “Tôi cho rằng 50 căn nhà với tổng giá trị khoảng 2 tỉ đồng là hoàn toàn có khả năng thực hiện và nên làm vì sẽ có công trình để lại dấu ấn lâu dài” - phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM Nguyễn Hồng Hà phát biểu.

Đồng thuận với cách gọi mới song chị Phạm Thị Thanh Trà - bí thư Quận đoàn Tân Phú - băn khoăn liệu những phong trào vốn đã trở thành dấu ấn của tuổi nhỏ TP như Kế hoạch nhỏ, Nụ cười hồng (thiếu nhi cùng góp vào quỹ chung để hỗ trợ kịp thời cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo...) có tiếp tục được thực hiện! “Tôi chưa thấy đâu là phong trào “đinh”, đâu là sự khác biệt, dấu ấn thật sự của tuổi nhỏ TP so với phong trào chung của thiếu nhi cả nước” - chị Trà nêu ý kiến.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các tổng phụ trách lại cho rằng không nên thay đổi mà cần giữ lại tên gọi các phong trào như cũ vì “các tên gọi ấy đã trở thành thân quen, dễ nhớ với bao thế hệ thiếu nhi TP”. Anh Nguyễn Thiên Phúc - Trường THCS Lam Sơn (Q.6) - phát biểu: “Tôi nghĩ quan trọng nhất trong hoạt động Đội hiện nay phải là giáo dục sự trung thực cho thiếu nhi, cả trong học tập và những việc khác, phải xem trung thực là tiêu chí hàng đầu”.

Theo anh Phan Thanh Duẫn - Nhà Thiếu nhi TP.HCM, giáo dục thiếu nhi theo năm điều Bác Hồ dạy không chỉ là mục tiêu của từng giai đoạn, mà phải là hướng đi lâu dài và làm tập trung để bạn nhỏ nào cũng phấn đấu làm theo những lời dạy đó. Cạnh đó, anh Duẫn đề nghị giai đoạn mới nên tập trung nhiều hơn giáo dục kỹ năng cho các em, song song với việc đảm bảo các điều kiện vui chơi phát triển thể chất của tuổi nhỏ TP.

Trong khi đó, anh Đặng Hải Đăng - hội đồng huấn luyện Hội đồng Đội TP - đề nghị công tác Đội TP giai đoạn mới quan tâm nhiều đến xây dựng hình ảnh người đội viên vì theo anh “ngôn phong, tác phong, cả cách đeo khăn quàng của đội viên hiện nay đã khác trước nhiều, chưa kể nhiều em còn hay nói tục, chửi thề”. Còn bà Huỳnh Thị Thu Hương - trưởng khoa công tác Đội (Trường Đoàn Lý Tự Trọng) - góp ý nên chú trọng hơn đến hoạt động Đội tại địa bàn dân cư, nhất là với những bạn nhỏ trong các mái ấm, nhà mở không có điều kiện sinh hoạt, tìm hiểu về Đội.

Đầu tư con người

Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng Vũ Anh Tuấn đề nghị có chương trình xây dựng đội ngũ phụ trách Đội với chỉ tiêu cụ thể. “Lực lượng này phải được đào tạo bài bản về nghiệp vụ công tác Đội kết hợp chuyên môn sư phạm để đáp ứng yêu cầu công việc giai đoạn mới” - anh Tuấn phân tích.

Nguyên chủ tịch Hội đồng Đội TP Nguyễn Hồng Hà (hiện là phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM) mong muốn người làm tổng phụ trách Đội phải được đầu tư nâng cao, hoàn thiện tiêu chuẩn, chất lượng tập huấn, học tập chuyên môn phải được đặt ra với yêu cầu cao hơn. “Chúng ta có thể tham mưu thêm để Thành ủy, UBND TP có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, đưa tổng phụ trách Đội vào hoạt động thực tế nhiều hơn” - anh Hà gợi ý.

Cũng theo anh Nguyễn Hồng Hà, còn phải đầu tư mạnh hơn cho lực lượng phụ trách Đội tại địa bàn dân cư, kêu gọi sinh viên, đoàn viên các trường THPT cùng tham gia hỗ trợ hoạt động cho trường tiểu học, THCS, tại địa bàn nơi mình sinh sống thì phong trào thiếu nhi chắc chắn sẽ mạnh lên.

Một góc nhìn khác, bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Phan Ngọc Anh nêu vấn đề: “Tổng phụ trách Đội các trường THCS có khi nào thử ngồi lại với trường THPT để hỏi xem yêu cầu của các trường này thế nào với “đầu ra” chính là lực lượng đội viên đang sinh hoạt với mình không? Tôi nghĩ có thể từ những nhu cầu này chúng ta mới tính đến sẽ đào tạo, huấn luyện đội viên của mình cho hợp lý”.

Băn khoăn với cụm từ “trẻ em chưa ngoan”

Bà Huỳnh Thị Thu Hương - trưởng khoa công tác Đội (Trường Đoàn Lý Tự Trọng) - nói rất băn khoăn khi gần đây một vài nơi dùng cụm từ “trẻ em chưa ngoan”. Theo bà, dù có ám chỉ đến các bạn nhỏ hơi quậy phá, bướng bỉnh một chút nhưng đó là lứa tuổi đang hình thành nhân cách nên cách gọi như vậy sẽ là một sự đánh giá và như thế tội nghiệp các em.

Cùng ý kiến, anh Phan Thanh Duẫn - Nhà Thiếu nhi TP.HCM - đề nghị trong các văn bản chính thức nên thống nhất gọi là “trẻ em đặc biệt”. “Khái niệm này bao hàm cả trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ vào đời sớm, trẻ bệnh tật, bị lạm dụng, bóc lột sức lao động... Đây cũng là cách dùng từ được nhiều văn bản, tổ chức về trẻ em của quốc tế thống nhất sử dụng gần đây” - anh Duẫn thông tin.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên