31/03/2021 05:47 GMT+7

Cảnh báo: Thực phẩm hút chân không có thể gây ngộ độc cho người dùng

CẨM NƯƠNG - LAN ANH
CẨM NƯƠNG - LAN ANH

TTO - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là vụ ngộ độc botulinum sau bữa ăn tại khu vực miếu Chiêu Liêu ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương làm 6 người nhập viện, trong đó có 1 người tử vong.

Cảnh báo: Thực phẩm hút chân không có thể gây ngộ độc cho người dùng - Ảnh 1.

Dùng thực phẩm tự đóng gói bằng hút chân không thật cẩn thận - Ảnh: ĐỨC DUY

Việc chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách đang là mối nguy rất lớn, gây nhiễm độc tố chết người botulinum..

Vô tư đóng gói hút chân không

Túi hút chân không được người dùng đánh giá là sản phẩm giúp bảo quản thực phẩm hiệu quả trong một thời gian nhất định. Thế nhưng nếu sử dụng không đúng cách, không đủ điều kiện tiệt trùng theo quy định thì có thể sinh ra vi khuẩn nguy hiểm trong môi trường yếm khí, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, túi hút chân không thực phẩm được bày bán khá phổ biến. Chỉ từ 70.000 - 120.000 đồng đã có thể mua được sản phẩm với vô số hình thức như cân ký, bán theo cuộn, theo bịch đủ mọi kích cỡ. Và chỉ cần 500.000 đồng là các bà nội trợ đã mua được một chiếc máy hút chân không mini.

Chị N.T.K. (nhân viên một cửa hàng bao bì ở quận 6) cho biết mỗi ngày cơ sở bán ra cả trăm ký bao bì hút chân không. "Mặt hàng này rất đắt khách vì tiện dụng, có khách đến mua cả chục ký về để dành xài cho gia đình. Cửa hàng còn bán cả máy hút chân không để phục vụ nhu cầu của khách hàng", chị K. cho biết.

Thị trường online (bán hàng trên mạng) sôi nổi không kém khi chỉ cần tìm kiếm từ khóa "túi hút chân không" là hàng loạt các đường liên kết hiện ra, từ các trang thương mại điện tử đến các fanpage, các group trên mạng xã hội.

Là nhân viên văn phòng không có nhiều thời gian cho việc đi chợ, chị Lê Ngọc Trúc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết chị thường tự đặt mua các loại túi chân không trên mạng để bảo quản thức ăn nhiều ngày. "Vì mình chỉ đi chợ mỗi tuần hai lần, nên các thực phẩm như cá, thịt heo, thịt bò mình thường cho vào túi hút chân không để bảo quản, giữ được độ tươi lâu hơn, khi cần dùng cũng không tốn thời gian rã đông như khi đông lạnh thực phẩm", chị Trúc nói.

Việc dùng túi "hút chân không" mà các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trước đó.

Cảnh báo: Thực phẩm hút chân không có thể gây ngộ độc cho người dùng - Ảnh 2.

Một bệnh nhân ngộ độc botulinum đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: D.PHAN

Cẩn trọng cách bảo quản trong môi trường yếm khí

Bà Trần Việt Nga - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết độc tố botulinum sinh ra trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm trong môi trường yếm khí (đóng hộp, hút chân không) không bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có chế biến tại nhà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-3, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết vừa nhận báo cáo từ Kon Tum cho biết có thêm ca ngộ độc nghi do botulinum. Đây là trường hợp độc lập với nhóm ca bệnh xuất hiện giữa tháng 3 và người bị ngộ độc cũng ăn cá suối muối trong âu đậy kín.

Đây là vụ ngộ độc thứ 3 nghi do botulinum trong tháng 3 này, gồm 2 vụ ở Kon Tum, 1 vụ ở Bình Dương.

Chuyên gia Cục An toàn thực phẩm lưu ý các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Bởi khi không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng thực phẩm được đóng gói kín sẽ có nguy cơ sinh ra độc tố botulinum gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.

Túi hút chân không được biết là một phương pháp đóng gói thực phẩm, loại bỏ không khí ra ngoài, túi thường được làm bằng PA+PE (nhựa nguyên sinh) đặc tính mềm, dẻo hoặc PET+PE có độ giòn hơn, với mục đích kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Hút chân không coi chừng sinh độc tố botulinum

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết các cơ quan chức năng của Bình Dương đã lấy 16 mẫu chả (loại đóng gói túi hút chân không) và patê chay để gửi kiểm nghiệm.

Ông Phong đã yêu cầu các cơ quan kiểm nghiệm kiểm tra và làm rõ nhanh nhất nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc này.

Ngộ độc do độc tố botulinum là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu cứu chữa được cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp, người liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.

Ăn cua mặt quỷ, một người bị ngộ độc nguy kịch Ăn cua mặt quỷ, một người bị ngộ độc nguy kịch

TTO - Ngư dân 46 tuổi ở Thanh Hóa vừa được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngộ độc nặng, ngừng tim sau khi ăn cua mặt quỷ.

CẨM NƯƠNG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên