03/11/2018 10:56 GMT+7

Căng thẳng thương mại thúc làn sóng 'di nhà máy' từ Trung Quốc sang VN

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy các công ty nước ngoài rời Trung Quốc đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, VN khó được hưởng lợi hoàn toàn từ căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Căng thẳng thương mại thúc làn sóng di nhà máy từ Trung Quốc sang VN - Ảnh 1.

Gỗ nội thất của VN có thể được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: N.BÌNH

Tại hội thảo Vietnam Business Outlook 2019 được tổ chức chiều 2-11 ở TP.HCM, ông Mai Hữu Tín, chủ tịch tập đoàn U&I, cho biết đã có 3 làn sóng "di doanh nghiệp" của Trung Quốc sang Việt Nam diễn ra thời gian qua.

Làn sóng đầu tiên được bắt đầu cách đây khoảng 8 năm gắn với việc giá nhân công nước này tăng cao, ưu thế giá rẻ không còn. 

Làn sóng thứ 2 là khi Trung Quốc bắt đầu siết mạnh các quy định về môi trường, đóng cửa nhiều nhà máy không tuân thủ, đảm bảo chất lượng 2 năm trước, chủ yếu rơi vào ngành giấy, nhựa. 

Và bây giờ là làn sóng thứ 3 với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, tiến trình dịch chuyển của nhà đầu tư diễn ra nhanh hơn nhằm tránh đòn thuế mà Mỹ đang áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc. 

Theo ông Tín, thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt nam thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Họ không hẳn mua doanh nghiệp Việt mà chọn những doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động ở thị trường này để đầu tư do quy mô các doanh nghiệp  còn khá nhỏ. 

Việc đánh thuế thương mại lên hàng hoá Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cho không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc, các nhà đầu tư quốc tế đang có cơ sở sản xuất, nhà máy ở Trung Quốc cũng hối hả đi tìm nơi trú ngụ mới ở các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Thời gian gần đây, một đoàn doanh nghiệp Đức ở Trung Quốc đã có mặt tại TP.HCM và cho biết đang quan tâm đến việc chuyển các hoạt động kinh doanh sang Việt Nam. 

Tương tự, nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang xúc tiến tìm hiểu thị trường Việt Nam sẵn sàng cho việc dịch chuyển này.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch của Việt Nam với thế giới.

Do đó, theo ông Tự Anh, khi chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia này diễn ra, Việt Nam sẽ lâm vào cảnh bất lợi nhiều hơn là hưởng lợi. Điều này đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp xuất khẩu, họ đứng trước tình huống việc xuất khẩu sẽ khó khăn hơn.

Nếu Mỹ áp thêm thuế cho 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ thì cơ cấu của nhóm hàng bị áp thuế có thể là: 20% là máy móc thiết bị cơ khí, 25% là máy móc thiết bị điện tử và 17% là đồ gỗ nội thất. Việt Nam chỉ có lợi khi có khả năng xuất khẩu những mặt hang tương tự như vậy.

Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ, số hàng tương tự chỉ có khoảng 13 tỉ USD hàng hoá, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 37%, nông thủy sản chiếm 20% và thiết bị điện 14%..., không có hàng dệt may, da dày là hai lĩnh vực xuất khẩu mạnh nhất.

"Việt Nam chỉ được hưởng lợi từ một vài mặt hàng xuất khẩu nào đó nhưng không đáng so với những gì Việt Nam sẽ mất từ cuộc chiến thương mại này. Nếu Việt nam chỉ chú tâm vào căng thẳng thương mại thì sẽ nhỡ cuộc chơi lớn hơn rất nhiều. Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài, sẽ định hình lịch sử thế giới trong thế kỷ 21, do đó tác động rất ghê gớm", ông Tự Anh lưu ý.

Các chuyên gia cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc sẽ có tác động hai mặt đến VN. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đề ra là 6,7% trong năm 2018, VN không nên bận tâm quá nhiều về các tác động này.

Chính phủ VN cần tập trung nỗ lực cải cách, tận dụng những lợi thế đang có để phát triển kinh tế, không nên quá lạc quan về cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại này, thay vào đó hãy xem xét hiện trạng của mình để tăng tốc.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên