12/10/2022 09:22 GMT+7

Căng thẳng giá điện ở Đức

NGUYEN, P. (từ Frankfurt, Đức)
NGUYEN, P. (từ Frankfurt, Đức)

TTO - Hơn một thập niên qua, Đức vẫn luôn là một trong những nước có giá điện cao nhất thế giới. Nhưng kể từ đầu năm 2022 giá điện đã "tăng tốc" mạnh hơn khiến rất nhiều người lo lắng.

Căng thẳng giá điện ở Đức - Ảnh 1.

Việt Nam đứng thứ 46/50 nước có giá điện thấp nhất thế giới, chúng tôi trích dẫn để bạn đọc có cái nhìn tương quan so sánh - Nguồn: Global Petrol Prices - Dữ liệu: P.Nguyễn - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Thực tế, giá điện ở Đức cao hơn gần ba lần so với mức trung bình quốc tế, theo phân tích của Công ty Verivox về giá điện toàn cầu năm 2021. Tới tháng 10-2022 giá điện tại các bang ở Đức đồng loạt tăng vọt thêm 50% so với các tháng đầu năm trước đó, theo báo cáo từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Đức (Verbraucherzentrale). 

Trong các nhóm chat của cộng đồng người Việt tại Đức, mọi người chia sẻ với nhau tâm tư lo lắng khi giá điện đang ngốn quá nhiều ngân sách của mỗi gia đình.

Cao gấp 4 lần Việt Nam

Cũng như nhiều gia đình tại TP Neu-isenburg, đầu tháng 8-2022, nhà ông bà Wieck (đã nghỉ hưu) nhận được thông báo của Công ty điện lực Stadtwerke cho biết giá điện sẽ tăng từ ngày 1-10, từ mức 24,57 cent/kWh (6.000 đồng/kWh) lên 35,00 cent/kWh (8.400 đồng/kWh). Như vậy giá điện mới cao gấp khoảng 4 lần giá điện hiện tại ở Việt Nam.

Nhưng dù thế, so với mặt bằng chung, giá điện của Stadtwerke tại Neu-isenburg cho các hộ gia đình như ông bà Wieck vẫn còn thấp so với nhiều công ty khác.

Trong khi đó nhiều TP lớn và cũng là các trung tâm công nghiệp như Frankfurt, Hamburg, Munchen, Stuttgart... giá điện bị đẩy lên tới 50 cent/kWh (hơn 12.000 đồng/kWh). Theo đó, mức giá điện trung bình trên toàn nước Đức từ tháng 10 sẽ là 45 cent/kWh (11.000 đồng/kWh), theo Verivox. Đây có thể nói là mức tăng kỷ lục chưa từng có tại Đức.

Bởi thế, dù thuộc diện được ưu đãi về giá điện, nhưng với mức tăng thêm đó, từ tháng 10 này ông bà Wieck vẫn phải trả thêm 42% tiền điện so với trước. Nếu trước đây họ trả khoảng 90 euro/tháng (2,16 triệu đồng) thì giờ có thể phải trả 128 euro/tháng (3,1 triệu đồng), và mức phải trả thêm một năm là hơn 456 euro (gần 11 triệu đồng).

Điều này khá trùng khớp với số liệu trong báo cáo mới nhất của Verbraucherzentrale, khi mỗi hộ gia đình từ tháng 10-2022 sẽ phải trả thêm trung bình khoảng 350 euro/năm chỉ cho điện, chưa kể sẽ phải trả thêm trung bình 300 euro/năm cho khí đốt sưởi.

Hai khoản tăng thêm này đã chiếm hơn 1/3 thu nhập trung bình một tháng theo đầu người của 2/3 dân số Đức theo báo cáo tháng 10 về thu nhập sau thuế của Cơ quan thống kê Liên bang Đức Statistisches Bundesamt.

Căng thẳng giá điện ở Đức - Ảnh 2.

Nguồn: Verivox - Dữ liệu: P.Nguyễn - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Vì sao giá điện tăng?

Giá điện cao không chỉ do nguồn cung khí đốt khan hiếm, dù đây là động lực đáng kể thời gian qua. Nhìn vào cách tính giá điện tại Đức, nhiều người bàng hoàng khi chiếm tới 51% giá điện là các loại thuế, nghĩa vụ và lệ phí đổ lên người tiêu dùng. Tiếp đến 25% phí cho bên bán điện, và 24% trả cho việc sử dụng lưới điện của nhà điều hành cung cấp lưới điện.

Với cách tính này, giá điện hằng năm cho tới năm 2021 ở Đức đã liên tục tăng. Phụ phí EEG (viết tắt của "Đạo luật nguồn năng lượng tái tạo") để thúc đẩy năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lớn nhất (chiếm 20% giá điện) đã làm tăng giá điện. Khoản phụ phí đã tăng lên đáng kể sau khi triển khai vào năm 2003. Kết quả là giá điện ngày nay tăng gấp ba lần so với năm 2000. Nhưng từ mùa thu năm 2021 thì yếu tố thúc đẩy giá điện lớn nhất lại bắt nguồn từ giá bán buôn của nhà cung cấp mạng lưới điện trên sàn giao dịch liên tục nhảy số khó kiểm soát.

Đặc biệt đến tháng 3-2022, sau khi nổ ra chiến tranh tại Ukraine, giá điện trong các tháng sau đó liên tiếp nhảy vọt theo chiều thẳng đứng. Vì giá điện ở Đức bị chi phối bởi giá điện sản xuất từ khí đốt, mà 55% nguồn khí đốt tự nhiên sử dụng ở Đức năm 2021 được nhập từ Nga qua đường ống Nord Stream 1. Chính sự phụ thuộc này đã khiến giá điện ở Đức tăng khó kiểm soát khi chiến sự tại Ukraine ngày càng phức tạp. Những đòn trừng phạt kinh tế qua lại giữa Nga và châu Âu khiến nguồn cung khí đốt bị cắt giảm và gián đoạn vô thời hạn với lý do bảo trì đường ống Nord Stream 1.

Việc giá điện tại Đức nói riêng và toàn châu Âu nói chung tiếp tục tăng hay giảm thời gian tới sẽ phụ thuộc đáng kể vào tình hình chiến sự tại Ukraine, hoặc vào việc Chính phủ Đức có thể tìm ra các nguồn nguyên liệu sản xuất điện khác thay cho khí đốt nhập từ Nga hay không. Tuy nhiên để tránh tình trạng giá điện leo thang khó kiểm soát trong trước mắt, Chính phủ Đức đã và đang tung ra nhiều gói cứu trợ năng lượng nhằm cứu vãn tình hình từ tháng 6-2022 tới hết năm 2023.

Đức hỗ trợ người dân chi phí năng lượng

hinh anh chat trong nhom 1(Read-Only)

Một vài trao đổi của các thành viên trong nhóm chat của cộng đồng người Việt tại Đức về giá điện tăng từ tháng 10-2022 - Ảnh chụp màn hình

Đức đang khẩn trương thực hiện kế hoạch trị giá 93 tỉ USD để giảm bớt áp lực cho người dân trước tình trạng giá khí đốt tăng cao. Ủy ban các chuyên gia Chính phủ Đức ngày 10-10 cảnh báo tình hình nguồn cung khí đốt trong mùa đông vẫn căng thẳng ngay cả khi đã dự trữ đầy.

Theo Hãng tin Reuters, ủy ban đề xuất cấp cho hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ và vừa một khoản hỗ trợ một lần trị giá bằng hóa đơn khí đốt của một tháng trong năm nay, và một cơ chế để giới hạn giá kể từ tháng 3-2023. Đề xuất của ủy ban cũng nhằm kiềm chế lạm phát.

Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ được chi trả bằng gói cứu trợ 194 tỉ USD mà chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz công bố vào tháng trước.

ANH THƯ

Nga tuyên bố đóng đường ống khí đốt, Đức chi 65 tỉ euro chống lạm phát Nga tuyên bố đóng đường ống khí đốt, Đức chi 65 tỉ euro chống lạm phát

TTO - Ngày 4-9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố quốc gia của ông sẽ chi thêm 65 tỉ euro (khoảng 64,7 tỉ USD) để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi lạm phát tăng vọt.

NGUYEN, P. (từ Frankfurt, Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên