Các kỹ sư trực chiến 24/24 giờ tại Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM - Ảnh: VĂN BÌNH
Chúng tôi đã có một ngày ghi nhận lại công việc của các kỹ sư ngay tại trung tâm giao thông thông minh này.
Những tiếng tít, tít, tít...
6h30, chúng tôi đến tầng 3 của tòa nhà điều hành Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn - nơi đây được coi là "bộ não giám sát giao thông thông minh" với Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM (gọi tắt là trung tâm).
Trước mắt chúng tôi là một căn phòng rộng khoảng 200m2 với 48 màn hình lớn. Những màn hình được lắp ráp thành 4 khu vực gồm: khu vực giám sát camera giao thông, khu vực giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, khu vực giám sát điều khiển đèn tín hiệu giao thông và khu vực xử lý vi phạm.
Ở giữa căn phòng là đội ngũ kỹ sư ngồi trên ghế xoay giám sát tất cả các màn hình trên tường. Mỗi người được trang bị đầy đủ máy tính, điện đàm, hotline, các thiết bị điều khiển... 7h sáng, bắt đầu một ca làm việc mới (trực 24/24 giờ). Không gian trong căn phòng làm việc êm ả bỗng vang lên âm thanh "tít, tít, tít..." trên màn hình một máy vi tính.
Một kỹ sư phụ trách liền mở camera xem. Anh thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện đó chỉ là tín hiệu báo về việc một chiếc xe máy gặp sự cố và tự khắc phục được. Sau khi kiểm tra, anh kỹ sư thông báo qua điện thoại cho các đơn vị khác: "Sự cố đã được giải quyết!".
9h15, bỗng nhiên một loạt tiếng "tít, tít, tít..." báo hiệu lại vang. Ngay lập tức các kỹ sư dán mắt vào màn hình có mũi tên đỏ chỉ vào một chiếc ôtô dưới 5 tấn bị sự cố chết máy trong đường hầm sông Sài Gòn. Nhiều xe di chuyển phía sau bắt đầu bị dồn ứ, di chuyển chậm chạp bên làn ôtô còn trong hầm.
Anh Võ Tấn Nghĩa - trưởng ca điều hành - lập tức xác nhận sự cố, yêu cầu đội hỗ trợ trực tiếp tại Trung tâm đường hầm sông Sài Gòn điều một xe cứu hộ để kéo xe bị chết máy ra khỏi hầm. Kỹ sư Nguyễn Minh Thảo liên tục điện đàm, quan sát, sẵn sàng thông báo để nhờ lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ kịp thời. Qua camera, đội hỗ trợ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, điều tiết xe qua hầm để giảm ùn ứ. 15 phút sau, sự cố được giải quyết, xe cộ lưu thông bình thường.
18h30, trời sập tối, khi các kỹ sư chuẩn bị vào bữa cơm chiều, trên màn hình khu vực giám sát camera và đèn tín hiệu giao thông báo sự cố gồm một trụ đèn tín hiệu có màu vàng (cảnh sát giao thông tự điều chỉnh chu kỳ đèn) và một trụ đèn có màu đỏ (đèn bị tắt, xảy ra tại giao lộ Mai Chí Thọ - Lương Định Của, Q.2) đã mất kết nối về trung tâm.
Sau khi các kỹ sư kiểm tra, thông báo, 15 phút sau một xe cứu hộ do Trung tâm chiếu sáng công cộng điều động đã chở 5 kỹ sư, công nhân đến khắc phục sự cố, giúp giao thông ổn định trở lại.
Anh Trần Văn Hiếu - phó trưởng phòng quản lý hạ tầng duy tu Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn - cho biết từ khi đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP (đầu năm 2019), quá trình xử lý các sự cố trở nên nhanh chóng hơn trước rất nhiều.
Tính riêng khu vực sân bay, từ khi trung tâm đưa vào vận hành đến nay, các sự cố giao thông đã giảm rõ rệt, hiếm khi xảy ra kẹt xe kéo dài như những năm trước.
Sau khi nhận tin báo sự cố từ các kỹ sư, Trung tâm chiếu sáng công cộng đã điều xe, công nhân đến sửa các đèn tín hiệu tại giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch (Q.2) - Ảnh: VĂN BÌNH
Phát hiện sớm, xử lý nhanh sự cố
Theo Sở GTVT TP.HCM, đơn vị này đang quản lý hơn 752 camera trên địa bàn TP. Trong đó số lượng camera do sở lắp đặt là 552, còn lại là kết nối và chia sẻ với các đơn vị phối hợp như Công an TP, camera khu vực Phú Mỹ Hưng... Toàn bộ số camera này phủ khắp các khu vực trọng điểm như sân bay, trung tâm TP...
Thông qua giám sát camera, tiếp nhận thông tin từ người dân, kênh VOV giao thông, trung tâm sẽ tổng hợp thông tin và kiểm chứng, từ đó người vận hành sẽ thông báo cho nhóm trưởng vận hành để thông báo lại cho người điều tiết.
Để quản lý toàn hệ thống có 15 kỹ sư được chia tổ điện, tổ công nghệ thông tin, tổ kỹ thuật giao thông, một trưởng ca điều hành chịu trách nhiệm. Khi có tai nạn giao thông, trung tâm lập tức báo cho Phòng cảnh sát giao thông Công an TP điều lực lượng phối hợp.
Trong các dịp lễ, tết vừa qua, với lưu lượng giao thông tăng và khi xảy ra ùn tắc, hệ thống lập tức đưa ra các phương án giải quyết, gợi ý kịch bản điều khiển giao thông, từ đó tránh được rất nhiều vụ ùn ứ, kẹt xe. Ngoài việc gợi ý các kịch bản giao thông, hệ thống cũng gợi ý kịch bản giải tỏa giao thông tại các nút giao thông lân cận.
Nhờ hệ thống điều hành giao thông thông minh, việc giải quyết ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái thời gian qua đã tốt hơn so với cách làm cũ phải bố trí từng cảnh sát giao thông tại từng chốt đèn. Ví dụ ở khu vực sân bay cần ưu tiên cho một phái đoàn ngoại giao di chuyển, ngay lập tức các kỹ sư từ trung tâm quan sát camera sẽ điều chỉnh "làn sóng xanh" đèn tín hiệu giao thông trên toàn tuyến đường nên xe di chuyển nhanh hơn.
Theo các kỹ sư tại trung tâm, thông qua hệ thống giao thông thông minh, khi xảy ra sự cố giao thông, trung tâm sẽ phối hợp với các lực lượng và chỉ cần khoảng 5 phút là cảnh sát giao thông đã có mặt để giải quyết vụ việc, từ đó tránh được nguy cơ gây ra ùn ứ, kẹt xe rất nhiều.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống
Ông Đoàn Văn Tấn - giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị quản lý Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM - cho biết hệ thống giao thông thông minh TP.HCM đã cung cấp kịp thời về tình hình giao thông ở TP.HCM trên các tuyến đường như kẹt xe, tai nạn để các cơ quan chức năng xử lý, người dân chọn hướng đi phù hợp. Cũng nhờ hệ thống này mà các cơ quan chức năng nhanh chóng phối hợp kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở TP.
"Chúng tôi sẽ tham mưu Sở GTVT kiến nghị UBND TP cần tiếp tục đầu tư bổ sung mở rộng hệ thống giám sát giao thông này. Hiện nay mới có 216/1.100 chốt tín hiệu giao thông kết nối về trung tâm. Tương tự, cả TP mới có khoảng 700 camera giám sát giao thông nên vẫn còn nhiều tuyến đường và khu vực chưa có camera giám sát" - ông Tấn giải thích thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận