28/12/2023 12:46 GMT+7

Căng như kiểm tra học kỳ - Kỳ 2: Vì sao vẫn 'lối cũ ta về'?

Áp lực thành tích, thói quen chưa kịp thay đổi và nhiều nguyên nhân khác khiến cách kiểm tra, đánh giá học sinh vẫn chưa được "mới" như yêu cầu, mục tiêu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông mới.

  

Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá phải diễn ra song song với đổi mới phương pháp dạy và học.  Trong ảnh: học sinh lớp 10A13 Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM) diễn trích đoạn kịch vở “Lệ Chi Viên” - một sản phẩm trong dự án dạy học phát triển năng lực “Dòng chảy văn học” - Ảnh: Trần Huy

Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá phải diễn ra song song với đổi mới phương pháp dạy và học. Trong ảnh: học sinh lớp 10A13 Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM) diễn trích đoạn kịch vở “Lệ Chi Viên” - một sản phẩm trong dự án dạy học phát triển năng lực “Dòng chảy văn học” - Ảnh: Trần Huy

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) đã đi đến năm thứ tư với nhiều điểm mới rất đáng ghi nhận, nhưng việc kiểm tra đánh giá chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, chưa góp phần phát huy được năng lực và phẩm chất học sinh.

Nhiều tầng áp lực

Ghi nhận của Tuổi Trẻ ở không ít trường THCS và THPT, việc ôn thi học kỳ 1 vẫn diễn ra theo quy trình "cũ": học sinh được phát đề cương ôn thi, cố gắng ghi nhớ tất cả những thông tin trong đề để làm bài kiểm tra học kỳ.

Ví dụ, môn học tiếng Anh ở một trường THPT tại TP.HCM, học sinh vẫn được ôn theo kiểu phát đề ôn thi, ghi nhớ ngữ liệu, các dạng bài tập... Và hình thức kiểm tra với hầu hết các môn lấy điểm là tự luận và trắc nghiệm.

Giải thích về điều này, một giáo viên tiếng Anh cho biết: "Ở môn tiếng Anh, nếu để kiểm tra năng lực học sinh tốt nhất trong phần nghe thì đề phải đáp ứng việc nghe ngẫu nhiên bất cứ đoạn hội thoại, thuyết trình, diễn thuyết nào đúng với yêu cầu của chương trình.

Tương tự, nếu kiểm tra ngữ pháp hay đọc hiểu, chúng tôi được phép lấy bất cứ trích đoạn nào mang tính chính thống. Nhưng chúng tôi vẫn phải có sự khoanh vùng, hay nói đúng hơn là cho học sinh ôn gì thi nấy".

Cũng theo giáo viên này, giáo viên hầu như không được yêu cầu phải sáng tạo trong ra đề, mà nếu có sáng tạo thì cũng chưa chắc được sử dụng.

Một giáo viên bậc THCS cũng tiết lộ trong bối cảnh học nhiều bộ sách giáo khoa và hướng dẫn của phòng giáo dục và đào tạo là "phải đa dạng hóa ngữ liệu", các trường chỉ còn tìm cách "đối phó" trong kiểm tra đánh giá học sinh.

"Kiểm tra đánh giá theo cách mới đương nhiên sẽ khó khăn, gập ghềnh và đặc biệt phải chấp nhận cả những kết quả tệ nhất. Giáo viên chúng tôi sẵn sàng chấp nhận nhưng phụ huynh, học sinh có chấp nhận không? Nếu kết quả thi cử bỗng dưng thấp một cách "không tưởng", phụ huynh học sinh sẽ không chịu nổi, học sinh cũng sẽ không chịu nổi.

Đặc biệt, nhà trường càng không chịu nổi vì học sinh không có kết quả tốt thì sẽ khiến thành tích của nhà trường giảm sút" - giáo viên này phân tích.

Vẫn chủ yếu... tự bơi

Nhiều giáo viên cho biết họ rất bối rối khi thay đổi cách kiểm tra đánh giá trong bối cảnh chương trình hiện nay.

Theo một giáo viên môn ngữ văn tại TP.HCM, cô có nhận được công văn của sở, được tập huấn lại về cách kiểm tra, đánh giá từ cấp trên nhưng tất cả chỉ là lý thuyết, chung chung nên cô và nhiều đồng nghiệp rất khó thực hiện. Điều đáng nói nhất là giáo viên không thể tự bơi trong khi định hướng và đánh giá đầu ra của mỗi môn học chưa có.

"Tôi ví dụ trước đây bài học yêu cầu học sinh đạt được kiến thức gì, giáo viên theo đó chỉ cần kiểm tra kiến thức là biết các em có đạt được hay không. Nay yêu cầu đánh giá nói rằng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nhưng chương trình lại không có đầu ra cho mỗi môn học, mỗi bài học phải đạt được phẩm chất năng lực gì, giáo viên chúng tôi cũng bối rối chưa biết đánh giá thế nào cho đúng" - cô giáo này nói.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM phân tích khác biệt lớn nhất trong việc kiểm tra đánh giá của chương trình 2018 với chương trình 2006 là sự đa dạng hóa về cách thức, nội dung và hình thức để đánh giá được học sinh theo năng lực và phẩm chất của người học thay vì kiểm tra, ghi nhớ tái hiện các kiến thức cụ thể.

Về hình thức, việc kiểm tra đánh giá cũng cần đa dạng hóa. Bên cạnh các bài kiểm tra tự luận, trắc nghiệm, xen kẽ tự luận và trắc nghiệm, học sinh cần được đánh giá bằng việc thực hành các dự án, thuyết trình... Điều đó nhằm đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh trong việc áp dụng kiến thức vào thực tế, giải quyết vấn đề của đời sống.

"Muốn các trường, giáo viên thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá thì phải thay đổi phương pháp dạy học, thay đổi thói quen lệ thuộc vào sách giáo khoa. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có dự thảo về định hướng đánh giá đầu ra của từng môn học và cả từng bài học, chương học cụ thể.

Mô hình kiểm tra đánh giá phải được tập huấn đến từng giáo viên, các hình thức kiểm tra đánh giá cũng cần được cụ thể hóa" - vị này nói.

Không có mẫu chung

Theo phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tập huấn về ra đề thi theo ma trận nhưng chưa ai làm, chỉ là phần lý thuyết nên giáo viên không biết phải ra đề thi và đánh giá thế nào.

Theo chương trình cũ, giáo viên đã có ngân hàng câu hỏi dùng chung nhưng hiện nay chuyển sang cách đánh giá theo chương trình 2018, nếu giáo viên kiểm tra đánh giá học sinh bằng bài trắc nghiệm, tự luận thì các trường phải tự chuẩn bị, đáng nói là chưa có mẫu chung.

Vì chưa có cái chung nên việc kiểm tra đánh giá sẽ theo chủ quan của mỗi trường. Trường này dạy thế này thì đánh giá thế này, trường kia dạy thế kia thì sẽ đánh giá thế kia...

Trở ngại điểm số trong học bạ

Việc kiểm tra đánh giá theo chương trình 2018 sẽ thêm gặp khó khăn vì điểm số vẫn là tiêu chí để làm đẹp học bạ. Tổ trưởng bộ môn toán một trường THPT tại TP.HCM chia sẻ với Tuổi Trẻ vì học sinh vẫn cần điểm số cao trong học bạ nên nhà trường phải tạo điều kiện cho học sinh.

Nên từ khi thực hiện đánh giá chương trình 2018, nếu đánh giá học sinh theo dự án mà điểm học sinh không cao thì trường sẽ không đánh giá bằng cách đó nữa mà sẽ tổ chức đánh giá bằng cách khác để học sinh cải thiện điểm.

Xôn xao đề văn "bốc phốt" thầy đồ

Đề kiểm tra môn văn lớp 8 của Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM gây tranh luận trái chiều - Ảnh chụp màn hình

Đề kiểm tra môn văn lớp 8 của Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM gây tranh luận trái chiều - Ảnh chụp màn hình

Đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 8 học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 của Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) hôm 26-12 gây xôn xao dư luận vì lấy ngữ liệu là truyện cười về mối quan hệ thầy trò trong xã hội xưa.

Ông Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, nhận định chương trình lớp 8 ở học kỳ 1 học sinh đang học truyện cười, vì vậy giáo viên ra đề tìm truyện cười thì phù hợp với mặt thể loại và chương trình.

Theo ông Bảo, việc chọn ngữ liệu để đưa vào đề thi đối với giáo viên nói chung là rất khó. Trong khi đó, các truyện cười thường mượn tiếng cười để phê phán những thói xấu trong xã hội, từ đó giúp học sinh nhận biết cái xấu, thói xấu để tránh và bồi dưỡng những thói quen, hành vi đẹp.

Tuy vậy, ông Bảo cũng thừa nhận nguồn ngữ liệu trong đề kiểm tra này là chưa ổn. "Đề thi không sai nhưng với lứa tuổi học sinh thì sẽ gây ra cho các em có những cái nhìn lệch lạc về người thầy" - ông Bảo nói.

ThS Trần Lê Duy, giảng viên khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cũng nhìn nhận nội dung của đề văn kiểm tra học kỳ 1 không bôi xấu nhà giáo như một số người nghĩ. Ông cho rằng để có thể sáng tạo trong đề thi nhưng vẫn đạt được mục đích ra đề và đề đúng, trúng, giáo viên cần tuân thủ năm nguyên tắc.

Thứ nhất, kỹ thuật ra đề phải có bảng đặc tả trước khi ra đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo có mẫu và hướng dẫn ra đề. Hỏi theo chuẩn đầu ra.

Thứ hai, đó là nguyên tắc tìm ngữ liệu. Tìm ngữ liệu không dễ nhưng không quá khó. Về nguyên tắc phải chọn ngữ liệu có uy tín, tức là giáo viên nên chọn ngữ liệu từ những nguồn tin cậy. Muốn vậy, giáo viên cần chịu khó đọc, tra cứu và thẩm định kỹ.

Thứ ba, giáo viên cần chú ý độ khó của ngữ liệu. Đối với ngữ liệu có độ khó phải tương đương các văn bản trong sách giáo khoa. Ngữ liệu phải đạt tính thẩm mỹ, hướng con người tới cái đẹp cái hay, có tính giáo dục.

Thứ tư, người ra đề phải xử lý ngữ liệu, đối với những văn bản tương đối khó thì có thể ghi chú, giải thích cho học sinh, cung cấp thêm thông tin.

Thứ năm, giáo viên ra đề cần đặt bản thân vào vị trí của học sinh để đề đạt tính phân loại, vừa tầm nhận thức và tâm lý.

(còn tiếp)

Con kiểm tra học kỳ, cha mẹ bấn loạnCon kiểm tra học kỳ, cha mẹ bấn loạn

Hai tuần trở lại đây, ngày nào anh Hưng cũng bấn loạn với đống bài ôn tập kiểm tra học kỳ 1 của cậu con trai đang học lớp 7, tới tận 11, 12h đêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên