Do vậy, không ít bạn trẻ càng bị ngăn cấm càng quyết tâm làm theo ý mình.
Trên Facebook, một số trang đã được lập (fanpage) với hàng ngàn lượt thích như “Hội những người con muốn bố mẹ hiểu mình hơn” hay “Hội gửi bố mẹ của con”, “Hội những người con muốn tự do”... thể hiện tâm tư của những đứa con mong muốn cha mẹ chia sẻ và thấu hiểu hơn thay vì buông những lời cấm đoán nghiêm khắc.
Sợ con hư hay không tin con?
Bạn T.P.N. (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang) đang làm cộng tác viên tổ chức sự kiện cho một công ty. Bạn vừa may mắn thoát khỏi vụ tai nạn cách đây hơn năm tháng.
N. kể: “Hôm đó chương trình kết thúc trễ, tôi phải ở lại dọn dẹp sân khấu. Lúc đó tôi rối lắm vì biết mẹ tuyệt đối cấm con cái không được về nhà trễ sau 22g. Mẹ tôi gọi điện thoại liên tục, cứ khoảng năm phút lại điện thoại một lần và nhiều khi la vì cho rằng tôi ra ngoài chơi bời. Dù giải thích với mẹ do tính chất công việc nhưng dường như mẹ không thể thông cảm. Sau đó trời mưa nhưng tôi vẫn phóng xe ào ào chạy về nhà nên không may gặp tai nạn”.
May mắn N. không bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng từ tai nạn hôm đó, N. ít nói hẳn. Bạn chia sẻ khó có thể gần gũi ba mẹ hơn được và buồn bã nói: “Mình chỉ đang đợi ngày lấy chồng và thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình”!
Trong khi đó, bạn N.C.T. (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) kể tuy đã trưởng thành nhưng vẫn chưa được làm chuyện gì theo chủ ý. Cha mẹ T. cho rằng T. còn nhỏ và cần thời gian để tự lập.
“Tôi có nhiều dự định cho tương lai như muốn cùng một người bạn bán quần áo trên mạng nhưng ba mẹ ngăn cấm quyết liệt. Khi hỏi lý do, ba mẹ chỉ nói tôi còn nhỏ, ra đường kiếm tiền chi sớm, cứ lo học đi, làm gì cũng thất bại thôi. Tôi ức lắm vì có cảm giác ba mẹ không tin tưởng mình. Kể cả nếu thất bại thì tôi nghĩ điều đó tốt cho công việc của mình sau này” - T. kể.
“Bị cấm nên phải nói dối”
Bạn N.T.P. (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH KHXH &NV TP.HCM) là một nữ sinh viên năng động và yêu thích du lịch, đặc biệt đi “phượt” cùng bạn bè. Tuy nhiên gia đình P. lại cho rằng những sở thích này của P. là “tào lao” và cấm tiệt.
Biết tính ba mẹ rất nghiêm khắc và bởi nhiều lần xin đi du lịch thất bại, P. đâm ra chán nản và học cách nói dối. P. kể: “Dù biết sai nhưng tôi chỉ có thể nói dối ba mẹ để có thể được thực hiện niềm đam mê du lịch. Trước khi lên kế hoạch đi khám phá nơi đâu, tôi phải lên luôn cả kế hoạch nói dối ba mẹ với những lý do như đi dã ngoại với lớp, đi thực tập viết bài... Tôi chọn việc nói dối để được đi đây đi đó, thay vì nói thật thì chỉ có quanh quẩn ở nhà”.
Câu chuyện cha mẹ cấm, con càng muốn làm vốn dĩ không phải mới hay xa lạ với nhiều gia đình, tuy nhiên nó vẫn diễn ra như một điều tất yếu của dòng chảy cuộc sống. Phải chăng khoảng cách thế hệ luôn là rào cản, rằng trong mắt cha mẹ con cái mãi là những đứa trẻ cần được bảo bọc? Hay chính những đứa con chưa được trang bị vốn sống, kỹ năng sống để tạo niềm tin ở nơi cha mẹ rằng dẫu ngoài kia có nhiều bất trắc thì con cái vẫn bình an, vẫn đối diện một cách an toàn.
Đặt vấn đề này với PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, chúng tôi nhận được sự phân tích của ông về tâm lý của các bạn trẻ ở tuổi sắp trưởng thành, họ thường diễn ra theo hướng “bất thường”. Sự chống đối, phản kháng, mong muốn được tự khẳng định mình làm họ dễ hành động theo hướng càng cấm càng làm. Đó là sự tự vệ, là sự phản kháng mang dấu ấn tuổi trẻ, để khẳng định “tôi có thể làm tốt”.
“Các bậc cha mẹ thay vì bực bội, căng thẳng thì hãy bình tĩnh để có thể giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Chắc chắn sẽ có những lúc con cái vấp ngã, lúc ấy cha mẹ hãy đóng vai trò tư vấn. Có những lúc cần nhắc nhở hay gợi ý cho con chọn thay vì cứ nghĩ rằng mình luôn luôn đúng và áp đặt con làm theo ý mình” - ông Sơn nói.
Chị T.A., một bạn đọc, chia sẻ câu chuyện của chị về chuyện cha mẹ rất lo sợ chị đi đâu khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ. Do đó để được đi chơi với bạn bè qua đêm, chị T.A. thường nói dối là đi công tác. Vì lúc đó mẹ chị tin chị sẽ an toàn do có đồng nghiệp đi cùng. Một lần, chị muốn ở lại nhà một chị bạn đồng nghiệp qua đêm sau bữa tiệc do đường xa, trời đã khuya. Chị biết nếu xin phép qua điện thoại mẹ sẽ không đồng ý nên chị chuyển điện thoại cho mẹ nói chuyện cho chị đồng nghiệp. Vậy mà mẹ chị T.A. đồng ý ngay. Sau đó chị đồng nghiệp có thắc mắc vì sao mẹ chị T.A. lại dễ dàng đồng ý như thế khi không biết đồng nghiệp con mình là ai... Câu hỏi nửa đùa nửa thật ấy khiến chị T.A. phải suy nghĩ. Có quá nhiều sự khác biệt về lối sống, tuổi tác khiến cha mẹ và con cái đôi lúc chưa thật sự hiểu và tin nhau, dẫn đến những cấm cản khó hiểu nhưng không phải không có nguyên cớ. Vậy làm sao để cha mẹ tôn trọng những quyết định của con, cũng như làm sao để con cái có thể thuyết phục cha mẹ một cách hiệu quả? Mời bạn đọc email về toam@tuoitre.com.vn cùng thảo luận tìm lời giải đáp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận