04/04/2015 10:37 GMT+7

Đời này, cha mẹ còn gặp con cái được bao lâu?

ĐỖ LINH
ĐỖ LINH

TT - Tiếp nối bài viết “Một ngày mẹ mong con quay về...”, Tổ ấm nhận được một số câu chuyện của bạn đọc về những kỷ niệm sâu sắc với gia đình, có người đã trải qua một tuổi thơ ấm áp, nhưng vẫn có những kỷ niệm đầy nước mắt.

Bữa cơm gia đình. Ảnh minh họa.

Nhớ bữa cơm nhà

Trong cuộc đời ai cũng có những lần phải sống xa nhà, xa quê. Có đi xa mới thấy nhớ thật nhiều, mới thấy trân trọng hơn những bữa cơm gia đình đầm ấm yêu thương...

Việc cả gia đình cùng ăn chung bữa cơm mỗi ngày vào những khoảng thời gian nhất định đã nói lên cố gắng của từng thành viên trong việc tôn trọng giờ giấc, nề nếp của gia đình. Vì vậy đến bữa ăn, khi thiếu một ai đó, mọi người đều nhắc nhở, hỏi thăm lý do vì sao chưa về ăn cơm...

Nói cách khác, đợi nhau trong bữa cơm không hẳn chỉ vì chuyện ăn uống mà còn là cả gia đình cùng chờ đợi, tận hưởng những giây phút bình yên, ấm áp sau một ngày vất vả bôn ba vì miếng cơm manh áo.

Tuy mẹ tôi không xuất sắc về nữ công gia chánh nhưng những món ăn do tay mẹ nấu luôn... trên cả tuyệt vời.

Quanh năm suốt tháng không hề có bóng dáng của “sơn hào hải vị” hay “nem công chả phượng”, vậy mà những bữa cơm gia đình tôi ngày ấy vẫn thơm ngon, ấm áp biết chừng nào.

Cũng chỉ là cơm nấu từ gạo, cũng tô canh rau hái vội ngoài bờ rào hay vài con cá, mấy lạng thịt mà chợ quê nào cũng có, nhưng bữa cơm nhà vẫn ngon hơn bất cứ nơi đâu.

Bữa cơm gia đình cũng là nơi thích hợp để ông bà, cha mẹ chỉ dạy con cháu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực về ý thức san sẻ từ gia đình đến cuộc sống mai sau...

Giữa bao bộn bề của cuộc sống, bữa cơm gia đình vẫn mãi là sợi dây nối kết, gắn bó của mỗi thành viên cho dù xuôi ngược nơi đâu.

CHUNG THANH HUY

Đời này, cha mẹ còn gặp con cái được bao lâu?

Tuổi thơ tôi lớn lên ở một vùng quê Bắc bộ heo hút, nơi những người đàn bà lầm than lấm lem xó bếp, có những ông chồng uống rượu khề khà một mình với khuôn mặt khắc khổ mỗi buổi chiều buông, và trong cơn bức bối với cuộc đời, giận dữ với số phận, họ sẵn sàng đánh những đứa con máu mủ của mình.

Tôi không có cha, cũng bị mẹ đánh. Nỗi bức bối nơi đâu mẹ cũng đem về nhà và giận dữ trút lên thể xác tôi bằng vũ lực, ném vào tâm trí tôi bằng nhục mạ. Mỗi lần tôi no đòn, ngồi trơ lì ở một góc sân...

Tôi sợ mẹ tôi hơn sợ cọp, vừa qua tuổi mười lăm đã lao vào đời mưu sinh. Gần hai mươi năm sau tôi cũng chẳng có gì để nói với người mẹ đã già yếu của mình ngoài ký ức tối thẫm hoảng hốt thuở thiếu thời.

Có lần đương tuổi vị thành niên tôi hỏi một người thầy, gia là nhà còn đình có phải là cái đình không mà sao chúng ta vẫn gọi là gia đình?

Tất nhiên thầy trả lời cái đình làng chẳng liên quan gì hết, đình vốn mang ý nghĩa là cái sân, nơi nối liền với cái nhà truyền thống để tạo nên không gian gắn kết vừa ấm áp vừa rộng mở đầy ắp kỷ niệm của những thành viên cùng chung sống.

Tôi buồn sâu sắc từ dạo đó, nhà là nơi tôi không muốn bước vào nhất, còn góc sân và khoảng trời thì thường xuyên mở ra một không gian nhòe nhoẹt nước mắt với ấm ức đau thương.

Người ta nghe câu hỏi: “Đời này, bạn còn gặp được cha mẹ bao nhiêu lần?” thì giật mình xúc động, còn tôi cõi lòng lạnh tanh, vô cảm đến kiệt cùng.

Trước khi làm mẹ, tôi vẫn hằng nghĩ mình có thể cảm thông cho tầm nhìn cạn hẹp kém văn minh của bà. Nhưng khi con gái đầu lòng của tôi vừa chào đời thì hoài nghi bắt đầu bung nở.

Ngày qua ngày nhìn thấy vẻ thuần khiết trong veo của con gái, lý trí tôi chỉ muốn thanh tẩy sạch sẽ mọi tổn thương trong ký ức.

Tôi chỉ muốn làm một người mẹ tử tế, không bị nhiễu loạn bởi quá khứ, yêu thương con trẻ bằng cả trái tim và trọn vẹn những năm tháng còn lại.

Dẫu biết rằng con chỉ vừa đủ lớn sẽ bước chân ra ngoài thế giới rộng thênh và có khi đi mải miết chẳng muốn về.

Đời này, cha mẹ còn gặp con cái được bao lâu?

ĐỖ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên