03/11/2014 11:14 GMT+7

​Cần “vòng kim cô” cho ma túy

VŨ THỦY - HOÀNG ĐIỆP ghi
VŨ THỦY - HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Để tìm lối ra cho cai nghiện ma túy, với thực tế địa bàn đang có 19.000 người nghiện, TP.HCM đã đề nghị Quốc hội cho TP “một giải pháp tình thế”.

Một người nghiện đang chích ma túy - Ảnh: T.Long
Một người nghiện đang chích ma túy - Ảnh: T.Long

Chúng tôi giới thiệu các ý kiến xung quanh vấn đề này.

* Ông NGUYỄN HỮU TÀI (chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM):

Khó quản lý người nghiện

Một trong những khó khăn của TP.HCM là số người nghiện đông, tỉ lệ người nghiện lang thang, không có hộ khẩu tại TP.HCM, không có nơi cư trú ổn định chiếm gần 60% khiến công tác quản lý gặp vô vàn khó khăn.

Theo quy định, những người này khi bị cơ quan công an phát hiện sẽ được giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ lập hồ sơ, ban hành quyết định.

Trong khi đó, tổ chức xã hội trên địa bàn TP.HCM chủ yếu mang tính chất kiêm nhiệm, bán thời gian, lĩnh vực ma túy lại rất phức tạp, các tổ chức đoàn thể sẽ không đủ khả năng, cơ sở vật chất để quản lý.

Mặt khác, nhiều quy định mới về cai nghiện ma túy có nhiều điểm không gắn với thực tiễn dẫn đến không thể thực hiện được.

Ví dụ như hiện nay việc xác định tình trạng nghiện để đánh giá người nghiện ở giai đoạn nào phải có thời gian lưu giữ 6-8 giờ để theo dõi mới có thể xác định. Trong khi đó, ngành y tế không có chức năng, quyền hạn và cũng không có khả năng giữ người.

* Ông NGUYỄN THÀNH TÀI (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, nguyên trưởng ban phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội TP.HCM):

Mất đi “vòng kim cô”

Nếu tính cả người tại chỗ, người từ các địa phương khác và cả người nghiện ma túy cũ tái nghiện thì số người nghiện ma túy ở TP.HCM tối thiểu phải gấp đôi con số 19.000 người theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM.

Trong khi đó, TP.HCM đã mất đi “vòng kim cô” đối với người nghiện là cai nghiện tập trung. Từ đầu năm đến nay TP chưa đưa được người nào vào trung tâm. Bây giờ quy định công khai phải phạt hành chính hai lần rồi mới đưa đi cai nghiện cộng đồng, không xong nữa mới đưa ra tòa án.

Trước đây người nghiện chích ma túy phải lén lút, bây giờ họ biết chưa bị bắt hai lần, chưa cai nghiện cộng đồng thì không ai bắt đưa đi tập trung được nên họ chẳng sợ gì nữa.

Tại TP.HCM, ma túy lại dễ dàng mua bán trong bối cảnh 10 triệu dân, mỗi ngày có tới cả triệu người vãng lai, người nhập cư trên 2 triệu và là một đầu mối giao lưu quốc tế nên cũng là địa bàn rất dễ trung chuyển ma túy.

Đây cũng là địa bàn thu hút đông đảo người dân đến làm ăn sinh sống, trong đó có một số lượng không hề nhỏ kiếm sống không phải bằng nghề nghiệp chuyên môn kỹ thuật cao mà bằng lao động manh mún, nhỏ lẻ rất dễ có nguy cơ mất việc làm, dẫn đến việc dễ sa vào tệ nạn xã hội.

Quan điểm coi người nghiện không phải tội phạm là đúng nhưng thực tế có đến 38% người nghiện có hành vi vi phạm pháp luật tuy hành vi đó chưa cấu thành đến mức độ tội phạm.

Trước đây, khi người nghiện cai nghiện tập trung có tiến bộ, sức khỏe phục hồi sẽ đưa về quản lý tại cộng đồng với quy trình rất chặt chẽ, bàn giao cho từng địa phương cụ thể.

Nếu đang cai nghiện tại cộng đồng mà có tình trạng lộn xộn, không tiến bộ thì có thể bị đưa trở lại tập trung nên người nghiện còn lo ngại. Đồng thời, khi còn cai nghiện tập trung cũng có nghĩa là cắt cầu, lực lượng buôn bán ma túy cũng không có thị trường để buôn bán.

* Ông PHẠM CHÁNH TRỰC (nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM):

Không thể để người nghiện tàn lụi

Trước năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, ở Sài Gòn đầy người nghiện xì ke, ma túy và gái mại dâm, và lúc ấy không hề có luật lệ gì để xử lý nhưng những con người lúc đó đã thật sự yêu thương những người nghiện ma túy và tạo thành trào lưu để cuốn hút các em, các cháu bị dính vào xì ke, ma túy tham gia hoạt động xây dựng đất nước và tự mình cải tạo, tự rèn luyện.

Tuy nhiên chúng tôi phải tổ chức khám, chăm sóc sức khỏe cho các em cả một thời gian dài thì các em mới phục hồi sức lao động được.

Bây giờ mình có luật thì càng có điều kiện để vận động quần chúng và đối tượng nghiện ma túy thực hiện để giúp Nhà nước làm được việc cứu người, đưa những người nghiện trở thành người có đủ sức khỏe, có ích cho xã hội và cộng đồng.

Tôi kiến nghị Quốc hội xem xét luật để giúp đỡ được những người nghiện, chứ không thể bỏ để người ta tàn lụi. Nếu cho rằng vì nhân quyền mà để họ nhập vô xã hội nhưng họ không thể cai nghiện được thì thế nào? Nếu tách họ ra để có thể họ cai nghiện được thì thế nào?

Với lại tách ra không phải tách ra vĩnh viễn và cô lập, mà là các đoàn thể hoạt động cùng họ, hướng dẫn họ học... huấn luyện nghề nghiệp thì như vậy không thể gọi là tách khỏi đời sống xã hội.

Hai phương pháp đối nghịch

Việc nghiện ma túy không phải là chuyện chỉ có ở nước ta mà các nước khác, những nước phát triển vẫn phải đối diện với nó. Vì vậy việc tham khảo các mô hình phòng chống nghiện ma túy, mô hình cai nghiện của các nước là điều nên làm.

Có một trường hợp rất đặc biệt, đó là của Bồ Đào Nha. Trước đây quốc gia này cũng đối diện với tình trạng thanh niên nghiện ma túy trầm trọng và vào năm 2001, nước này đưa ra một chính sách gây ngạc nhiên, là “phi hình sự hóa việc sử dụng và sở hữu các loại ma túy”, hay nói cách khác là cho phép sử dụng ma túy (nhưng cấm bán).

Nước này cho rằng việc sử dụng ma túy không phải là một hành vi tội phạm để phải đối diện với tòa án hoặc nhà tù, mà là một loại bệnh tật, một vấn đề của y tế công cộng. Do đó, chính phủ đã đầu tư vào các phương pháp trị liệu y học từ nguồn kinh phí trước đây dành cho cảnh sát, tòa án và nhà tù.

Điều rất ngạc nhiên là khoảng 10 năm sau, tức năm 2011, người ta tiến hành lượng giá và nhận được những kết quả hết sức khả quan: con số người nghiện giảm, các loại bệnh tật do tiêm chích ma túy cũng giảm, việc buôn lậu ma túy, tình trạng tử vong do sử dụng quá liều cũng giảm rõ rệt, xuống còn phân nửa sau mười năm.

Cụ thể là theo báo cáo của Viện Cato (Cato Institut) công bố vào tháng 4-2009 cho thấy tỉ lệ sử dụng các loại ma túy nơi giới trưởng thành ở quốc gia này thuộc loại thấp nhất tại châu Âu và số người nghiện ma túy giảm từ 100.000 người xuống còn 40.000 người, tỉ lệ người nghiện trong độ tuổi 15-19 giảm từ 10,8% xuống còn 8,6%.

Ngược với cách làm của Bồ Đào Nha là nước Nga, cụ thể là phương pháp cai nghiện tại thành phố Ekaterinburg.

Vào những năm 1990, thành phố này đứng trước tình trạng nghiện ma túy trầm trọng nơi giới thanh niên với tỉ lệ tử vong lên đến hàng trăm người mỗi năm.

Thị trưởng thành phố này đã thực thi chính sách cai nghiện được xem là “tàn bạo”: cách ly người nghiện ra khỏi cộng đồng dù họ có muốn hay không, điều trị cắt cơn mà không cần dùng tới sự trợ giúp về mặt y tế; đồng thời trong quá trình bị cách ly cai nghiện, những người nghiện được học nhiều nghề, tham gia các trò chơi thể thao, hỗ trợ tâm lý và pháp lý cho bản thân người nghiện và gia đình họ...

Kết quả thu được cũng rất đáng kể: từ năm 1999-2003, tỉ lệ tử vong do dùng ma túy quá liều giảm 12 lần, 85% người nghiện đã được chữa khỏi.

Như vậy vấn đề nghiện và cai nghiện ma túy có nhiều mô hình khác nhau và đôi khi đối nghịch nhau hoàn toàn.

Do đó, việc chọn lựa phương pháp phòng chống nghiện hay cai nghiện ma túy của chúng ta cần được thảo luận thật kỹ trên nền tảng của những đặc trưng văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước... để từ đó có một chính sách cai nghiện và phòng chống ma túy hữu hiệu nhất.

LÊ MINH TIẾN

VŨ THỦY - HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên