29/12/2021 16:40 GMT+7

Cần ứng dụng ‘Một chạm sẻ chia’ cho nhóm người khó khăn, yếu thế

TRẦN NAM (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH quốc gia HCM)
TRẦN NAM (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH quốc gia HCM)

TTO - TP.HCM đối mặt nhiều áp lực trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ nhóm người diện chính sách, nhóm yếu thế, nhưng đang thiếu kênh kết nối dài lâu, cố định và khả năng thông tin về các chương trình hỗ trợ an sinh chưa cao.

TP.HCM có số lượng người dân thuộc diện chính sách, nhóm yếu thế khá lớn và con số này ngày càng tăng. Đại dịch COVID-19 khiến những điểm yếu trong kết nối thông tin giữa các cá nhân trong diện này với các cơ quan chuyên trách, các tổ chức tương hỗ trong xã hội được bộc lộ. 

Hơn lúc nào hết, bằng công nghệ, chúng ta có thể kết nối và hỗ trợ họ và điều này cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Theo số liệu của UBND TP.HCM, tại thời điểm ngày 1-1-2021, thành phố có 34.953 hộ nghèo (với 138.124 nhân khẩu) và 18.948 hộ cận nghèo (với 73.974 nhân khẩu). 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31-5-2018, tổng số người khuyết tật trên địa bàn thành phố là 56.644 người, trong đó có 8.272 người khuyết tật đặc biệt nặng, 34.788 người khuyết tật nặng và 13.584 người khuyết tật nhẹ. Thành phố cũng có một lượng lớn người già khó khăn, người gặp những trở ngại về tâm lý, hay người thất nghiệp hậu đại dịch…

Điều này đặt ra cho thành phố nhiều áp lực trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ.

Từ thực tế hoạt động của chương trình "Vắc xin tinh thần" (chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại TP.HCM do Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) thực hiện, nhất là qua tổng đài 1022 và tổng đài của chương trình, tôi nhận thấy nhu cầu cung cấp thông tin chính sách, nhu cầu được tư vấn các vấn đề tâm lý, nhu cầu hỗ trợ việc làm hay nhu cầu được kết nối và cảm nhận được sự chia sẻ của cộng đồng là rất lớn.

Hiện nay có một thực tế là thành phố đang thiếu kênh kết nối dài lâu, cố định và khả năng thông tin về các chương trình hỗ trợ an sinh chưa cao. Hay các tổ chức xã hội đồng hành cùng nhà nước đang rất khó khăn trong việc kết nối với các nhóm yếu thế để hỗ trợ.

Điều này nếu diễn ra trong một thời gian dài mà không có giải pháp triệt để và hiệu quả sẽ dẫn đến người dân thiếu các thiết chế đảm bảo an sinh trong khi nguồn lực xã hội còn rất lớn nhưng không thể kết nối.

Từ đó, theo tôi, một ứng dụng để kết nối nhóm người thuộc diện chính sách, nhóm yếu thế mà tôi tạm gọi là "Một chạm sẻ chia" là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và tương lai lâu dài.

Đề xuất này của tôi dựa trên những cơ sở như: (1) Nhu cầu kết nối, cung cấp thông tin của người dân thuộc nhóm chính sách, nhóm yếu thế là rất cao; (2) Tính khả thi về nguồn lực từ thành phố, từ nhà nước và các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ hay các nhà tài trợ; (3) Khả năng thực thi về mặt công nghệ và nguồn lực để thực hiện; (4) Đặc biệt, TP.HCM đang xây dựng thành phố thông minh, thành phố nghĩa tình; nhất là trong bối cảnh quan điểm nhân văn của nhà nước ta là bằng nhiều giải pháp, nhiều nguồn lực, phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bên cạnh đó, tôi nhận thấy sau đại dịch, năng lực sử dụng thiết bị công nghệ và các ứng dụng công nghệ cũng như tâm lý sẵn sàng sử dụng các thiết bị này đã được cải thiện đáng kể; cũng như hình thành nên những mạng lưới các tổ chức, cá nhân có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, hiệu quả, minh bạch. Nguồn lực con người, nguồn lực xã hội, nguồn lực công nghệ này nếu được khơi thông trong xã hội sẽ phát huy hiệu quả rất tốt, như truyền thống xưa nay của người Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM vậy.

Ứng dụng "Một chạm sẻ chia" nên được thực hiện bởi một dự án phát triển có tư cách pháp nhân và thuân thủ các quy định hiện hành về quản lý tài chính, minh bạch trong hoạt động. Về cơ bản, ứng dụng này sẽ bao gồm các chức năng, dữ liệu đầu vào, cách thức thực hiện và đặc điểm về thiết bị di động để cài đặt ứng dụng như sau:

Về chức năng: ứng dụng sẽ là kênh kết nối giữa người dân thuộc diện ưu tiên sử dụng với các cơ quan được UBND TP chỉ định và các tổ chức xã hội có nhiều hoạt động hỗ trợ an sinh cho người dân, các tổ chức hỗ trợ nghề nghiệp, chăm sóc y tế, các chương trình tư vấn tâm lý…

Các mục trong ứng dụng này bao gồm: Chăm sóc y tế, Tư vấn tâm lý, Việc làm, Hỗ trợ tài chính, Thực phẩm, Giải trí, Hỏi & Đáp, Chính sách, Nhà ở, Kết nối… Trong ứng dụng có thể tạo các diễn đàn cho các nhóm đối tượng phù hợp.

Về dữ liệu đầu vào: dữ liệu có thể được phần quyền cung cấp bởi 2 nhóm: (1) Nhóm do thành phố chỉ định, (2) Nhóm do ứng dụng phân quyền. Các cá nhân cung cấp dữ liệu phải cam kết tính chính xác và phù hợp. Ứng dụng có cơ chế kiểm duyệt kỹ càng trước khi xuất bản thông tin.

Về cách thức thực hiện: Để đảm bảo vận hành lâu dài, ứng dụng cần được thành phố tài trợ kinh phí xây dựng ban đầu, về sau, chuyển giao cho một cơ quan chuyên trách đảm nhiệm điều phối như một dự án phát triển. Ban Quản trị ứng dụng được giao quyền mời gọi tài trợ và có kiểm toán hàng năm.

Về thiết bị di động: Vì có nhiều cá nhân trong diện khó khăn nên việc mua sắm thiết bị di động và duy trì không phải là điều dễ dàng hay đối với người lớn tuổi, người khuyết tật, cần những thiết bị có màn hình phù hợp, phím bấm lớn. Thành phố nên đặt hàng các công ty công nghệ thiết kế riêng hoặc lựa chọn một sản phẩm có sẵn trên thị trường. Nguồn kinh phí có thể kêu gọi tài trợ. Để giảm gánh nặng ngân sách, đối với các cá nhân có điều kiện kinh tế đảm bảo, không nhất thiết phải tặng thiết bị mà họ có thể cài trên thiết bị sẵn có.

Từ quan sát của người đề xuất, bên cạnh nguồn lực kỹ thuật cao thì TP.HCM luôn có một nguồn lực rất lớn về con người, tri thức, kinh tế và sự tử tế để có thể giải quyết nhiều vấn đề của thành phố. Có lẽ, đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện các giải pháp công nghệ phát triển thành phố và điều ưu tiên, cần phải là đối tượng chính sách và yếu thế trong xã hội mà "Một chạm sẻ chia" chính là giải pháp phù hợp.

Cần ứng dụng ‘Một chạm sẻ chia’ cho nhóm người khó khăn, yếu thế - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Khởi động diễn đàn Khởi động diễn đàn 'Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM'

TTO - TP.HCM đặt mục tiêu cơ bản trở thành đô thị thông minh với chính quyền số, doanh nghiệp số, xã hội số, trong đó dịch vụ công được robot hỗ trợ cung cấp vào năm 2030. Thành phố càng thông minh, người dân càng hưởng lợi.

TRẦN NAM (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH quốc gia HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên