08/10/2012 10:10 GMT+7

"Cần thủ" sông Hồng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Gắn năm miếng mồi cùng lúc vào chùm lưỡi câu sáng quắc, to gần bằng nửa chiếc đũa, các cần thủ (người câu cá) bắt đầu giấc mơ đổi đời với sóng nước sông Hồng.

Suốt nhiều năm rồi, họ vẫn kiên trì săn tìm huyền thoại có thật dưới lòng sông...

q3cKmNhP.jpgPhóng to

Các “cần thủ” ở sông Hồng vừa câu được giống cá vược quý - Ảnh: Q.Việt

Mây đen vần vũ, sấm sét nhì nhằng báo hiệu dông bão sắp về. Nhưng các cần thủ ở cửa Ba Lạt, sông Hồng vẫn mải mê theo dõi phao câu bập bềnh trên mặt nước. Cá mú rất nhiều ở nơi phù sa đồng bằng hòa với muối biển này. Những ngư dân có thuyền suốt ngày quần thảo, bắt hết những gì lớn nhỏ mắc vào lưới. Còn tay câu vẫn lặng lẽ với chiếc cần. Nó là kỳ thú, cuộc sinh nhai và có cả “đạo” với cuộc sống dưới sông nước.

“Khương Tử Nha” thời nay

Những ngày ngược xuôi sông Hồng, tôi không chỉ bị dòng chảy huyền thoại này hút hồn mà còn bị quyến rũ bởi cả những người gắn với dòng sông. Ở cửa Ba Lạt, ngoài ngư dân chuyên nghiệp kiếm sống bằng thuyền lưới, còn có những cần thủ là người địa phương và những người nơi xa về đắm mình với dòng sông.

Suốt buổi sáng, tôi ngồi lặng nhìn cha con lão nông Nguyễn Văn Thiên ở huyện Xuân Trường, Nam Định kiên trì với những chiếc phao câu. Họ dậy từ lúc trời tảng sáng, chạy xe gần 20km xuống cửa Ba Lạt ở vùng đệm vườn quốc gia Xuân Thủy để cùng làm... “Khương Tử Nha”.

“Nhưng mà lão Nha trong truyện Tàu xưa chỉ ôm cần không lưỡi để chờ thời vận. Còn bọn tôi thì câu sất sần sật đấy” - lão nông móm mém nói vui. Gần 70 tuổi, ông Thiên ngoài làm ruộng còn có thú câu cá. Nó bắt đầu từ khi ông lẫm chẫm theo cha vác cần đi kiếm thêm miếng ăn hồi còn chiến tranh.

Những năm 1950-1960, cửa Ba Lạt nhiều cá lắm. Người đánh vó, kéo te, kẻ thả câu. Thuở ấy, gạo quay quắt thiếu bữa trước hụt bữa sau, nhưng miếng tươi từ sông nước thì nhiều. Những tay sát cá như cụ Bận cha ông Thiên nhiều ngày chỉ vác cần đi vài giờ đã có cả gàu tôm cá chia cho cả giáp (xóm) cùng cải thiện. Đời ông Thiên, máu sát cá của cha được tiếp truyền. Hễ ngơi ruộng đồng, ông lại ôm cần ra bờ sông Hồng.

Còn anh Minh, con út ông Thiên học ĐH ở Hà Nội, chưa xin được việc, buồn lòng về nhà ôm cần đi với cha. Anh cũng rất máu câu, nhưng có vẻ vẫn buồn, ngại điều tiếng dăm tuổi thanh niên đã ôm cần. Chiếc cần câu máy trị giá hơn 1 triệu đồng là thứ hiện đại duy nhất mà cả đời ông Thiên mới được cầm bởi con trai út dành dụm tiền mua tặng. Thật sự cha con ông vẫn quen chiếc cần tre trúc vừa nhẹ, vừa sẵn ở làng quê.

Nhà sát bên bờ sông Hồng chảy qua huyện Xuân Trường, nhưng cha con ông Thiên cũng như nhiều cần thủ khác vẫn thích ra cửa Ba Lạt thả câu. Đoạn này nước ngọt phù sa sông Hồng hòa lẫn nước biển, lại thêm nhiều cồn bãi và cây rừng ngập nước ở vườn quốc gia Xuân Thủy tạo thành hệ sinh thái nước lợ. Nó làm nơi quần sinh của nhiều loại thủy hải sản quý như tôm càng, cá vược, sủ vàng... Trong đó, đặc biệt cá sủ vàng là cơn sốt tìm kiếm giấc mơ đổi đời của ngư dân trong mươi năm gần đây với giá lên đến 15-20 triệu đồng mỗi ký. Kỳ lạ là loài cá này mà người ta bắt được thường khổng lồ, từ 50-60kg trở lên, thậm chí còn nặng hơn 1 tạ. Chỉ cần trúng được một con cá này, người sông nước đã đổi đời thật sự...

Những năm gần đây, nhiều tay câu vác cần đến cửa Ba Lạt vẫn ôm mộng sủ vàng, nhưng số may mắn cực kỳ hiếm hoi. Hầu hết người trúng con cá đắt giá này đều là dân đánh lưới. Nhiều năm rồi, cha con ông Thiên vẫn mải miết săn tìm con cá đổi đời này nhưng vẫn chưa gặp may. Giờ thì họ đang câu được nhiều nhất là cá vược, loài cá có vảy vẫn đang còn khá nhiều ở vùng nước lợ cửa sông Hồng.

Cách đây mươi năm, cần thủ Ba Lạt vẫn thường câu được cá vược 10-20kg, nhưng giờ nhiều nhất chỉ là cỡ cá một vài ký. Hiện nay cá vược được nuôi phổ biến, nhưng nhà hàng vẫn thích sản phẩm sông Hồng hơn. Cá vược ăn phù sa và các loài thủy sinh cửa Ba Lạt, thịt dai và ngọt hơn cá nuôi.

Huyền thoại cá sơn cước

Chiều mùa thu ở chân cầu biên giới Cốc Lếu, TP Lào Cai, tôi đã chứng kiến cảnh các cần thủ buông mồi dụ các loài cá quý. Anh Trần Bảo, một thương buôn ở P.Bắc Cường, TP Lào Cai, tuần nào cũng tụ tập các cần thủ để vui thú thả câu sông Hồng. Khi có nhiều thời gian, lộ trình câu của họ thường ngược lên nơi sông Hồng chảy vào đất Việt ở Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai.

Theo kinh nghiệm của họ, các loài cá lăng, cá chình, cá chiên thì sông Hồng đâu cũng có, nhưng nhiều nhất vẫn là thượng nguồn sơn cước. Đây là đoạn sông Hồng vắt qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ có độ dốc lớn, nước chảy mạnh nên phù hợp với các loài cá da trơn to, khỏe. Đặc biệt, đoạn Bát Xát, Hồng Hà gầm gào, cuồn cuộn chảy giữa hai dãy núi biên giới Trung Quốc - VN, dưới lòng sông có rất nhiều bãi đá ngầm lởm chởm hang hốc là nơi trú ẩn của các loài cá lăng, cá chình...

Tay câu dày dạn kinh nghiệm Trần Bảo hào hứng kể: “Bảy năm trước, chính tay tôi đã kéo được một con cá lăng nặng chín cân rưỡi ngay dưới cột mốc biên giới 92 ở Lũng Pô. Mấy anh lính biên phòng phải xuống phụ tôi mới dìu được cụ cá khổng lồ vào bờ”. Đây chính là nơi sông Hồng chảy vào đất Việt mà tôi đã đặt chân đến. Đoạn này, sông Hồng chảy từ Trung Quốc vào đất Việt, nhập với dòng Lũng Pô từ núi non Lai Châu đổ xuống.

Lũng Pô một màu xanh biếc, sông Hồng thì đỏ đục phù sa quyện vào nhau nhưng vẫn chia hai màu nước xanh, đỏ huyền ảo chảy dài cả kilômet trên cùng một dòng sông. Chính hệ sinh thái độc đáo này đã thành bãi quần cư của nhiều loài cá quý hiếm.

Cần thủ Trần Bảo đã câu được con cá lăng 9,5kg ở độ sâu 5m nước với mồi do anh tự chế bằng cá khô, cám rang bóp lẫn với cơm nếp và khoai lang. Khi đưa cá lên được bờ, lưỡi câu bằng thép tốt dày 2 li bị nó kéo duỗi nhưng còn dính được phần ngạnh ở mang cá.

Tuy nhiên, Bảo kể vẫn chưa phá được kỷ lục của một người dân tộc Hà Nhì ở xã A Mú Sung. Hồi mới lên đây câu năm 2000, anh tận mắt chứng kiến ông Vừ Pha Xoảy kéo được một con cá lăng nặng 27kg ngay dưới thung lũng chỗ nước Lũng Pô đổ vào sông Hồng. Con cá lớn vùng vẫy dữ dội, ông phải nhờ con trai phụ sức mới đưa được từ thung lũng lên dốc, để chở về nhà hàng Lào Cai bán với giá 2,5 chỉ vàng thời điểm ấy.

Chủ nhà hàng vốn cũng là tay câu này kể sau đó con cá được đưa qua Hà Khẩu, Trung Quốc bán lại với giá gần gấp đôi.

Trầm tư nhìn phao câu, ông Thiên hồi tưởng quá khứ: “Con cá sủ tinh ranh như người, rất khó lưới, khó câu. Nhưng khoảng năm 1980 về trước, chúng vẫn còn nhiều ở cửa sông này, nên người ta vẫn bắt được suốt. Khi cụ nhà tôi còn khỏe, có tháng câu được cả mấy con. Chiếc cần câu tre già to cả nửa cổ tay, dây câu là sợi dù, lưỡi câu thì bằng thép cứng, to gần nửa đầu đũa phải tự tay mài ngạnh, uốn ở nhà. Thế nhưng kinh nghiệm câu cá cả đời như cụ tôi nhiều khi cũng phải mất suốt buổi mới dìu được nó vào bờ. Nó to quá, ăn không hết, mà lúc ấy bán cũng chẳng ai mua. Cụ xẻ thịt muối phơi khô, riêng cái bong bóng to như đầu người thì xông khói ở gác bếp để khi buồn nhắm rượu”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên