25/05/2023 09:16 GMT+7

Cần thêm đối tượng, tăng thời gian giảm thuế VAT

Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cần áp dụng đúng cho các đối tượng phù hợp, cần kích thích và thúc đẩy để từ đó giúp tăng tiêu dùng.

Người dân đến giao dịch và làm các thủ tục về thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Người dân đến giao dịch và làm các thủ tục về thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trao đổi như vậy khi nói đến việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo nghị quyết số 43 mà Chính phủ trình Quốc hội ngày 24-5.

Theo ông Lâm: "Việc giảm thuế VAT trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Đồng thời, ngay từ bây giờ, Chính phủ phải có ý thức đánh giá, theo dõi tình hình, diễn biến nền kinh tế cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu thu chi để có thể tiếp tục đề xuất thêm đối tượng cũng như kéo dài thời gian giảm thuế VAT".

Có thể tính toán thêm bất động sản, chứng khoán

* Nhiều ý kiến đề xuất nên mở rộng đối tượng giảm thuế, thay vì chỉ bó hẹp như trong nghị quyết 43 của Quốc hội. Quan điểm của ông thế nào?

- Tờ trình của Chính phủ hiện giữ nguyên các nhóm đối tượng được giảm thuế VAT như nghị quyết 43. Dù vậy, bối cảnh tình hình hiện nay đã khác lúc nghị quyết 43 ban hành, có những ngành nghề rơi vào khủng hoảng và khó khăn gấp nhiều lần giai đoạn trước.

Nếu đặt mục tiêu kích thích tiêu dùng và sản xuất, theo tôi, cần áp dụng cho các đối tượng phù hợp, thực sự cần kích thích, thúc đẩy. Xét như vậy có thể thấy, hiện ngoài một số lĩnh vực như kinh doanh online, hoạt động công nghệ, ngân hàng ít gặp khó khăn, nhiều hoạt động như kinh doanh bất động sản, chứng khoán đang gặp vô vàn khó khăn.

* Theo Chính phủ, nếu giảm thuế VAT trong 6 tháng cho toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế 10%, ngân sách chỉ giảm khoảng 35.000 tỉ. Số tiền này được đánh giá không quá lớn, vậy tại sao không áp dụng hết?

- Như tôi nói ở trên, đối tượng áp dụng phải được xác định hợp lý, không thể áp dụng với các đối tượng không bị khó khăn, thậm chí kinh doanh có lãi. Riêng việc ngân sách giảm thu ít hay nhiều, trong quản lý ngân sách mất cân đối một đồng cũng khó.

Bởi thu và chi ngân sách đã được cân đối ngay từ đầu năm. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm khó khăn, chưa biết hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách hay không mà đã vội vàng giảm thuế các lĩnh vực một cách ào ào sẽ khó đảm bảo các cân đối lớn. Với các khoản chi đã được xác định ngay từ đầu năm rồi do đó phải thu cho đủ, nếu thu không đủ sẽ mất cân đối vĩ mô nên cũng phải cân đối hài hòa các lĩnh vực được hưởng chính sách.

Mặt khác, có thể sắp tới ngân sách tăng thu ở nhiều lĩnh vực khác ví dụ từ đất. Tuy nhiên, quy định nguồn tăng thu này phải mang đi đầu tư, chứ không thể đưa ra chi thường xuyên. Trong khi đó, nguồn thu thuế VAT được cân đối vào chi thường xuyên như giáo dục, văn hóa, y tế, thể thao. Giảm nguồn thu đồng nghĩa với việc mất cân đối chi, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực này.

* Vậy theo ông, có cần thiết giảm thuế cho hai lĩnh vực bất động sản, chứng khoán không?

- Cái khó nhất là nghị quyết phải ra đời nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp, muốn thay đổi đối tượng áp dụng (so với nghị quyết 43 - PV) phải có đánh giá tác động và các cơ sở thông tin. Nhưng vì tình thế cấp bách, Chính phủ chuyển đề xuất trong thời gian ngắn nên chưa có đánh giá tác động đủ thuyết phục để xem xét bổ sung một số ngành nghề. 

Còn nếu để chính sách nhanh chóng đi vào đời sống kịp thời, có thể tạm thời chấp nhận phương án như dự thảo bởi chưa có phương án tối ưu.

Phải nói rõ, với sự sụt giảm giao dịch hiện nay, việc giảm 2% thuế VAT cho lĩnh vực bất động sản, chứng khoán không có nhiều ý nghĩa về thúc đẩy giao dịch. Tuy nhiên, quan điểm của tôi nếu đủ các điều kiện, căn cứ nên tính toán bổ sung thêm bất động sản, chứng khoán vào đối tượng áp dụng. Khi khó khăn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dù ít hay nhiều đều quý.

Xem xét kéo dài thời gian áp dụng

* Mức giảm 2% thuế VAT trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn hiện nay được đánh giá không ý nghĩa lắm. Theo ông, có nên nâng mức giảm lên 3 - 5%?

- Xác định con số cụ thể giảm phải có căn cứ. Tuy nhiên, thực tế 2% hay 5% cũng không có nhiều ý nghĩa. Tình hình hiện nay, với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, người dân vẫn phải tiêu dùng, còn những thứ không thiết yếu đa số sẽ bị người dân cắt giảm.

* Thời gian áp dụng 6 tháng cũng được cho là quá ngắn?

- Việc giảm thuế cần toàn diện, thời gian áp dụng chính sách phải dài và ổn định hơn. Việc có nên kéo dài thêm thời gian áp dụng còn tùy thuộc vào đánh giá tình hình thực tế. Thay vì 6 tháng, nếu kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa hoặc cuối năm 2024 (thay vì đến cuối năm 2023) sẽ tạo điều kiện tốt hơn để kích thích tăng trưởng tiêu dùng, phục hồi nền kinh tế.

Chúng ta giảm thuế VAT một năm trước, rồi dừng lại 6 tháng, giờ nếu được thông qua sẽ tiếp tục giảm thuế 6 tháng, còn sau đó chưa biết như thế nào. Chính sách như vậy giật cục, làm cho các lĩnh vực kinh tế ứng phó không kịp, thậm chí tạo ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cũng gặp khó khi chính sách liên tục thay đổi buộc hệ thống quản lý phải thay đổi theo.

Trường hợp nếu vẫn giữ 6 tháng, từ đây đến cuối năm 2023, Chính phủ cần tập trung theo dõi, đánh giá khó khăn và căn cứ hoàn cảnh kinh tế để chuẩn bị đề xuất các chính sách kéo dài việc giảm thuế VAT. Lúc bấy giờ có thể đề xuất thêm các ngành nghề phù hợp được hưởng chính sách.

Công nhân sản xuất trong một nhà máy chế biến sản phẩm từ gỗtại tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Công nhân sản xuất trong một nhà máy chế biến sản phẩm từ gỗtại tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Cần thêm nhiều chính sách khác ngoài giảm thuế

* Như ông nói, giảm thuế VAT không tác động mạnh đến tình hình tiêu dùng. Vậy cần thêm các giải pháp để kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế?

- Giảm thuế VAT chỉ là một trong những biện pháp kích thích tăng trưởng. Khi thuế giảm sẽ kích cầu, tăng tiêu dùng và sản xuất ở một số lĩnh vực, từ đó lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế. Thế nhưng đây không phải là giải pháp duy nhất, mạnh nhất để thúc đẩy thị trường.

Thực tế thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo có nhiều giải pháp mạnh hơn giảm thuế để hỗ trợ thị trường bất động sản và chứng khoán. Sắp tới, cần thêm nhiều giải pháp tổng lực, đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng. Không nhất thiết chỉ trông chờ vào giảm thuế, mà phải phối hợp đồng bộ các chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ. 

Ví dụ có thể tăng chi ngân sách, thậm chí đi vay về để tăng chi đầu tư. Việc này vừa tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững về sau, vừa tăng nguồn cung tiền ra nền kinh tế, lan tỏa sang thu nhập của người dân, từ đó kích thích tiêu dùng.

* Các doanh nghiệp than khó khăn nhất vẫn là vốn?

- Quan trọng nhất phải tính toán room tín dụng cho hợp lý. Muốn cung tiền ra phải xác định room tín dụng phù hợp, chứ vì mục tiêu kiểm soát lạm phát mà cẩn trọng, duy trì room quá chặt, không cho tăng trưởng gì sẽ rất khó cho doanh nghiệp. 

Cũng cần nhìn nhận doanh nghiệp sống được phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay, với lãi suất vay cao hơn 10% lấy gì ra lãi. Do vậy, quan trọng nhất phải giảm được lãi suất, đồng bộ từ giảm lãi suất huy động đến giảm lãi suất cho vay và rút ngắn khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Muốn giữ lãi suất huy động thấp, lạm phát phải thấp. Vậy nên giữ mục tiêu ổn định đồng tiền là mục tiêu đầu tiên, sau đó ổn định giá trị đồng tiền để người dân vẫn gửi tiền ngân hàng. Nếu đồng tiền mất giá, lãi suất cao cũng không hút được tiền vào. Cho nên ưu tiên chính sách phải giữ lạm phát ở mức càng thấp càng tốt. 

Cùng với đó, ngân hàng phải tiết giảm các chi phí để giảm khoảng cách giữa lãi suất huy động với lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất hợp lý.

Đề nghị cân nhắc nâng tỉ lệ giảm thuế VAT lên 4%

Thẩm tra về đề xuất giảm thuế VAT 2%, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và người dân.

Tuy vậy, một số ý kiến còn băn khoăn khi cho rằng chính sách giảm thuế VAT vào giai đoạn nửa cuối năm 2023 khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng như trong năm 2022 do bối cảnh tiêu dùng hiện nay đã khác.

Về mức giảm thuế VAT 2%, có ý kiến cho rằng nếu chính sách này được thực hiện ngay từ đầu tháng 1-2023 sẽ tạo thuận lợi hơn cho khu vực sản xuất kinh doanh. Do đó, việc đề xuất giảm thuế từ ngày 1-7 là tương đối muộn, trong khi việc giảm thuế không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không phát huy được nhiều tác dụng cho các doanh nghiệp.

Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỉ lệ giảm thuế VAT lên 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

* Đại biểu LÊ THANH VÂN (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách): Nên giảm thuế VAT mạnh hơn

Đề nghị giảm thuế VAT của Chính phủ là cần thiết trong thời điểm hiện tại và thậm chí nên giảm ở mức cao hơn, từ 3 - 5%. Đồng thời, không chỉ trong 6 tháng cuối năm mà có thể vắt sang năm 2024.

Áp dụng mức này, nếu chỉ nhìn qua dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 75.000 tỉ đồng nhưng thực tế chưa hẳn đã giảm. Bởi việc giảm thuế giúp giảm chi phí giá thành, thúc đẩy mua bán, tăng doanh số, kích thích tăng trưởng.

Doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn sẽ quay lại nộp thuế, thu nhập của công nhân viên tăng lên... Nếu giữ nguyên việc thu thuế là tỉ lệ nghịch với khó khăn của người dân, mà giảm không đáng kể cũng không tạo được tác động đáng kể. Khoan thư sức dân trong bối cảnh này là cần thiết.

Chúng ta tiết kiệm chi thường xuyên, giảm mạnh chi hành chính, cắt bớt các công trình dự án không giải ngân được, thu hồi vốn về để đầu tư cho các dự án khác hiệu quả hơn.

Nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế VAT kích cầu tiêu dùng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế VAT kích cầu tiêu dùng - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM): Nên giảm đại trà và sâu hơn

Tôi đồng tình cần tiếp tục chính sách giảm thuế VAT. Nhưng thời gian tới, nên xem xét giảm đại trà chứ không riêng lĩnh vực nào và có thể kéo xuống giảm sâu hơn, thời gian dài hơn. Song giảm thuế chỉ góp một phần trong việc kích cầu nội địa, khuyến khích tiêu dùng trong nước.

Vấn đề quan trọng là chất lượng, mẫu mã sản phẩm phải phù hợp với người Việt Nam, để từ đó không chỉ khuyến khích "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" mà còn khuyến khích "Người Việt thích dùng hàng Việt". Sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu đều là những hàng chất lượng.

Do vậy, cần chú ý đến thị trường nội địa 100 triệu dân trong nước trước bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Để tiếp cận nhiều hơn với thị trường trong nước, cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho bộ phận nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp. Đồng thời có những chính sách khuyến khích về thuế, phí...

Cạnh đó, dù sản phẩm giảm giá nhưng người dân không có tiền thì cũng không mua được. Vì vậy, ngoài việc tạo ra nguồn cung, chính sách cầu trong dân rất quan trọng. Hiện nay nguồn lực trong dân sụt giảm nên rất cần thêm gói hỗ trợ. Trong đó chú ý đến hộ nghèo, người lao động mất việc, gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19... Có như vậy mới tăng được sức cầu nội địa.

* Ông PHẠM LÂM (phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam): Không tạo được đột phá cho bất động sản

Trong lúc khó khăn này, nếu giảm được thuế VAT cho doanh nghiệp bất động sản, về ngắn hạn sẽ có tác dụng nhất định, giúp tạo động lực, giảm một phần chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên về dài hạn, việc chỉ giảm thuế VAT sẽ không mang lại nhiều tác dụng cũng như không tạo được đột phá.

Bởi khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là về tài chính và thanh khoản sản phẩm. Sản phẩm bất động sản có khá nhiều nhưng không thanh khoản do người dân tiếp cận tín dụng với mức lãi suất quá cao. Do vậy, cần sớm thực hiện chính sách điều tiết lãi suất cho vay giảm xuống, đồng thời xây dựng các gói kích cầu thị trường bất động sản.

Đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT đến cuối năm 2023 với mọi hàng hóa, dịch vụĐề xuất Quốc hội giảm thuế VAT đến cuối năm 2023 với mọi hàng hóa, dịch vụ

Tất cả hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối năm 2023 theo đề xuất chính thức được Chính phủ gửi Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên