25/02/2012 07:40 GMT+7

Cần sửa đổi Luật đất đai

NGUYỄN ĐĂNG SƠN(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
NGUYỄN ĐĂNG SƠN(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)

TTCT - Chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam là đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là chủ sở hữu đại diện. Tuy ở nước ta chỉ được giao quyền sử dụng đất, song lâu nay người dân được mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất và được chính quyền công nhận.

Điều đó cho thấy thực tế đất đai là một dạng tài sản, đồng thời quyền sử dụng giống như quyền sở hữu.

Thời hạn và hạn điền - những thúc giục từ thực tế

EzrkBvdh.jpgPhóng to
Các chuyên gia cho rằng tích tụ ruộng đất sẽ khuyến khích người dân đầu tư mạnh hơn cho nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Trong ảnh: thu hoạch lúa ở Ninh Thuận - Ảnh: T.T.D.

Ở một mức độ nào đó thì hình thức sở hữu này không khác biệt lắm so với các nguyên tắc về sở hữu đất đai tại những nước phương Tây. Ở một số nước, vua hoặc nhà nước sở hữu đất đai gọi là “quyền sở hữu tuyệt đối”, sau đó cấp hoặc chuyển nhượng đất đai cho các cá nhân và tổ chức các quyền sở hữu và quyền lợi nhưng thấp hơn.

Trông người, ngẫm ta

Người chủ sử dụng đất ở Việt Nam được phép chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất bảo lãnh, quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo điều 106 Luật đất đai 2003. Những quyền lợi nêu trên thấp hơn quyền toàn quyền sử dụng đất (freehold tenure) của các nước phương Tây, cũng như quyền toàn quyền sử dụng đất thấp hơn quyền sở hữu tuyệt đối của nhà vua hoặc nhà nước.

Quyền lợi về toàn quyền sử dụng của người chủ sử dụng đất là “sở hữu hoàn toàn” thửa đất, theo đó người chủ đất cứ nghĩ là sẽ không bị yêu cầu trả lại cho nhà nước. Nhưng khái niệm này không hoàn toàn chính xác vì quyền đối với đất vẫn thuộc quyền của vua hay nhà nước khi buộc phải thu hồi đất để phục vụ các công trình công cộng. Nói cách khác, khi có toàn quyền sử dụng đất thì cũng có những sự cố ngoài mong đợi đối với đất và chủ sở hữu đất.

Tất cả các quyền nêu trên kể cả quyền toàn quyền sử dụng vẫn lệ thuộc vào quyền hạn của vua hay nhà nước khi buộc phải thu hồi đất phục vụ các công trình công cộng như đường sá, công sở, mặt bằng công cộng, đường ray xe lửa, quốc phòng... Việc thu hồi đất bắt buộc tạo ra quyền được đền bù quyền lợi theo giá thị trường.

Ngược lại ở Việt Nam, Nhà nước có quyền tương đối rộng hơn khi thu hồi đất không chỉ để phục vụ các công trình công cộng. Chẳng hạn Nhà nước có thể thu hồi đất nếu khu đất đó đầu tư kém hiệu quả, hoặc sử dụng đất cố tình phá hoại đất đai, hoặc khu đất bị lấn chiếm do người sử dụng đất thiếu trách nhiệm. Điều 43 trong Luật đất đai nêu rằng Nhà nước có thể thu hồi các khu đất mà không trả tiền đền bù.

Những khác biệt chính về hình thức sở hữu tại Việt Nam và các nước phương Tây là ở Việt Nam, trong khi quyền lợi và quyền gắn liền với đất do Nhà nước cho phép lại bị giới hạn trong trường hợp giao đất hay cho thuê đất liên quan đến việc sử dụng đất hay phân loại đất, thời hạn, diện tích đất và loại hình tổ chức đang sử dụng đất.

Gia hạn giao đất hoặc cho thuê đất dường như không được nêu rõ trong Luật đất đai là quyền mà trong đó cá nhân hay tổ chức hợp pháp có thể mong đợi có được sự gia hạn về quyền hưởng dụng và thời gian đã được Nhà nước cấp trước đó. Nhà nước dường như có quyền không gia hạn thời gian giao đất, cho thuê đất.

Đa sở hữu đất đai

Tổng kết sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cơ hội để đề xuất hình thức sở hữu khác nghĩa là “đa sở hữu đất đai”. Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta đã nhìn thấy có rất nhiều bất cập không thể tiếp tục duy trì mãi cơ chế cũ đang cản trở năng lực cạnh tranh của đất nước.

Để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân nên nhìn rộng ra trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu mà cạnh tranh nông nghiệp đang diễn ra quyết liệt. Chúng ta cần một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn, đó là cách duy nhất để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho những người đang tiếp tục sản xuất nông nghiệp, đồng thời có nguồn lực dồi dào hơn từ xuất khẩu để giải quyết các vấn đề của đất nước như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an sinh xã hội...

Nếu giao đất có thời hạn, người nông dân vẫn lấn cấn đây không phải là đất của họ, họ không toàn tâm để đầu tư sản xuất, đặc biệt là giai đoạn cuối của thời hạn giao đất.

Rõ ràng việc giao đất có thời hạn và không công nhận quyền sở hữu đất đai khiến người sử dụng chưa yên tâm, không khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp.

Cần xóa bỏ hạn điền. Lâu nay tuy bị hạn chế bởi hạn điền nhưng đã có rất nhiều hộ canh tác hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta đất qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất. Do luật quy định nên khi “mua” họ nhờ người khác đứng tên. Thực tế này chính quyền địa phương biết rõ nhưng mặc nhiên thừa nhận.

Về mặt lý luận, đại hội Đảng lần thứ XI tại cương lĩnh của Đảng năm 2011 đã diễn đạt đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất phù hợp”, đây chính là cơ sở để đề xuất hình thức “đa sở hữu đất đai”.

“Đa sở hữu đất đai” có nghĩa là cùng lúc tồn tại nhiều hình thức sở hữu, trong đó hai hình thức quan trọng nhất là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, quyền sở hữu nhà nước là tuyệt đối, sau đó cấp hoặc chuyển nhượng đất cho cá nhân và các tổ chức. Nhà nước có quyền thu hồi đất sở hữu cá nhân để phục vụ các công trình công cộng và đền bù theo giá thị trường.

Quyền sở hữu tư nhân thấp hơn quyền sở hữu tuyệt đối của nhà nước song tất nhiên cao hơn quyền sử dụng đất hiện nay trong Luật đất đai 2003.

NGUYỄN ĐĂNG SƠN(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên