Công an làm việc với nhân viên tại nhà hàng kinh doanh karaoke không phép trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM (ảnh chụp ngày 11-3-2016) - Ảnh: NGỌC KHẢI |
Tại TP.HCM, tình trạng chuyển đổi từ nhà hàng, quán ăn thông thường sang nhà hàng có tiếp viên nữ, beer club hoạt động như vũ trường... ngày càng phổ biến. Trong khi đó việc kiểm tra, xử lý bị hạn chế do nhiều nguyên nhân.
Thuê người theo dõi đoàn kiểm tra
Kết quả kiểm tra trong 11 tháng gần đây trên địa bàn TP có tới 151/159 cơ sở (gần 95%) được kiểm tra vi phạm pháp luật. Trong đó, đến 98 cơ sở có phát sinh các hành vi mua bán dâm, khiêu dâm, kích dục... Các cơ sở này chủ yếu là nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, bar, cơ sở matxa, hớt tóc, nhà hàng ăn uống.
Từ phản ảnh của người dân và các cơ quan báo chí, vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” trên địa bàn Q.Phú Nhuận. Trước đó, đoàn cũng đã kiểm tra 23 cơ sở, phát hiện 21 cơ sở vi phạm pháp luật trên địa bàn quận này và đã trình UBND TP ra quyết định xử phạt 14 cơ sở với số tiền gần 800 triệu đồng.
Qua kiểm tra, thống kê, trên địa bàn Q.Phú Nhuận hiện có 215 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục. Riêng loại hình nhà hàng có tiếp viên nữ, quận có 37 cơ sở hoạt động với hình thức công ty TNHH tổ chức karaoke không phép, có dấu hiệu biến tướng trá hình tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục.
Ông Lê Văn Quý, phó chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP, cho biết tình trạng các cơ sở thuê đối tượng theo dõi, đeo bám các đoàn kiểm tra khiến công tác kiểm tra xử lý gặp nhiều khó khăn.
“Hiện tượng này đã kéo dài nhiều năm nay. Công an TP cũng đã bắt giữ nhiều đối tượng nhưng không khắc phục được” - ông Quý chia sẻ. Cụ thể, các cơ sở thuê người theo dõi để các đối tượng này đeo bám các đoàn, đội, tổ kiểm tra từ TP cho tới quận huyện, phường rồi thông báo cho các cơ sở đóng cửa, tắt đèn, không nhận khách lạ...
Theo ông Quý, thực tế rất khó phát hiện vì người theo dõi đoàn cũng giống như người đi đường, không có dấu hiệu gì khả nghi. Họ bám theo xe đoàn kiểm tra để kịp thời báo cho các cơ sở.
Để tràn lan, kiểm tra không xuể
Ông Lê Văn Quý đánh giá việc chưa có quy hoạch về ngành nghề karaoke, vũ trường, ngành nghề xoa bóp trên địa bàn TP cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
“Mặc dù công tác kiểm tra thực hiện liên tục, trung bình một tuần 7-8 cuộc nhưng không xuể khi các cơ sở kinh doanh các dịch vụ này tràn lan, anh em làm việc rất cực. TP cần có quy hoạch chính thức để cụ thể khu vực nào, tuyến đường nào được kinh doanh dịch vụ karaoke, xoa bóp, matxa...” - ông Quý nói.
Tình trạng cơ sở không chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính cũng rất phổ biến. Sau khi bị kiểm tra phải nộp phạt lớn, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ đăng ký kinh doanh cũ, làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới nhưng thực tế vẫn là chủ cũ.
Trong khi đó, sự phối hợp thông tin giữa chính quyền địa phương với sở ngành chưa chặt chẽ nên rất khó xử lý, ngăn chặn.
Sở Lao động - thương binh và xã hội TP cũng cho biết các đối tượng hoạt động mại dâm hiện nay đều hiểu biết quy định của pháp luật, biết rõ nếu vi phạm cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh, trung tâm giáo dưỡng... nên họ ngang nhiên vi phạm.
Một số quy định về phòng chống tệ nạn mại dâm lại không quy định biện pháp chế tài cụ thể nên hoạt động này ngày càng tinh vi, diễn biến ngày càng phức tạp.
Từ tháng 6 năm nay, TP cũng triển khai việc ký cam kết phòng chống tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng việc triển khai chưa đầy đủ và xảy ra tình trạng chủ doanh nghiệp né tránh. Do đó, đến nay mới chỉ có khoảng 30% cơ sở có ký kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận