Một bản tin của Reuters phát đi ngày 20-6 cho rằng Mỹ và VN vẫn còn cách xa nhau trong đàm phán TPP, đặc biệt đối với lĩnh vực dệt may. Bản tin của Reuters nói đề xuất của Mỹ hiện mới chỉ giảm thuế cho khoảng 5% mặt hàng dệt may của VN.
Nói về tiến độ đàm phán giữa hai nước, bà Guthrie nhận định: “Hai nước chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước, nhưng với cam kết của cả hai, chúng ta có thể hoàn thành các công việc này và gặt hái được thuận lợi từ TPP”.
Bà Guthrie cho biết phía Mỹ hiểu tầm quan trọng của hàng hóa dệt may và giày dép đối với VN trong đàm phán. “Đó cũng là những lĩnh vực rất nhạy cảm với chúng tôi - bà chia sẻ - Nhưng phía Mỹ đã đàm phán những thỏa thuận toàn diện đối với các sản phẩm này trong các hiệp định thương mại trước kia và chúng tôi cũng định làm như vậy với hiệp định TPP”.
Bà Guthrie giải thích thêm rằng để đạt được thỏa thuận đối với hàng dệt may thì sẽ cần những nhượng bộ trong các lĩnh vực khác. “Việc tiếp cận thị trường của hàng dệt may và giày dép là một phần của gói tổng thể về tiếp cận thị trường, bao gồm cả hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Vì vậy việc có tiến bộ trên tất cả mặt hàng khác là cần thiết để có thể có một gói thỏa thuận về tiếp cận thị trường chấp nhận được cho mọi phía” - bà nói.
Theo website Đại sứ quán Mỹ tại VN, TPP là cơ hội dành cho tất cả các nền kinh tế lớn phát triển nhanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm các nước phát triển và đang phát triển, hợp nhất thành một khối kinh tế đại diện cho khoảng 30% GDP toàn cầu. Sự thành công của TPP sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa tan rào cản về thương mại và đầu tư, tăng xuất khẩu và tạo thêm các cơ hội việc làm cho mọi người. |
Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Peter A.Petri, nguyên hiệu trưởng sáng lập của Trường Kinh tế quốc tế ĐH Brandeis (Boston, Mỹ), nói về nguyên tắc Mỹ đã chấp nhận có những ngoại lệ với nguyên tắc xuất xứ tính “từ sợi trở đi” (từ sợi trở đi phải được sản xuất trong các nước TTP) cho những sản phẩm trên danh sách ngắn (short supply list) và điều này đã được phía VN chấp thuận. Theo ông, ở vòng đàm phán mới nhất, danh sách ngắn cụ thể đã được bàn thảo “nhưng vấn đề là danh sách này dù khá dài vẫn chưa đủ cho các nhà đàm phán VN hài lòng”.
“Cho đến giờ, chúng ta có thể nói chiếc cốc nửa đầy hoặc là nửa vơi thì cũng đều đúng” - GS Petri bình luận. Ông đánh giá việc kết thúc được đàm phán TPP sẽ vẫn là “thành công quan trọng với cả VN và Mỹ” dù ông thừa nhận “nó sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người”.
GS Petri cũng đánh giá cao việc Mỹ mới bổ nhiệm ông Mike Froman làm tân đại diện thương mại Mỹ. “Ông Froman là trợ lý cao cấp nhiều kinh nghiệm của Tổng thống Barack Obama - ông giải thích - Việc bổ nhiệm cho thấy Nhà Trắng rất coi trọng các quá trình đàm phán”.
Đại sứ Mỹ tại VN David Shear trong một cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ cuối tháng 4-2013 có nói: “Nước Mỹ muốn một VN phát triển mạnh, thịnh vượng và độc lập”. Ông nói việc gia nhập TPP sẽ giúp VN đạt được điều này.
Hiện có 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương đang đàm phán hiệp định TPP. Tại cuộc họp cấp cao các nước tham gia đàm phán TPP bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18 tổ chức tại Nhật tháng 11-2010, VN tuyên bố tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức. Sau 17 vòng đàm phán, Nhật đã được các nước chấp thuận tham gia đàm phán từ vòng thứ 18 ở Malaysia từ ngày 15 đến 25-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận