16/12/2013 05:05 GMT+7

Cần nhiều mẫu nhà để dân lựa chọn

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại lễ tổng kết dự án “Hỗ trợ chương trình quốc gia về nhà ở an toàn ở các vùng ảnh hưởng thiên tai tại miền Trung VN” vừa tổ chức tại TP Huế.

Nhà vùng bão lũ: Nhà kiên cố là giải pháp tối ưu|An toàn trong nhà tránh lũGiới thiệu những mẫu nhà chống bão hiệu quả
tTbjPXCM.jpgPhóng to
Nhà chống bão được DWF hỗ trợ bà Lê Thị Mai (xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - Ảnh: DWF

Theo ông Lê Văn Đậu - trưởng bộ phận truyền thông của Tổ chức hội thảo phát triển Pháp tại VN (DWF), từ thực tế hơn 10 năm thực hiện các dự án hỗ trợ nhà ở chống thiên tai giúp người dân miền Trung, DWF đã đúc kết ra những kinh nghiệm để hình thành 27 mẫu nhà ở chống bão lũ hiệu quả. Những mẫu nhà ở này được thiết kế riêng theo “đặt hàng” của người dân từng tỉnh thành (mỗi tỉnh 3-4 mẫu nhà), phù hợp với tập quán và đời sống văn hóa của từng địa phương. Tùy khả năng điều kiện kinh tế của từng gia đình, người dân chọn kiểu dáng và quy mô nhà ở cho phù hợp, nhưng khi xây dựng bắt buộc phải áp dụng các nguyên tắc về chống bão, chống lũ. Khi xây dựng nhà phải sử dụng những vật liệu phổ biến dễ dàng mua được ở mọi nơi, đồng thời tận dụng tối đa nguyên liệu tại địa phương để giảm giá thành, thợ xây dựng ở địa phương cần phải được tập huấn trước để nâng cao nhận thức và tay nghề.

Ông Guillaume Chantry, điều phối viên DWF, nói rằng những mẫu nhà này đã được DWF tập hợp trong 12 tập atlas (bản đồ và mô hình mẫu) giúp người dân miền Trung có thêm cơ hội tiếp cận, tham khảo được nhiều mẫu nhà để lựa chọn. Trong atlas, các mẫu nhà được trình bày các kỹ thuật cơ bản chống được gió bão cấp 11-12, từ đó người dân và thợ xây dựng hay chính quyền địa phương có thể chọn được ý tưởng áp dụng trong việc xây nhà.

Ông Phạm Quốc Anh, phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, nói rằng nhu cầu về mẫu nhà ở của từng hộ dân khác nhau, do đó có nhiều mẫu nhà để người dân tham khảo áp dụng là cần thiết.

Theo ông Vũ Xuân Thiện - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, những mẫu nhà ở của DWF đa dạng và đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn và phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Trong những trận bão vừa qua, tất cả nhà ở do DWF hỗ trợ xây dựng đều trụ vững an toàn, tính mạng và tài sản của người dân đều được đảm bảo, nên cần nhân rộng những mô hình này. Ông Thiện nói rằng Bộ Xây dựng đã có đề án và tờ trình về Chương trình 716 giai đoạn 2 sẽ nhân rộng ra 14 tỉnh với khoảng 40.000 hộ nghèo và cận nghèo vùng thiên tai được hỗ trợ xây chòi tránh lũ, đang chờ Chính phủ phê duyệt. Theo ông Thiện, Bộ Xây dựng sẽ không ấn định một mẫu nhà (chòi) để áp dụng đại trà cho người dân mà giao cho sở xây dựng các tỉnh tự thiết kế, lựa chọn mẫu nhà an toàn, phù hợp với phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của địa phương. “Đối tượng được hỗ trợ là những hộ nghèo, cận nghèo ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ngoài khoản tiền hỗ trợ 10 triệu đồng của Nhà nước, người dân còn được vay vốn ưu đãi 10 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong thời gian 10 năm, tùy điều kiện kinh tế mà người dân đầu tư thêm để có căn nhà kiên cố chống bão lũ” - ông Thiện nói.

Ông Thiện cho biết những mẫu nhà của DWF sẽ được sở sây dựng ở các tỉnh miền Trung phổ biến rộng rãi đến từng thôn xã để người dân có điều kiện tham khảo áp dụng.

Nhà an toàn ở Đà Nẵng

Sau trận lũ lịch sử (năm1999) và cơn bão Xangsane (năm 2006), Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng thông qua sự hỗ trợ từ nhiều nguồn đã giúp người dân xây 258 ngôi nhà và những ngôi nhà này đã được người dân đánh giá là bền vững và chống chịu bão, lũ. Đó là những ngôi nhà an toàn được xây dựng theo các tiêu chí: móng phải sâu từ

60-70cm (có kiềng móng), tường bao che phải có trụ khoảng cách 3m, có kiềng móng và có ít nhất 6 trụ, tường phải xây gạch nằm để có độ dày 15-20cm có giằng tường, mái phải có độ nghiêng 40-45 độ (có giằng mái) và cửa phải thông để gió luồn vào có thể đi ra. Những vùng thấp trũng thì thiết kế thêm một gác lửng là đủ điều kiện để dọn lên khi nước lũ về, chằng néo an toàn khi có bão tới.

Để xây nhà an toàn, mức hỗ trợ trước đây là 15 triệu đồng và hiện nay từ 25 triệu đồng. Người dân sẽ góp thêm vào, cộng với sự hỗ trợ công sức của cộng đồng thì có thể hoàn thiện một ngôi nhà trị giá trên 70 triệu đồng đủ sức chống chịu bão, lũ. Người dân nhận hỗ trợ xây nhà phải cam kết thực hiện theo đúng tiêu chuẩn nhà an toàn và chịu sự giám sát của Hội Chữ thập đỏ.

Trong thực tế nhiều năm qua, có cơ hội tiếp cận nhiều vùng nông thôn từ Quảng Bình đến Phú Yên, qua nhiều cuộc phỏng vấn người dân, chúng tôi thấy hỗ trợ để người dân xây dựng nhà có khả năng tránh bão lũ là điều mong ước của nhiều gia đình. Cùng với sự đề xuất nguồn kinh phí của Bộ Xây dựng trong việc kiên cố hóa nhà ở nông thôn (thay vì chòi tránh lũ), thiết nghĩ nên hỗ trợ kinh phí cho người dân để xây dựng nhà an toàn theo tiêu chí lựa chọn (thông qua chính quyền địa phương). Khi hỗ trợ xây nhà an toàn, cần lưu ý khoảng cách phù hợp để nhà an toàn này có thể là điểm sơ tán gần nhất cho người dân trong khu vực (mỗi thôn nên hỗ trợ xây chừng 5-10 nhà).

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên