Phóng to |
Cùng với tiền hỗ trợ, người dân phải bỏ thêm nhiều tiền mới có được ngôi nhà tránh bão lũ an toàn như thế này - Ảnh: Tấn Vũ |
Thôn Thế Lộc (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nằm sát sông Kiến Giang, bão lũ trở thành nỗi lo sợ thường trực của người dân. Từ khi sáu hộ dân trong thôn được đầu tư nhà chòi tránh lũ, người dân nơi đây không còn lo sợ khi mùa mưa bão đến. Tương tự, xóm Hoằng Phước Bắc (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) được coi là rốn lũ ngập nặng nhất Quảng Nam trong các trận lũ vừa qua với hàng trăm nóc nhà bị chìm sâu trong nước. Nếu không có những căn chòi tránh lũ thì không những tài sản mà tính mạng của hàng trăm người dân trong vùng có nguy cơ chìm theo biển nước.
Không có chòi thì nguy!
Ông Trần Phúc Duệ, một hộ dân được hỗ trợ xây nhà tránh lũ ở Thế Lộc, kể chẳng nói đâu xa, ngay cơn bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình vừa qua đã chứng minh được tính hiệu quả của nhà tránh lũ. Cả xóm gần chục nhà mang theo cơm gạo qua trú trong nhà tránh lũ này. “Bên ngoài gió giật dữ lắm. Mấy nhà xung quanh bay mất mái ngói nhưng nhà này vẫn chẳng hề hấn chi” - ông Duệ nói.
Ngôi nhà tránh lũ của ông Duệ được xây hai tầng. Khi có bão thì tầng trệt là nơi để trú bão. Từ sàn nhà lên 3,3m được xây một gờ lồi trên bốn mặt tường để ông gác các tấm gỗ lên làm tầng hai. Tầng này được dùng khi nước lũ dâng lên. Trên tầng hai, ông cũng bố trí đủ các đồ đạc, củi lửa để có thể sinh hoạt cho khoảng vài chục người. Để có thể chống chịu được sức giật của gió bão, nhà ông Duệ đã được thiết kế phần mái tôn kín gió. Toàn bộ các cạnh tôn đều được xây chìm trong các cạnh bê tông. Gió sẽ trượt trên bề mặt tôn chứ không luồn vào trong giật lên được.
Ông Mai Tấn Hùng (xã Đại Lãnh) dẫn chúng tôi leo lên căn chòi tránh bão lũ của gia đình ông đã sử dụng được hai năm. Đó là căn nhà có bốn trụ bêtông, diện tích 4,2mx3m, cao khoảng 8m, nằm cạnh căn nhà chính. Thoạt đầu trông căn chòi tránh bão này giống một chòi canh ở các căn cứ quân sự bởi bốn bề là tường gạch, chỉ có một cửa sổ nhìn ra ngoài và một lối ra vào duy nhất, mái lợp tôn. Ông Hùng cho biết trông căn chòi không được đẹp vì nhà ông quá khó để nâng cấp nó, nên ông chỉ xây và đưa vào sử dụng mà chưa tô và quét vôi cho sạch sẽ. Cầu thang leo lên tầng trên cũng chưa có, ông tận dụng gỗ bạc hà đóng mấy bậc tam cấp để leo lên khi có lũ. “Rứa cũng tốt lắm rồi. Có cái này mình an tâm, bão mình ở dưới, lũ lụt mình leo lên trên. Tôi làm cái chòi này cao hơn đỉnh lũ năm 1999 khoảng 3m nên hết sức an tâm. Năm nay, gia đình tôi phải năm lần leo lên đó tránh lũ rồi. Không có nó thì nguy” - ông Hùng nói.
Giúp thì giúp tới nơi...
Ông Hùng kể: Nhà nước cho ông 10 triệu đồng, Ủy ban MTTQ VN huyện hỗ trợ ông 5 triệu đồng, ngân hàng chính sách xã hội cho ông vay 10 triệu đồng với lãi suất 0,5%/năm trong vòng 10 năm, ông bán bò thêm vào xây cái chòi này hết gần 40 triệu đồng. Cạnh nhà ông Hùng là nhà bà Phạm Thị Thái trông khá khang trang. Khoản tiền hỗ trợ tương đương nhà ông Hùng để xây chòi tránh lũ nhưng bà Thái đã bán heo, gà, vay mượn họ hàng đầu tư thêm nên có căn nhà hai tầng, nền gạch men, lan can sắt, có hẳn cái sân ngoài trời rất thông thoáng. “Vay mượn nợ đầu tư căn nhà hết 85 triệu đồng. Hôm lũ cả xóm chạy đến đây tránh trú. Chật tí mà vui. Nhờ có nó chứ không thì chìm hết” - bà Thái hồ hởi khoe.
Ông Phan Hữu Tốt, một người dân được làm nhà chòi tránh lũ trong thôn Thế Lộc, cho biết để làm căn nhà tránh lũ, ông bỏ tổng chi phí đầu tư hơn 50 triệu đồng. Trong đó Bộ Xây dựng và huyện, xã hỗ trợ 17 triệu đồng, mỗi hộ được vay ưu đãi thêm 10 triệu đồng. Số còn lại gia đình tự xoay xở. Ông Tốt nói những hộ được chọn để hỗ trợ làm nhà tránh lũ là hộ nghèo, vì vậy nhiều hộ đã trả lại vốn bởi không có tiền bỏ ra “đối ứng” để hoàn thiện ngôi nhà. Có gia đình làm nhà tránh lũ bằng vật liệu tạm bợ không đảm bảo khi có bão lớn. “Nếu được đầu tư đủ tiền thì hiệu quả của nhà tránh lũ sẽ cao hơn và bền vững hơn” - ông Tốt nói.
Bà Trương Thị Minh Phương, phó chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, cho biết toàn xã được huyện chọn làm thí điểm mô hình chòi tránh lũ 50 cái và đã phát huy hiệu quả trong những mùa lũ vừa qua. “Tháng 4 vừa rồi đi tổng kết chương trình này tại Phú Yên, tôi đã báo cáo về tác dụng của chòi tránh lũ, nhưng cũng kiến nghị với các cấp là hỗ trợ nhiều hơn cho người dân và nên triển khai trên diện rộng cho miền Trung” - bà Phương nói. Ông Phạm Quốc Anh, phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, cũng cho biết số nhà chòi tránh lũ mà Chính phủ hỗ trợ người dân ở Quảng Bình tại hai xã Tân Ninh và Quảng Tiên (huyện Quảng Trạch) là 100 căn, đã được hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2013. Số chòi này bảo đảm mức vượt lũ 1,5-3,6m và chịu được cả bão lớn, đã được kiểm tra hiệu quả tránh lũ sau các trận lũ lụt trong tháng 10 và 11-2013. “Hạn chế của dự án này là do làm chòi nên diện tích quá nhỏ (chỉ 10m2) dẫn đến không được đẹp về cảnh quan cho lắm. Nếu được thì nên hỗ trợ cho người dân làm được một căn nhà nhỏ, sẽ tạo thêm cho người dân có được diện tích sống trên sàn nhà đó trong những ngày lũ lụt, cùng với sức chứa nhiều đồ đạc hơn” - ông Anh nói.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bộ Xây dựng đề xuất xây chòi chống lũ cho miền Trung"Mấy cái cột toòng teng không chống nổi bão lũ đâu!"Không nên chỉ là chòi chống lũNhà vùng bão lũ: Nhà kiên cố là giải pháp tối ưuNhà ở cho vùng bão lũ: Phải phù hợp với nông thônDân mong ngôi nhà vững chắcLồng ghép giữa nhà chống bão và lũ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận