28/11/2013 12:35 GMT+7

Không nên chỉ là chòi chống lũ

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG

TT - Tiếp tục những bàn luận về mô hình nhà chống bão lũ phù hợp ở miền Trung sau khi Bộ Xây dựng đề xuất xây chòi chống lũ, chúng tôi giới thiệu ý kiến của một kiến trúc sư và mong muốn sẽ nhận thêm các ý kiến khác.

Bộ Xây dựng đề xuất xây chòi chống lũ cho miền Trung"Mấy cái cột toòng teng không chống nổi bão lũ đâu!"

Wbd0ctSy.jpgPhóng to
Mô hình nhà sống chung với bão lũ với chi phí xây dựng dưới 80 triệu đồng/căn - Ảnh: N.N.Dũng

Miền Trung, với 4/5 diện tích là đồi núi, cao nguyên, chỉ 1/5 là đất đồng bằng, khoảng cách ngắn, làng mạc, phố thị miền Trung thường xây dựng dọc các con sông lớn. Khi mùa mưa bão đến, các con sông này nhanh chóng dâng cao, áp lực lũ mạnh nếu các cửa sông không thông thoáng.

"Vấn đề ở đây không chỉ là cái chòi chống lũ, mà đòi hỏi phải tổ chức cho được không gian sống, điều kiện sống để hạn chế thấp nhất thiên tai và nhân tai, giữ gìn bản sắc ngôi nhà Việt trong ngôi làng Việt với cộng đồng làng xã"

Những năm gần đây lũ ở miền Trung ngày càng dữ dội bởi hàng trăm con đập trên cao xả lũ, lũ chồng lũ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, dòng nước ngày càng mạnh, cuốn trôi mọi thứ nó chảy qua...

Người dân vùng này đang hứng chịu không chỉ thiên tai mà cả nhân tai, mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng mất trắng và tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng nữa để sửa chữa cải tạo nhà cửa, đê điều đường sá, cầu cống...

Chưa kể thiệt hại về nhân mạng, trẻ em phải nghỉ học, nước sinh hoạt ô nhiễm gây dịch bệnh...

Để hướng đến cuộc sống bền vững cho người dân vùng thường xuyên gánh chịu bão lũ, UNESCO và UIA (Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới) từng tổ chức cuộc thi “Kiến trúc và nước” cho toàn thế giới và Việt Nam đã đoạt nhiều giải thưởng ở cuộc thi này với nhiều ý tưởng thiết thực.

Và mới đây, Chính phủ Đan Mạch kết hợp với Bộ Tài nguyên - môi trường cũng phát động cuộc thi “Ngôi nhà ứng phó với biến đổi khí hậu”, hàng trăm bài dự thi với nhiều kiến nghị giải pháp thực tế để tổ chức cuộc sống cho người dân trong điều kiện lũ lụt, mưa bão. Đích thân thái tử Vương quốc Đan Mạch trao giải cho các dự án tốt nhất. Chỉ tiếc là sau đó tất cả chìm vào quên lãng, không còn ai quan tâm để có thể ứng dụng những ý tưởng sáng kiến này giúp người dân ở vùng bão lũ có cuộc sống ổn định hơn.

Và bây giờ Bộ Xây dựng lại đưa ra một khái niệm mới “xây chòi chống lũ” với hàng ngàn tỉ đồng xây dựng đại trà. Một cái chòi cao lêu khêu, diện tích sử dụng chỉ 10m2 xây tường, lợp mái tôn, mấy cây cột nhỏ với cầu thang hun hút... Một kiến trúc lạ lùng giữa làng quê Việt! Không biết mai này khi hàng ngàn cái chòi này mọc lên, nó sẽ chịu được cơn bão cấp mấy và người dân sẽ sinh sống ra sao giữa mênh mông biển nước?

Vấn đề ở đây không chỉ là cái chòi, mà đòi hỏi phải tổ chức cho được không gian sống, điều kiện sống để hạn chế thấp nhất thiên tai và nhân tai, giữ gìn bản sắc ngôi nhà Việt trong ngôi làng Việt với cộng đồng làng xã, đình chùa, miếu mạo. Những điều này đã được giải quyết trong những bài thi đoạt giải trước đây, chỉ tiếc rằng dường như Bộ Xây dựng không quan tâm, để rồi đã đưa ra đề án “cái chòi chống lũ” gây nhiều tranh cãi.

Miền Trung Việt Nam đã xây được nhiều hồ điều tiết ở hạ nguồn, nên phát huy san bớt nước lũ tràn vào thành phố, làng mạc. Những ngôi làng đã hình thành lâu đời, bám ruộng, mồ mả tổ tiên, nên tổ chức thành từng cụm dân cư sống chung với lũ, chủ động và ứng phó không phải di dời.

Mỗi làng đầu tư một nhà cộng đồng bằng đá tảng ở khu vực cao ráo, thiết kế chống bão và lũ lụt, có nhà ăn với hồ nước lớn dự trữ, điện mặt trời dự phòng...Nhà cộng đồng này có thể tổ chức thành đình làng kiên cố, vẫn sinh hoạt y tế, học tập bình thường.

Riêng đối với nhà dân, cần thay đổi thói quen xây nhà bằng vật liệu cổ điển, chuyển qua vật liệu panel 3D, hay tấm tổng hợp Conwood, chống nóng, chống ẩm, chịu nhiệt, giá thành rẻ. Sàn, tường, mái nhà liên kết hợp khối bằng vật liệu này (không sử dụng tôn, fibro vì thường bị bão lớn tốc mái).

Toàn bộ ngôi nhà được liên kết với hồ nước bằng đá tảng bên dưới chứa nước mưa, cao 2-2,5m để vừa chống lũ, vừa có nước sạch sinh hoạt, ăn uống. Mỗi nhà trang bị một tấm pin mặt trời, một hố xí biogas. Nếu sản xuất hàng loạt, giá thành một căn nhà dưới 80 triệu đồng với hai phòng ngủ, một phòng khách, phòng thờ, bếp, vệ sinh, gác mái làm kho chứa thực phẩm và nông sản, một chiếc thuyền nan...

Đã đến lúc nông thôn Việt Nam nói chung và vùng lũ bão nói riêng nên thay đổi tư duy về vật liệu xây dựng, không sử dụng vật liệu gỗ rừng, gạch nung gây hại rừng và môi trường (càng làm bão lũ dữ dội hơn), đồng thời tạo được bộ mặt nông thôn khang trang và vẫn giữ gìn bản sắc làng xã Việt Nam quần tụ quanh đình làng miếu mạo, mặc cho bão lũ mỗi năm tràn về.

Đương nhiên, để làm được điều này cần sự đầu tư một lần của Chính phủ, của địa phương, của các nhà sản xuất vật liệu, và sự đóng góp của người dân cả nước, không chỉ cho miền Trung mà cả miền Tây, miền Bắc - nơi thường xuyên hứng chịu bão lũ.

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên